TEG đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận sụt giảm trong năm 2024.

TEG đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận sụt giảm trong năm 2024.

Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (TEG) đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (mã chứng khoán TEG) vừa công bố tài liệu chuẩn bị họp Đại hội đồng cổ đông thường niên với kế hoạch dự kiến doanh thu tăng trưởng 70% nhưng lợi nhuận giảm hơn 14% so với đạt được của năm ngoái.

Công ty cổ phần Năng lượng và Bất động sản Trường Thành dự kiến họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vào 8h ngày 12/4/2024 tại Khách sạn Công đoàn Việt Nam (14 Trần Bình Trọng, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Theo tài liệu Đại hội, TEG đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 dựa trên kết quả đạt được của năm 2023 và dự báo tác động của các yếu tố liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của công ty. Cụ thể, TEG đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt hơn 556 tỷ đồng, tăng trưởng 70% so với thực hiện của năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 70,38 tỷ đồng sụt giảm so với kết quả đạt được của năm gần 14% (năm ngoái TEG đạt 81,59 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế).

Công ty cho biết do năm 2024 dự kiến không có hoạt động thoái vốn đóng góp vào lợi nhuận hoạt động tài chính nên lợi nhuận sau thuế năm 2024 dự kiến bằng 86,26% kết quả đạt được của năm 2023.

Để hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2024, công ty xác định nhiều giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực.

Đối với lĩnh vực năng lượng, TEG cho biết tập trung các nguồn lực để tham gia đầu tư, nắm cổ phần tại các Dự án năng lượng tái tạo mới, mục tiêu tỷ lệ sở hữu trên 30%. Tiếp tục hợp tác, liên danh với các đối tác nước ngoài để chủ động nguồn vốn và kỹ thuật cao trong quá trình thực hiện các dự án.

Giám sát quá trình triển khai dự án điện gió Hướng Hóa 1 đảm bảo hiệu quả. Trực tiếp tham gia thực hiện một số hạng mục của dự án trên cơ sở thỏa thuận thống nhất với các cổ đông Dự án. Tham gia giám sát vận hành và tái cấu trúc tài chính tại Công ty Cổ phần Điện gió Trường Thành Trà Vinh (chủ đầu tư dự án điện gió 48MW đang vận hành) để nâng cao hiệu quả hoạt động…

Đối với lĩnh vực Bất động sản, TEG xác định tập trung công tác điều hành để triển khai Dự án Khu nghỉ dưỡng Suối nước nóng Hội Vân, Bình Định. Cụ thể, tổ chức triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, phối hợp với đơn vị bán hàng để mở bán sản phẩm của Dự án.

Đánh giá lại tổng thể tính khả thi của dự án Cụm công nghiệp Cát Hiệp – Bình Định, song song với đó là tìm kiếm các đối tác, nhà đầu tư thứ cấp để đưa ra định hướng đầu tư trong giai đoạn tới.

Tập trung hoàn thiện dứt điểm giai đoạn 1 của dự án Khu dân cư Nghĩa An. Đồng thời, phân tích, đánh giá cơ hội tham gia đầu tư vào một số dự án bất động sản tiềm năng mà TEG đang triển khai tại Hưng Yên, Thái Bình, Bình Định, Trà Vinh.

Đối với lĩnh vực Xây dựng - Tư vấn, TEG tiếp tục triển khai thi công các hạng mục của dự án Khu nghỉ dưỡng Bãi Xép, chuẩn bị hồ sơ năng lực để tham gia thi công các dự án khác của Tập đoàn đã có trong kế hoạch đầu tư 2024.

Thực hiện hợp đồng Tư vấn giám sát Thi công xây dựng công trình Khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và dân cư khu vực Suối nước nóng Hội Vân tại xã Cát Hiệp và Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đồng thời kiểm soát hiệu quả hơn nữa hoạt động Quản lý vận hành tại Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội - Phú Yên để đảm bảo nguồn doanh thu

Công ty nhận định, trong lĩnh vực bất động sản, xét trong dài hạn, những yếu tố lợi thế của bất động sản Việt Nam vẫn đang được giữ nguyên đó là tốc độ đô thị hóa cao, dân số tăng, kinh tế phát triển, hạ tầng liên tục được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam đã nâng cấp hợp tác chiến lược toàn diện với nhiều cường quốc trên thế giới là cơ hội lớn để Việt Nam hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư. Dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng mạnh cũng là "điểm tựa" cho thị trường bất động sản năm 2024. Để hướng tới một thị trường Bất động sản khỏe mạnh, bền vững và minh bạch Quốc hội đã thông qua các Luật sửa đổi như: Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023… Những sắc luật này khi đi vào thực tiễn sẽ là một bệ đỡ vững chắc cho thị trường Bất động sản phát triển. Bên cạnh các chương trình gói hỗ trợ, kích thích kinh tế và dòng vốn FDI thì sự chủ động chuyển mình của doanh nghiệp bất động sản, sàn giao dịch… cũng là yếu tố quan trọng góp phần thay đổi, tạo ra đột phá cho thị trường bất động sản.

Một số yếu tố chính sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản 2024 như chính sách tín dụng, hạ lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn, khung pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản đã được Quốc hội thông qua.

Theo TEG, các chuyên gia ước tính có tới 125.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn trong năm 2024. Đây là một áp lực rất lớn tới thị trường khi mà các “ông lớn” phải tiếp tục tích cực bán hàng để mua lại trái phiếu đến hạn. Sự phục hồi của du lịch mang lại những tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Các doanh nghiệp vượt qua được khó khăn của 2023 hứa hẹn sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong 2024, đặc biệt là giai đoạn cuối năm. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng các pháp lý cho dự án, nguồn lực cho đầu tư dự án là cơ hội lớn để các chủ đầu tư, các doanh nghiệp đón đầu một chu kỳ thành công mới của thị trường bất động sản.

Trong lĩnh vực năng lượng, TEG cho rằng có cơ hội lớn để thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư khối doanh nghiệp tư nhân, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng thông qua các chương trình hợp tác song phương, đa phương giữa các quốc gia trên cơ sở đạt được những thỏa thuận chung về môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/3, cổ phiếu TEG đạt thị giá 8.870 đồng/cổ phiếu, giảm 0,22% so với phiên trước đó.

Tin bài liên quan