1. Huế là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa. Theo thống kê, Huế là vùng có lượng mưa trong năm cao nhất nước, trung bình là 2.700 mm, số ngày mưa cũng kéo dài nhất (200-220 ngày) và độ ẩm cao nhất nước (83-87%). Trong đó, khu vực núi Bạch Mã - Hải Vân là trung tâm mưa lớn nhất nước (hơn 4.000mm).
Mưa Huế thường kéo rất dài, dầm dề và lê thê, như nhà thơ Nguyễn Bính đã lột tả: “Trời mưa ở Huế sao buồn thế. Cứ kéo dài ra đến mấy ngày”. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng viết: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi. Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”.
Mưa Huế gắn với bão lụt xứ Huế. Nhà văn Lê Vũ Trường Giang (hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế) nhớ lại: “Cơn bão số 2 năm 1995, tôi còn nhớ như in. Mưa đêm dữ dội. Mưa gào thét đã đời. Ngủ dậy thấy mái nhà sáng choang, một góc mái tôn mè gió thổi đi đâu mất. Bước ra hiên, mọi thứ trống hươ trống hoác. Buồn nhất là giàn bí đao, mướp đắng rộng mênh mông giờ đổ sập xuống, tan hoang. Giàn hoa cát đằng cũng quằn quại ngay dưới trụ hiên, màu tím bầm in trong nước”.
Và: “Mùa mưa năm 1999 là cơn đại hồng thủy tang thương của xứ Huế. Năm đó, tôi học cấp 2, ở trọ bên này Đập Đá nghe mưa rào rạt suốt mấy ngày trời. Mưa chẳng còn thơm nữa, mưa làm lòng dạ rối bời, mưa đẩy quê hương vào cơn tối tăm. Mưa mãi, mưa hoài, mưa chẳng dứt, nước lên ngập đường ngập phố, ruộng đồng nát tan, nhà cửa trôi theo dòng nước. Và động trời nhất là tin làng Hòa Duân mấy trăm hộ bị mưa lũ cuốn trôi ra biển. Mưa ơi, đau lòng đau dạ. Mưa trên đầu hoa trắng, mưa buồn nguồn cội, mưa ơi. Những năm đó, tết về xóm nhỏ buồn hiu”.
Dù vậy, cơn mưa là lẽ tự nhiên và con người luôn cần nó để sinh tồn nên theo nhà văn Lê Vũ Trường Giang: “Không ai than trách mưa, mưa là quà tặng xứ sở, mấy trăm năm qua gieo giọt trên mảnh đất này. Cơn mưa còn là đề tài bất tận của nghệ thuật: Mưa vào thi ca, mưa trên khuôn nhạc, mưa trong tranh… Cơn mưa còn là những kỷ niệm mông lung về tình yêu. Hình ảnh những đôi tình nhân đèo nhau qua con đường nhỏ, mưa bay phấp phới dưới ngọn đèn vàng đẹp vô cùng”.
Mưa Huế là thế, có lẽ là “đặc sản” xứ Huế. Bởi thế nên một ai đó khi không về thăm Huế mùa mưa cũng đều rất nuối tiếc. Lời bài hát “Mưa Huế” của tác giả Võ Ngọc Lan có đoạn: “Khi mô anh về thăm Huế xưa. Nhớ gửi giùm em một chút mưa”… và sẽ phải “Hẹn Huế mùa sau sẽ về thăm. Thăm từng cái lạnh giấu trong chăn. Nghe mưa rả rích trong đêm vắng. Để nhớ vô cùng những tháng năm”.
Do đó, đúng như tác giả Trần Văn Toản (giáo viên trường THPT Quốc Học Huế) đã khẳng định: “Ai đó đã nói rất đúng rằng đến Huế mà chưa được thăm lăng tẩm Hoàng cung thì coi như chưa đến Huế. Tôi vẫn muốn nói thêm: đến Huế mà chưa được rong ruổi trên các con đường để tắm mình trong những cơn mưa rả rích, dìu dịu, lâm thâm thì cũng coi như chưa một lần đến Huế”.
Và như một nỗi niềm day dứt chung, nhà báo Văn Công Toàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế cũng đã viết “Chưa ướt tóc nghĩa là chưa yêu Huế”.
2. Hết mưa rồi lại nắng. Tôi nhớ có lần trời nắng chang chang, chờ mạ tôi mua chiếc chiếu ở chợ Đông Ba đã hai chục phút, tôi thấy khát khô cổ họng dù đã dựng xe ở chỗ có bóng râm. May thay, một o bán trà đá đi ngang. Tôi liền gọi mua. Uống xong ly trà đá đỡ khát hẳn. Mấy chú xích lô, xe thồ, bốc vác và mấy mệ, mấy o tiểu thương cũng rối rít kêu o bán trà đá lại để mua. Trà đúng là “cứu tinh” cho cơn khát.
