Thông tin đưa ra tại hội thảo Phát triển Năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu cacbon vừa tổ chức tại Hà Nội cho biết, tính tới cuối năm 2018 đã có 10.000 MW điện mặt trời đăng ký, trong đó 121 dự án - 8.100 MW được bổ sung quy hoạch với trên 100 dự án đã ký Hợp đồng mua bán điện - PPA.
Theo đánh giá của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC) - thành viên của Tập đoàn TTC đang là nhân tố mới nổi tạo ra lợi thế lớn trên thị trường khi nhanh chóng đưa vào vận hành thương mại 2 nhà máy với tổng công suất 117 MWp tại Huế và Gia Lai.
Về mảng Thủy điện vừa và nhỏ, GEC đang sở hữu 14 dự án thủy điện với tổng công suất 84,1 MW, chủ yếu tập trung tại Khu vực Tây Nguyên (93%) và Bắc Trung Bộ (7%).
Tại Gia Lại, GEC sở hữu khoảng 24% tỷ trọng các dự án Thủy điện đang vận hành tại địa bàn và lần lượt là 18% và 14% tại Huế và Lâm Đồng.
Các nhà máy của GEC đều có quy mô dưới 30 MW và được hưởng cơ chế chi phí tránh được với mức giá bán bình quân khoảng 1.100 VNĐ/kWh.
Biểu phí này sẽ được áp dụng cho (1) các nhà máy có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 30 MW và toàn bộ điện năng được sản xuất từ Năng lượng tái tạo hoặc (2) bên bán có nhiều Nhà máy Thủy điện bậc thang trên cùng một dòng sông mà tổng công suất đặt của các nhà máy này nhỏ hơn hoặc bằng 60 MW.
Nhờ vào việc các nhà máy hoạt động ổn định ở mức cao, không còn nợ vay và cơ bản đã khấu hao hết khoảng 50%, BVSC đánh giá những Nhà máy Thủy điện này là những tài sản tốt, có thể hoạt động trong dài hạn và tạo ra dòng tiền ổn định cho GEC trong vòng hàng chục năm.
Trong ngắn hạn, sản lượng điện bán ra có xu hướng giảm do tác động tiêu cực của hiện tương El Nino song GEC đã kịp thời đa dạng danh mục đầu tư sang điện mặt trời.
Dự kiến tổng sản lượng điện mặt trời bán ra trong 2019 sẽ tăng 13,2 lần so với năm 2018 và sản lượng Thủy điện tương đương năm 2018.
Tổng sản lượng điện đã bán ra giai đoạn 2016 - 2018 đạt khoảng 1.127 triệu kWh trong đó Thủy điện chiếm 98%, còn lại là điện mặt trời. Tuy nhiên, dự kiến năm 2019, cấu trúc đóng góp của các loại hình Năng lượng sẽ có chuyển dịch rõ nét khi điện mặt trời sẽ chiếm khoảng 40% so với 2% của giai đoạn 2016 - 2018.
Ngày 07/3/2019, GEC lần đầu tiên tham dự một trong những sự kiện kết nối Nhà đầu tư lớn nhất trong năm Vietnam Access Day do Chứng khoán Bản Việt tổ chức.
GEC nhận được sự quan tâm lớn từ các Nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt khi thời điểm 30/6/2019 kết thúc áp dụng mức giá bán điện ưu đãi 9,35 cent/kwh đang đến gần.
Dự thảo dường như đang muốn cân bằng giữa tỷ lệ bức xạ và giá mua điện nhằm đảm bảo việc phát triển đồng bộ điện mặt trời trên cả nước.
Dự kiến trong năm 2019, GEC tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu khi sẽ hòa lưới thêm 240 MWp nữa trong đó có 3 nhà máy sẽ hưởng mức giá bán điện ưu đãi như hiện nay.
Nhằm giữ vững lợi thế cạnh tranh, các dự án điện mặt trời của GEC không chỉ tập trung 1 địa phương duy nhất mà phân bổ tại nhiều vùng vị trí địa lý khác nhau, hạn chế được rủi ro về giá bán điện theo quy định mới.
Nhờ sự chuẩn bị kỹ càng từ nhiều năm trước, quan trọng nhất là lợi thế sở hữu quỹ đất sạch lớn giá rẻ là cơ sở cho GEC tiếp tục triển khai điện mặt trời với tỷ suất sinh lời như kỳ vọng cho dù giá bán điện có thể được điều chỉnh.
Ngoài ra, nhờ kinh nghiệm có được từ việc hợp tác với 2 nhà thầu danh tiếng từ Nhật Bản khi triển khai 2 dự án điện mặt trời đầu tiên tại Việt Nam, hiện này GEC gần như làm chủ được công nghệ và tự tin triển khai các dự án tiếp theo bằng chính đội ngũ nhân sự của mình.
Nếu thi công bằng nội lực hiện có thay vì EPC cho 2/5 Dự án trong năm 2019, GEC có thể tiết kiệm được trên dưới 200 tỷ đồng chi phí. Không chỉ dừng ở đó, GEC hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ vận hành và quản lý dự án O&M tới các nhà phát triển điện mặt trời khác trên thị trường nhằm đa dạng hóa nguồn Doanh thu.
Nhiều Nhà đầu tư cũng quan ngại về thực trạng các dự án điện mặt trời đăng ký thực hiện vượt xa quy hoạch và có thể gây quá tải đường dây.
Song, trên thực tế, mặc dù số lượng dự án được bổ sung quy hoạch là rất lớn, nhưng đến hiện nay chỉ có 5 nhà máy điện mặt trời của 4 chủ đầu tư với tổng công suất 271 MWp đi vào hoạt động trong đó 2/5 thuộc về GEC, chiếm hơn 43% công suất đang hoạt động.
Những tháng đầu năm 2019, VN-Index diễn biến rất tích cực với những phiên tăng điểm liên tiếp. Đóng cửa ngày 14/3, Chỉ số VN-Index đạt 1.008 điểm, tăng 13% so với đầu năm 2019.
Cũng năm trong xu thế tích cực của thị trường, cổ phiếu GEG của GEC đang thể hiện những bước tăng trưởng đột phá khi giá chốt phiên ngày 14/3 đạt 18.300 đồng, tăng 21% so với đầu năm 2019 và gần 62% so với đầu năm 2018.
Thanh khoản trung bình của 46 phiên cũng đạt hơn 362 nghìn cổ, tăng 1,4 lần so với mức thanh khoản trung bình của cả năm 2018. Cũng trong giai đoạn tuần từ 4/3 tới 8/3, GEG lọt top 10 cổ phiếu được nước ngoài mua ròng nhiều nhất trên sàn UpCom bên cạnh một số mã rất được quan tâm như VTP, VEA, HVN….