Nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu và gửi cổ phiếu sang HNX: Những giải pháp tình thế

Nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu và gửi cổ phiếu sang HNX: Những giải pháp tình thế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gửi cổ phiếu sang sàn HNX và nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu, những giải pháp tạm thời nhằm khắc phục tình trạng quá tải hệ thống giao dịch của HOSE đang gây nhiều tranh cãi.

“Khó ép các cổ phiếu chuyển sàn”

Anh Trần Văn Tuấn, nhà đầu tư tại Hà Nội nêu thắc mắc: “Cổ phiếu nào sẽ được hay phải di chuyển, số lượng bao nhiêu, cách thức giao dịch có thay đổi không? Điều quan trọng, chuyển một số mã cổ phiếu liệu có đảm bảo hệ thống của HOSE sẽ không còn tình trạng quá tải?”.

Đây cũng là suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư xung quanh giải pháp chuyển một số cổ phiếu sang HNX để khắc phục tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE.

Cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý vẫn đang thăm dò ý kiến thị trường để chốt lại một giải pháp mang tính tạm thời, trước khi hệ thống giao dịch HOSE được nâng cấp dự kiến vào cuối năm nay.

Ghi nhận từ phía Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Sở mới nhận được ý kiến từ phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đang tập hợp ý kiến của các thành viên thị trường. Nếu nhận được sự đồng thuận cao thì HNX sẽ thực hiện triển khai theo yêu cầu.

Trước câu hỏi nghi ngại liệu hệ thống của HNX có nguy cơ quá tải khi gánh thêm một phần giao dịch từ các cổ phiếu HOSE, HNX cho biết, hệ thống công nghệ của Sở phải còn nhiều dư địa thì cơ quan quản lý mới tính đến phương án trên. Hơn nữa, trước đây, khá nhiều doanh nghiệp lớn đã niêm yết trên HNX, trước khi chuyển sang HOSE.

Nhiều công ty chứng khoán đều chung quan điểm là thành viên trung gian, để thị trường giao dịch trơn tru hơn, bên cạnh đề xuất các giải pháp, các công ty chứng khoán sẽ cố gắng thực hiện theo các yêu cầu, đề xuất từ phía cơ quan quản lý.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc VNDIRECT chia sẻ, Công ty sẽ kết hợp nguồn lực nội tại, cùng phối hợp với các nhà cung cấp để chỉnh sửa, kiểm thử hệ thống, nhằm đáp ứng yêu cầu thay đổi hệ thống giao dịch, nỗ lực cùng các cơ quan quản lý sớm giải quyết bài toán tải hệ thống với thời gian triển khai khoảng 2 tháng.

Theo ông Quỳnh, trong điều kiện hạ tầng hiện tại, đây là giải pháp hợp lý nhằm chia sẻ với thị trường, với các sở giao dịch chứng khoán. Cổ phiếu VND từng giao dịch trên HNX và đã chuyển sang HOSE, nhưng trong điều kiện hiện tại, VND sẵn sàng chuyển về “nhà cũ” để giảm tải cho hệ thống HOSE.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), cho biết, việc tổ chức một bảng giao dịch các mã chứng khoán của HOSE trên HNX đang là một giải pháp tạm thời trước khi hệ thống giao dịch của HOSE được nâng cấp.

Dù vậy, theo Luật Chứng khoán mới, chỉ có các quy định đối với các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn niêm yết trên sàn chứng khoán, chứ không chỉ rõ là tiêu chí riêng đối với sàn HOSE, hay HNX. Do vậy, khó có chuyện “ép” các cổ phiếu chuyển sàn, mà tinh thần vẫn dựa vào sự “tự nguyện” của doanh nghiệp.

Về mặt kỹ thuật, ông Sơn cho biết, điều này cũng tương tự đối với hình thức chuyển sàn nên đối với hệ thống của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, hoàn toàn xử lý được và không có vướng mắc gì. Theo đó, các chứng khoán này có thể được đổi định danh thành chứng khoán thuộc HNX hoặc giữ nguyên là thuộc HOSE.

Nâng lô giao dịch

Từ đầu tháng 12/2020, lượng giao dịch trên HOSE tăng đột biến, thường xuyên đạt trên 500 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch khớp lệnh trực tiếp vượt 10.000 tỷ đồng/phiên. Phiên 5/1/2021, giá trị giao dịch thị trường đạt 19.295 tỷ đồng, trong đó hơn 18.000 tỷ đồng giao dịch khớp lệnh, đạt mức kỷ lục trong vòng 20 năm qua.

Số liệu từ HOSE cho thấy, trong tháng 2/2021, tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu đạt trên 8,3 tỷ cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt trên 208.290 tỷ đồng.