Vào ngày nóng bức khi còn nhỏ, nghe có tiếng rao “ai đậu hũ không?” tôi liền “ba chân bốn cẳng” chạy đến xin tiền ba mẹ để ăn cho kỳ được một chén đậu hũ. Nghe mệ tôi kể, từ rất lâu, đậu hũ đã trở thành một món ăn giải khát dân dã của người Huế. Món ăn này được làm từ đậu nành. Đậu nành ngâm vào nước cho mềm và vò thật sạch, sau đó đem xay lấy nước có mùi thơm, màu trắng như sữa. Nước đậu ấy pha với nước lạnh theo đúng tỉ lệ rồi cho vào một cái nồi lớn, nấu sôi.
Trong quá trình nấu phải canh lửa cẩn thận sao cho nhiệt độ sôi vừa đủ, cho thêm bó lá dứa tươi và dùng thanh gỗ khuấy đều. Đậu dậy mùi thơm đem lọc qua một tấm vải sạch trước khi đổ vào chum, đậy kín khoảng 20 phút thì sẽ đông. Khi múc ra chén, đậu hũ sẽ được người bán khấy đều với đường và vắt một ít chanh trộn lẫn, tạo nên một món ăn ngon, bổ, rẻ nhưng có tác dụng giải nhiệt rất nhanh chóng.
Nếu không có điều kiện đến biển để ăn hải sản, món bún giấm nuốc ở quán ăn nhỏ gần ở đầu đường Chi Lăng, đoạn gần cầu Gia Hội đổ xuống là một lựa chọn thay thế tuyệt vời. Nuốc là tên một loại sứa sống ở vùng đầm phá nước lợ đầm Cầu Hai, phá Tam Giang. Con nuốc vốn lành, ăn mát và không ngứa như sứa biển nên có khả năng giải nhiệt rất nhanh. Đặc biệt, một tô bún giấm nuốc gồm nuốc, vả, ớt, tôm, thịt, ruốc, rau thơm, ngò, cà chua, bún, chả cá, đậu phụng vừa chua, vừa mát, vừa béo, vừa thơm nên càng có tác dụng giải nhiệt công hiệu đến bất ngờ.
Bên cạnh đó, chè là loại ẩm thực có tác dụng giải khát rất nhanh chóng nhưng ở Huế có giá bán rất rẻ, chỉ cần 7 - 10 nghìn đồng là du khách đã có một cốc chè ngon. Ở Huế có nhiều loại chè với những hương vị khác nhau như chè bắp, chè hạt sen, chè trôi nước, chè đậu ván, chè đậu huyết, chè đậu đỏ, chè đậu xanh, chè môn, chè khoai mài, chè hạt é, chè bột lọc, chè bột lọc thịt quay, chè thập cẩm… nên thực khách có thể thoái mái lựa chọn. Huế có đến hàng trăm gánh chè sẵn sàng phục vụ từ sáng đến tận khuya. Nhưng nổi tiếng nhất và mở cửa thường xuyên nhất vẫn là chè Hẻm ở đường Hùng Vương.
Trời Huế năm nay nắng như đổ lửa. Ra đường, thấy người nào người nấy đều than “nóng”. Ai cũng cố gắng nhanh chóng đến cơ quan hoặc về nhà để mở máy quạt, điều hòa. Nhớ ngày xưa, khu phố nơi tôi sống rất ít nhà có điều kiện sắm máy quạt. Mỗi lần nắng nóng, như bao gia đình khác, mạ tôi liền chạy sang nhà o Lan bán tạp hóa mua về một cái quạt giấy. Một cái quạt giấy nhưng năm người đổ mồ hôi nên phải thay phiên quạt cho nhau. Đêm nào trời nóng nực không ngủ được, mạ tôi phải thức quạt cho chị em tôi được ngủ ngon.
Ngày nắng nóng phải thường xuyên tắm rửa. Nhưng, ở khu phố tôi sống lúc đó, nước máy nhà có nhà không. Thế là phải đi mua nước giếng hoặc nước máy của nhà hàng xóm. Lúc đó tôi ước chi nhà mình có giếng nước để tắm cho thỏa thích. Tắm sông thì thường xuyên hơn. Ở đối diện kiệt 281 Chi Lăng gần nhà tôi có bến sông Thanh Bình. Nó nằm đoạn giữa sông Hương nên nước trong mát lành. Dân xung quanh đó ai nấy đều tắm ở bến sông này.
Ngày nóng nực mà được đi tắm biển là “số zách”. Khu phố cổ Gia Hội tôi sống khá gần bãi biển Thuận An. Chạy xe máy về đó chỉ độ nửa tiếng đồng hồ. Sau này, theo học tại Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Huế, tôi mới biết vua Thiệu Trị đã xếp nơi đây thuộc “Thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp chốn kinh đô). Có lẽ, vua và các quan lại triều Nguyễn thường đến nơi đây để tắm biển vào ngày nắng nóng để tránh sự oi bức, ngột ngạt trong cung cấm. Có thế nói, sự thuận tiện trong giao thông cộng với bãi biển sạch, hải sản tươi và rẻ nên bãi biển Thuận An là sự lựa chọn của không ít người muốn du dịch biển.