Đoàn xe chở dưa hấu nằm dài hàng km để chờ được xuất khẩu. Ảnh: Minh Phúc
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã đi được 1/4 chặng đường kế hoạch năm 2015, tuy có một số kết quả nhất định, nhưng những mặt hàng chính đóng góp chủ yếu trong kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản đều giảm mạnh so với cùng kỳ của các năm trước. Cụ thể: thủy sản đã giảm 14,8%; cà phê giảm 36,7% và gạo giảm 22,9%.
Nguyên nhân, theo Bộ Công thương, trong quý I năm 2015, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn có những bất ổn nhất định. Sự phục hồi chậm, chưa thực sự bền vững của kinh tế thế giới đã dẫn đến tác động và nhu cầu chung của thế giới, ảnh hưởng đến xuất khẩu của các nước nói chung.
Đối với một số mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam, trong những năm trước đây, đặc biệt năm 2014, năng lực sản xuất của chúng ta có thể nói đã đạt đến mức độ rất cao, tiêu biểu như mặt hàng gạo, cà phê, cao su, thủy sản… Sự gia tăng sản lượng của Việt Nam đã gần đến ngưỡng của cả sản xuất và năng lực xuất khẩu. Ngoài ra, những mặt hàng nông sản chúng ta cũng đang bị sự cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, sự sụt giảm xuất khẩu của các mặt hàng nông sản, thủy sản còn do các nước nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu có xu thế bắt đầu điều chỉnh các chính sách điều hành, tăng cường hơn năng lực sản xuất để vươn tới giảm bớt nhu cầu nhập khẩu. Ví dụ như mặt hàng gạo, các quốc gia nhập khẩu chính như Indonexia, Philippin đang nỗ lực trong việc tăng cường năng lực sản xuất lương thực để có thể cân đối cung - cầu. Các mặt hàng như thủy sản cũng vướng vào một số các chính sách bảo hộ mà dưới hình thức mới, những rào cản về thương mại, rào cản kỹ thuật tại các quốc gia ở Châu Âu, Mỹ,...
Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, trước tiên, vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương là phải tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, hàng hóa của nền kinh tế. Đặc biệt thông qua các khung khổ hội nhập mà chúng ta đang đàm phán một cách tích cực như TPP, FTA với EU, Liên minh thuế quan,… Phải cân nhắc và tính toán một cách thiết thực để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc mở cửa thị trường của thế giới.
Bộ Công Thương cần thường xuyên phân tích các diễn biến trong hoạt động thương mại quốc tế, nắm bắt, theo dõi thông tin của thị trường, để từ đó có những đối sách và biện pháp phù hợp.
Trong những tháng còn lại của năm 2015, các cơ quan quản lý Nhà nước cần nâng cao và mở rộng hơn nữa các hoạt động về xúc tiến thương mại, đổi mới mô hình cũng như phương thức, nâng cao chất lượng của xúc tiến thương mại. Đặc biệt, cần phải nâng cao hơn nữa tính chủ động và vai trò DN tham gia các chương trình về xúc tiến thương mại. Khai thác tối đa các chương trình xúc tiến thương mại để tạo ra hiệu ứng kích thích, nhấn mạnh hơn nữa vai trò của DN trong việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.
Cuối cùng, phải có một cơ chế phối hợp thường xuyên và chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước để xử lý những vấn đề tiêu thụ nông sản, trái cây cho người nông dân.