Thanh khoản thị trường giảm so với tháng trước, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt gần 13.880 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt trên 554 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng giảm 17,34% về giá trị và 25% về khối lượng.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2020, thanh khoản thị trường tháng 2/2021 ghi nhận sự tăng trưởng cao với khối lượng giao dịch bình quân phiên tăng 129,4% và giá trị giao dịch bình quân phiên tăng hơn 204% .

Một số lãnh đạo công ty chứng khoán đã lên tiếng ủng hộ giải pháp này, như ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI cho rằng “giải pháp tăng lô lên 1.000 là lựa chọn khả dĩ nhất lúc này để duy trì hệ thống, khi hệ thống mới được đưa vào sử dụng thì sẽ giảm trở lại lô 10”, nhưng từ phía Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) lại đang có ý kiến phản ứng.

Ông Phan Quốc Huỳnh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) cho biết, xung quanh đề xuất của HOSE nâng lô cổ phiếu từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu, VASB đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để đưa ra quan điểm về việc không đồng thuận với phương án nâng lô giao dịch.

Theo ông Huỳnh, việc nâng lô cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu sẽ phát sinh lô lẻ rất nhiều. Để thực hiện thu mua lô lẻ, các công ty chứng khoán thường mua ở mức sàn hoặc thấp hơn so với thị giá. Điều này sẽ ít nhiều gây thiệt hại đến túi tiền của nhà đầu tư.

Chưa kể, việc nâng lô sẽ hạn chế sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trên thị trường, trong khi thị trường chứng khoán đang hướng đến sự công bằng, bình đẳng.

Bản thân là đơn vị trung gian phục vụ nhà đầu tư, các công ty chứng khoán cũng nhận được sự phản ứng của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, bởi họ cho rằng, điều này sẽ ngăn cản nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư chứng khoán, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Việc này cũng đồng nghĩa với cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết sẽ bị ảnh hưởng nhất định về khối lượng và giá trị giao dịch, đặc biệt là nhóm cổ phiếu có thị giá cao.

“Tôi cho rằng, biện pháp gốc rễ vẫn là sớm nâng cấp hệ thống tại HOSE, và cơ quan quản lý cần hợp lực để đẩy nhanh tiến độ hơn càng sớm càng tốt”, ông Huỳnh nói.

Lướt qua bảng điện tử, có thể thấy, nhiều cổ phiếu đang giao dịch từ vài nghìn đồng/cổ phiếu đến vài chục nghìn đồng/cổ phiếu, nhưng cũng có những cổ phiếu như VCF, hay RAL có thị giá lên tới 200.000 đồng/cổ phiếu. Nếu đề xuất nâng lô tối thiểu được thông qua, lệnh mua tối thiểu lên tới vài trăm triệu đồng. Đây là rào cản lớn hạn chế cơ hội nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ tham gia vào các cổ phiếu này.

Giảm lô cổ phiếu tối thiểu là xu hướng toàn cầu

Giảm lô giao dịch cổ phiếu tối thiểu là xu hướng chung trên toàn cầu, khi các thị trường chứng khoán quốc tế khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân, tạo cơ hội tiếp cận thị trường và nâng cao quản trị rủi ro.

Tại Nhật Bản, trước đây, lô giao dịch cổ phiếu tối thiểu do công ty phát hành quyết định, thường là 1.000 cổ phiếu. Tới năm 2014, một số doanh nghiệp áp dụng lô 100 cổ phiếu và kể từ năm 2018, tất cả doanh nghiệp niêm yết trên sàn Tokyo chỉ áp dụng duy nhất lô 100 cổ phiếu. Hiện tại, Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) có kế hoạch giảm số lượng giao dịch tối thiểu xuống 1 cổ phiếu.

Tương tự, Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) giảm lô giao dịch tối thiểu từ 1.000 xuống 100 vào năm 2015. CEO SGX cho biết, việc giảm lô giao dịch tối thiểu mang lại lợi ích cho tất cả nhà đầu tư, giúp họ quản lý rủi ro tốt hơn nhờ phân bổ tài sản chính xác hơn.

Ngày 25/10/2020, thị trường chứng khoán Đài Loan bắt đầu cho phép nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu với lô tối thiểu 100. Trước đó, nhà đầu tư mua số lượng cổ phiếu nhỏ chỉ được giao dịch vào một số khung giờ nhất định

Tại các thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ, một số quốc gia châu Âu (Anh, Italia…), nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua số lẻ cổ phiếu (1 – 99 cổ phiếu), không cần là số chẵn như 10, 100 hay 1.000 cổ phiếu. Tại thị trường Mỹ, nhà đầu tư thậm chí có thể mua 0,1 cổ phiếu.

Tin bài liên quan