Ông bình luận như thế nào về quyết định tăng tỷ lệ ký quỹ trên TTCK phái sinh từ 10% lên 13%?
Thay đổi tỷ lệ margin cân bằng giữa yếu tố quản trị rủi ro thị trường và đảm bảo mức hấp dẫn là việc các sàn chứng khoán tiến hành định kỳ, dựa trên những mô hình thống kê học được thừa nhận rộng rãi. Ví dụ, tại Thái Lan, các tỷ lệ margin được điều chỉnh hàng tháng dựa trên thực tế biến động thị trường.
Tại Việt Nam, giao dịch Hợp đồng tương lai vừa qua cho thấy, bên cạnh sức hút không thể phủ nhận của thị trường thì mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư là khá lớn.
Điều này phản ánh ở mức độ vòng quay (tỷ lệ khối lượng khớp lệnh/vị thế mở hàng ngày) tương đối cao và tỷ lệ nhà đầu tư thua lỗ là lớn hơn nhiều so với tỷ lệ nhà đầu tư lãi, trong khi về lý thuyết chứng khoán phái sinh là thị trường lợi nhuận bằng không nên tỷ lệ thắng/thua về lý thuyết sẽ ở gần mức 50%.
Do đó, chúng tôi cho rằng, việc nâng tỷ lệ ký quỹ ban đầu tối thiểu là phù hợp với thực tế thị trường có nhiều biến động như hiện nay. Mức độ sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán áp dụng tỷ lệ ký quỹ ban đầu thấp sẽ giảm và điều này về tổng thể sẽ khiến cho thị trường giao dịch phái sinh ít rủi ro hơn.
Việc nâng tỷ lệ ký quỹ có làm cho TTCK phái sinh “bớt” sức hấp dẫn không, theo ông?
Chúng tôi cho rằng, mức điều chỉnh hiện tại sẽ không làm giảm bớt sức hút của chứng khoán phái sinh với vị trí là một công cụ để phòng ngừa rủi ro và giao dịch ngắn hạn.
Thứ nhất, tại các thị trường khác cho thấy, nhà đầu tư chỉ phản ứng mạnh và tiêu cực khi mức kỹ quỹ ban đầu được đưa lên rất cao, từ 30% đến 40%.
Thứ hai, nhiều công ty chứng khoán để kiểm soát rủi ro hiện tại đã áp dụng tỷ lệ kỹ quỹ ban đầu cao hơn đáng kể so với yêu cầu trước đây (10%) của nhà quản lý.
Tại MBS, từ khi triển khai giao dịch Hợp đồng tương lai, chúng tôi đã áp dụng tỷ lệ kỹ quý ban đầu là 15% và điều này đã giúp hoạt động giao dịch phái sinh của nhà đầu tư tương đối an toàn, ngay cả trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.
Theo ông, khi so sánh với thị trường quốc tế, thì tỷ lệ tại Việt Nam đã phù hợp chưa?
Tham khảo các thị trường trong khu vực chúng tôi nhận thấy mức áp dụng tỷ lệ kỹ quý ban đầu là vào khoảng 7%-8% như tại Thái Lan (thị trường có mức độ chấp nhận rủi ro khá thấp, tỷ lệ vòng quay giao dịch của nhà đầu tư không lớn) hay Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, sau khi siết lại hoạt động giao dịch hợp đồng tương lai với việc áp dụng tỷ lệ ký quỹ tối thiểu lên tới 40% vào năm 2015 thì các cơ quan chức năng đã liên tục hạ tỷ lệ này xuống 20% (2017) và hiện chỉ là 8% (nguồn: http://www.cffex.com.cn/en_new/SSE50.html).
So với các quốc gia khác, tỷ lệ ký quỹ ban đầu tại Việt Nam có cao hơn nhưng tôi cho rằng, điều này là hợp lý với một sản phẩm hiện mới được triển khai chưa lâu và độ biến động của thị trường gần đây là khá cao so với lịch sử.