TTCK Việt Nam cần phải có nhiều DN như VN30 để tạo sức hút với nhà đầu tư ngoại

TTCK Việt Nam cần phải có nhiều DN như VN30 để tạo sức hút với nhà đầu tư ngoại

Nâng hạng TTCK Việt Nam: Ta cần hiểu ta hơn nữa

(ĐTCK) Trong những tháng cuối 2014, người viết nghe vài người quen nói về chuyện “nâng hạng”  TTCK Việt Nam. Điều này có thể xuất phát từ chuyện Morgan Stanley Capital International (MSCI) nói đến việc Việt Nam đang đạt được một số tiêu chí (nhưng chưa đạt nhiều tiêu chí khác) trên con đường “thăng hạng” từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi. Tuy nhiên, đây là lúc để ta nhìn lại rằng, có thật TTCK nước ta đã có thể lên ”đẳng cấp” mới hay không?

Môi trường phát triển không “thân thiện” với vốn cổ phần

Không thể phủ nhận năm 2014 là một năm tốt đẹp của ngành chứng khoán, nhiều công ty chứng khoán làm ăn tốt hơn, vốn ngoại tăng, có thêm sản phẩm mới và chúng ta trải qua một đợt sàng lọc trên thị trường, cả về công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư. Có thể các công ty chứng khoán sẽ trở nên vững vàng hơn (như kỳ vọng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi nói về Thông tư 226/2012/TT-BTC). Nhà đầu tư có thể có kinh nghiệm hơn và có một số sản phẩm mới (như quỹ ETF nội địa chẳng hạn). Nhưng có một điều dường như không thay đổi: môi trường phát triển của một thị trường vốn cổ phần.

Một trong những điều kiện cơ bản để một TTCK phát triển tốt là một môi trường kinh doanh thân thiện với vốn cổ phần. Một môi trường kinh doanh thân thiện với vốn cổ phần thường gồm một số đặc điểm. Thứ nhất, doanh nghiệp tư nhân có thể dễ phát triển, cho phép người dân góp vốn với nhau dễ dàng, cho phép doanh nghiệp tư nhân phát triển thuận lợi, tranh chấp có thể giải quyết qua tòa án nhanh chóng và thực thi hợp đồng có hiệu quả. Được như vậy thì mới hình thành một bộ phận “hàng hóa” doanh nghiệp tư nhân có chất lượng để thu hút vốn đầu tư vào những công ty cổ phần nhỏ, từ từ lớn lên rồi niêm yết chính thức, không thì cũng thu hút vốn đầu tư của các quỹ đầu tư tư nhân. Thứ hai, người dân có hiểu biết đáng kể về tài chính cá nhân, thông thuộc với các khái niệm về chứng khoán, coi chứng khoán là một kênh đầu tư truyền thống. Thứ ba, cổ đông trong các công ty cổ phần được bảo vệ tốt. Ở Việt Nam, chúng ta… yếu đều ở cả ba mặt này.

Trước tiên, sự yếu kém này thể hiện qua việc điểm quản trị công ty của chúng ta ở dưới mức trung bình. Xin dẫn lại chia sẻ của một lãnh đạo UBCK đăng trên Báo ĐTCK hồi tháng 8/2014: "Bước chân sang các TTCK khu vực và quốc tế, thật khó mà không có cảm giác xấu hổ khi thẻ điểm quản trị công ty của DN Việt Nam còn thấp, thấp nhất trong 6 nước thuộc khu vực ASEAN được chấm điểm mới đây". Điểm quản trị công ty thấp cho thấy, những người lãnh đạo công ty không thực thi tốt nhiệm vụ của mình và không tôn trọng lợi ích nhà đầu tư đại chúng, nhất là nhà đầu tư nhỏ. Kết quả này tương thích với kết quả của Báo cáo Doing Business 2015 của World Bank, khi chúng ta xếp hạng 117 về bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, và tụt hạng so với Báo cáo Doing Business 2014.

