Nhà máy điện mặt trời Bình Nguyên

Nhà máy điện mặt trời Bình Nguyên

Năng lượng Trường Thành: Triển vọng sáng từ điện mặt trời

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nắng nóng và công suất đạt đỉnh ở các vùng miền hiện nay cùng với triển vọng đại dịch Covid-19 được kiểm soát trong năm 2022 được nhận định là yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành năng lượng tái tạo, trong đó có Năng lượng Trường Thành (TTP).

Nhu cầu lớn

Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn từ sự phức tạp của đại dịch Covid-19, song dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, nhu cầu tiêu thụ điện vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 8% trong năm 2021.

Theo Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia, tổng sản lượng điện năm 2021 sẽ đạt 267,9 tỷ kWh, tăng 7,15% so với năm 2020. Nhu cầu điện được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất điện, đặc biệt là ngành năng lượng tái tạo.

Dự kiến, năm 2021, công suất điện mặt trời và điện gió sẽ gia tăng, có thể chạm mức 20.198 MW. Với cơ chế ưu đãi về giá bán điện mà Chính phủ đã ban hành, lợi nhuận từ các nhà máy điện mặt trời hiện nay khá hấp dẫn. Bởi vậy, những doanh nghiệp có kinh nghiệm xây dựng nhà máy nhanh chóng, suất đầu tư thấp, cùng với khả năng vận hành hiệu quả đang bắt đầu hưởng thành quả xứng đáng trong năm 2021. Trong đó, đáng chú ý là Công ty cổ phần năng lượng Trường Thành (TTP) với 2 dự án điện mặt trời Hòa Hội và Bình Nguyên.

Dự án Hòa Hội được xây dựng trên địa bàn các xã Hòa Hội, Hòa Quang Bắc và Hòa Quang Nam thuộc huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên với công suất lắp đặt là 256MWp. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng.

Phú Yên là tỉnh có tiềm năng phát triển điện mặt trời với số giờ nắng cao, trung bình từ 2.300-2.500 giờ một năm. Với quy mô như trên, dự án Hòa Hội là một trong những dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á tại thời điểm phát điện thương mại (tháng 6/2019) và đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trong 20 năm với mức giá cố định Đây cũng là dự án xanh tiêu biểu được Ngân hàng ADB cung cấp khoản tín dụng trị giá khoảng 186 triệu USD với mức lãi suất ưu đãi .

Năm 2020, Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội đạt doanh thu hơn 780 tỷ đồng, với sản lượng điện gần 360 triệu kWh, lợi nhuận đạt gần 185 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 23,72%.

Một dự án khác của Năng lượng Trường Thành là Nhà máy Điện mặt trời Bình Nguyên với tổng công suất 49,608 MWp tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Nhà máy đạt trên 40 tỷ đồng, mức tăng rất cao so với doanh thu 6 tháng cuối năm 2019 là 14 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, biên lợi nhuận trên doanh thu của nhà máy đạt tới 26%.

Nỗi lo cắt giảm công suất dần được hóa giải

Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm hiện nay là các nhà máy điện mặt trời chịu ảnh hưởng như thế nào từ việc cắt giảm công suất, nhất là những thời điểm thừa tải như vừa qua.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các doanh nghiệp cho biết, cắt giảm công suất bao nhiêu còn phụ thuộc vào các nhà máy đặt tại khu vực nào, các nguồn điện khác huy động tại khu vực đó cũng như năng lực vận hành dự án...

Riêng năng lượng Trường Thành, doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp tiết giảm chi phí vận hành, tập trung vào các thời điểm cần huy động nguồn lớn, bên cạnh đó do được đầu tư thiết bị tốt nên các nhà máy vận hành rất hiệu quả

Ví dụ, với nhà máy Bình Nguyên, sử dụng tấm pin PV Silic dạng đa tinh thể do Sharp Corporation sản xuất. Đây là công ty Nhật Bản đã có hơn 60 năm kinh nghiệm sản xuất và phân phối các sản phẩm pin năng lượng mặt trời phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe như IEC (Ủy ban Kỹ thuật điện Quốc tế) hay chứng chỉ của IEEE (Viện Kỹ sư Điện và Điện tử). Còn inverter - hệ thống biến tần của dự án điện mặt trời - được sản xuất bởi TEMIC, Nhật Bản. Việc sử dụng thiết bị từ các đối tác tin cậy như Sharp và TEMIC góp phần đảm bảo hoạt động hiệu quả của nhà máy .

Nói thêm về việc cắt giảm sản lượng, đại diện năng lượng Trường Thành cho biết, trong tháng 1 và tháng 2/2021, sản lượng giảm lần lượt 1% và 10%; tháng 3 sản lượng giảm 4% do cắt giảm công suất so với cùng kỳ năm 2020. Đến tháng tháng 4 và tháng 5, nhà máy không bị cắt giảm công suất và sản lượng tăng lần lượt là 14% và 4% so với năm 2020.

Với nhà máy Hòa Hội, sản lượng điện 4 tháng đầu năm giảm khoảng 16% so với cùng kỳ, trong đó ảnh hưởng do cắt giảm công suất khoảng 8%. Với ưu thế nhận được khoản vay xanh có lãi suất ưu đãi của ADB, dù bị ảnh hưởng bởi cắt giảm công suất, dự án vẫn hoàn toàn đảm bảo khả năng trả nợ.

Đại diện Trường Thành kỳ vọng, chiến dịch tiêm vắc-xin đại trà đang được triển khai nhanh chóng tại Việt Nam sẽ sớm mang lại hiệu quả và Việt Nam có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022. Đây sẽ là tiền đề quan trọng cho sự hồi phục và tăng trưởng trở lại của các ngành công nghiệp, dịch vụ, dẫn tới sự hồi phục mạnh mẽ về nhu cầu điện năng.

Dự báo trong thời gian tới, triển vọng của ngành năng lượng tái tạo còn rất lớn. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năng lượng tái tạo của Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm tới, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân ngành điện khoảng 9%.

Công ty cổ phần năng lượng và bất động sản Trường Thành (TEG) dự kiến trong quý III - quý IV/2021 sẽ thỏa thuận mua lại cổ phần để chi phối Công ty Năng lượng Trường Thành. Thông qua việc mua lại công ty đang sở hữu dự án và có kinh nghiệm triển khai nhiều dự án năng lượng mặt trời, TEG chính thức lấn sân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tin bài liên quan