Nhưng đáng ngại hơn, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân phát triển không thuận lợi mới là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của thị trường vốn cổ phần. Điểm thú vị là hai thông tin về hoạt động kinh doanh tư nhân được nhắc nhiều đến vào đầu và cuối năm 2014 là sự kiện về Flappy Bird và Uber. Điểm chung của hai sự kiện này là môi trường xã hội và pháp lý không “thân thiện” với sự phát triển của những sản phẩm và dịch vụ mới, xuất phát từ kinh tế tư nhân, nhanh chóng bị “chèn lấn” (thể hiện qua các tranh luận về chuyện thuế, sự quan tâm quá mức - trong đó có những góc nhìn không thân thiện - của công chúng trong sự kiện Flappy Bird và chuyện không hợp pháp hóa hoạt động của Uber). Chuyên gia Phạm Chi Lan từng nói “doanh nghiệp tư nhân vẫn tự sinh tự diệt”, nhưng xem ra là chưa kịp tự diệt đã bị người khác chèn lấn chết mất rồi. Với môi trường kinh doanh như vậy, tất nhiên chúng ta không thể hy vọng mình sẽ tạo ra những nguồn hàng mới có chất lượng được. Thế là chỉ còn hy vọng vào cú huých từ nguồn hàng cổ phần hóa, nhưng tiến độ, chất lượng và những rắc rối sau cổ phần hóa nhiều năm qua cho thấy những giới hạn cứng của nguồn hàng hóa này. Nói một cách nào đó, nhiều năm qua, chúng ta đang ăn dần vào nguồn hàng dự trữ cho TTCK, chưa tạo ra được một môi trường để thúc đẩy sự phát triển bền vững của hàng hóa có chất lượng cho thị trường.

Điểm yếu thứ ba cũng dễ nhận thấy là người dân không thông thuộc với đầu tư chứng khoán. Chúng ta không thấy bóng dáng của những quỹ đầu tư lương hưu tư nhân (pension fund), sự liên kết giữa sản phẩm tiết kiệm và chứng khoán cũng không phổ biến. Người ta gọi đây là hiện tượng người dân không được đào tạo để có hiểu biết cơ bản về tài chính (financial literacy) tốt. Điều này sẽ tạo ra một nút cổ chai đối với khả năng huy động nguồn vốn trong dân cư vào TTCK, nhất là trong bối cảnh tín dụng cho chứng khoán sẽ không còn dễ dàng nữa.  

Không thể “đi tắt, đón đầu”

Công bằng mà nói, nỗ lực của riêng ngành chứng khoán khó có thể cải thiện những vấn đề trên nhanh được. Hai điểm yếu về môi trường kinh doanh và đào tạo về tài chính cá nhân xuất phát từ thể chế kinh tế, hệ thống giáo dục và sự xa lạ của các kênh đầu tư mới đối với công chúng sau khi kinh tế mở cửa. Điểm yếu về quản trị công ty lại do hai yếu tố trên tác động, cộng với sự yếu kém vốn có trong cung cách làm ăn kiểu gia đình và nặng về mối quan hệ thân hữu của một số công ty ở Việt Nam. Chúng ta nói về quản trị công ty đã lâu rồi, nhưng mà chừng nào sức ép từ cổ đông và động lực từ lợi ích để cải thiện chưa đủ lớn, chẳng có lý do gì người ta thay đổi nó cả. 

Nói như vậy để chúng ta thấy được là về mặt nền tảng nội lực và môi trường hoạt động, thật ra không có cải thiện đáng kể! Sự hồi phục của TTCK năm 2014 vốn dĩ xuất phát từ những mất mát trước đó: khi mà vốn đầu tư nước ngoài đổ vào các thị trường mới nổi khác từ cuối 2009, Việt Nam đã bị làm ngơ; đồng thời nhiều nhà đầu tư chắc vẫn chưa quên tình trạng ảm đạm của thị trường và con số công ty chứng khoán thua lỗ giai đoạn 2010-2011. Như chu kỳ kinh tế, khi chứng khoán xuống thấp, nó tạo điều kiện cho việc vọt lên cao trở lại, cả về thanh khoản và mức giá, nhờ dòng tiền tự có, nhờ vốn ngoại và cả dòng tiền vay mới.

Xếp hạng của MSCI sẽ không thể biến không thành có. Những xếp hạng này vốn dĩ cứ vài năm họ sẽ thay đổi phương pháp và các hình thức xếp hạng, cũng như tạo ra nhiều loại xếp hạng mới. Quan tâm đến xếp hạng của MSCI để một ngày nào đó có thể tự hào khi ta được nâng hạng là điều tốt, nhưng cần hiểu là những xếp hạng đó không làm thay đổi bản chất của thị trường. Nó giống như chạy đua thành tích thi Olympic Toán quốc tế, chạy theo xếp hạng đại học trên thế giới, hay cố tìm cách gia tăng số công trình khoa học công bố quốc tế của Việt Nam…, đều không làm thay đổi đáng kể bản chất về mặt bằng chất lượng giáo dục ở Việt Nam. Người ta nâng hạng mình được thì cũng hạ bậc mình được. Những nút thắt về môi trường kinh doanh, tập quán của công ty gia đình, sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng, sự ít hiểu biết của đại bộ phận người dân với chứng khoán… là đặc trưng của nền kinh tế, muốn cởi bỏ nó không phải TTCK nâng hạng là xong.

Việt Nam ta không giống với thị trường hàng đầu thế giới như Anh, Mỹ. DN trong nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng, chứ không phải mạnh về phát hành chứng khoán nợ và chứng khoán vốn. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, nhưng rất ít ngân hàng niêm yết và có lượng lớn doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa, đang nắm giữ những ngành kinh doanh có nhiều lợi thế.

Điều này nghĩa là con đường cần nghĩ tới là mở đường cho sự phát triển vốn tư nhân (private equity) nội và ngoại ở Việt Nam, đồng thời mở rộng cửa cho việc chuyển hóa doanh nghiệp nhà nước một cách thực sự, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho các thương vụ M&A nội địa. Cùng với đó là đẩy mạnh giáo dục về chứng khoán để người dân có thể hiểu rõ về kênh đầu tư chứng khoán và có thể phát triển sản phẩm tiết kiệm liên quan tới chứng khoán. Những việc trên không thể “đi tắt đón đầu” được, nhất là trong bối cảnh môi trường kinh tế - xã hội như hiện nay tại Việt Nam.

Trong khi chờ đợi những chuyển biến lớn, cách thích ứng tốt là… cứ như hiện tại, làm hết sức để cải thiện quản trị công ty, hoàn thiện khung quản trị rủi ro cho công ty chứng khoán và thúc đẩy đào tạo nhân lực. Chấp nhận TTCK như một kênh đầu tư thu hút cả dòng tiền ổn định lẫn tiền lướt sóng, cả vốn nội và vốn ngoại. Trên nền tảng nền kinh tế và TTCK như hiện nay, không nên ảo tưởng chuyện sớm “nâng hạng” của chứng khoán Việt Nam. Sẽ là tốt hơn nếu chúng ta tập trung giải quyết những vấn đề căn bản, tồn tại nhiều năm trước, đồng thời tránh đi tâm lý nghe người ta khen sau một trận đấu với Malaysia chẳng hạn, thì ta lại nghĩ mình có thể ở đẳng cấp vô địch AFF! 

Lời kết

Sự phát triển của TTCK là thước đo sự phát triển của nền kinh tế, do đó kinh tế cởi trói những nút thắt hiện tại về môi trường kinh doanh, thì tự nhiên ta sẽ thấy chứng khoán Việt Nam lên đẳng cấp mới mà thôi. Nếu không, nền chứng khoán có cố lắm cũng không thể thoát khỏi chiếc áo mà môi trường kinh doanh và thể chế kinh tế áp đặt cho nó. Nói như vậy không phải để ta không cố gắng làm tốt hơn nữa, mà để chúng ta không thổi phồng hay ảo tưởng về những gì TTCK của mình đã, đang và có thể đạt được, đồng thời không lãng phí nguồn lực để chỉ đạt được những thành tích bề ngoài. 

Tin bài liên quan