Nâng hạng TTCK: Cần sự vào cuộc của cả thị trường

Nâng hạng TTCK: Cần sự vào cuộc của cả thị trường

(ĐTCK) Nâng hạng TTCK Việt Nam lên mức thị trường mới nổi là một trong những mục tiêu được Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và Chủ tịch UBCK Vũ Bằng đề cập trong cuộc họp ngành chứng khoán đầu năm 2015.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, cần có nhiều giải pháp và sự hợp sức của các thành viên thị trường.

Trước hết, cần xác định rõ ràng, các tiêu chí xếp hạng TTCK và việc đưa ra quyết định xếp hạng không hoàn toàn thuộc về các công ty cung cấp chỉ số. Để đưa ra tiêu chí xếp hạng TTCK tiêu chuẩn, một trong những việc quan trọng của các công ty này là thực hiện khảo sát đối với các nhà đầu tư trên thế giới. Do đó, thị trường được xếp hạng đều dựa trên đánh giá chung của giới đầu tư toàn cầu, thể hiện mức độ quan tâm của nhà đầu tư quốc tế tới thị trường đó, cũng như đánh giá của họ về mức độ phát triển của từng TTCK riêng biệt.

Các công ty cung cấp chỉ số như MSCI, S&P DJ hoặc FTSE là các công ty chuyên cung cấp dịch vụ, công cụ hỗ trợ cho các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả các tổ chức như các quỹ hưu trí, quỹ phòng vệ, các ngân hàng đầu tư. Các công ty này xây dựng bộ chỉ số theo các bộ quy tắc tiêu chuẩn. TTCK thường được phân loại thành 3 nhóm như sau: thị trường cận biên - Frontier Market; thị trường mới nổi - Emerging Market và thị trường phát triển - Developed Market. TTCK Việt Nam hiện đang được xếp vào nhóm thị trường cận biên. Vị trí xếp hạng TTCK trong danh sách này thể hiện mức độ phát triển của TTCK, kèm theo đó là mức độ thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Căn cứ theo danh sách tái xếp hạng của S&P DJ năm 2013, Việt Nam được S&P DJ khuyến nghị nằm trong danh sách nâng hạng lên thị trường mới nổi. Tuy nhiên, để chính thức được đưa vào danh sách các thị trường mới nổi cần có các cơ chế chính sách và các hoạt động đồng bộ của các thành viên thị trường và cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể:

Thứ nhất, cần mở rộng quy mô và thanh khoản của TTCK. Hiện nay, tỷ lệ vốn hóa của các công ty lớn nhất tại Việt Nam mới chỉ đóng góp với con số khá khiêm tốn, tồn tại một số rổ chỉ số thị trường cận biên (2,54% trong rổ chỉ số S&P Frontier Broad Market Index, 4,77% trong rổ chỉ số DJ Frontier Total Stock Market, 2,1% trong rổ chỉ số MSCI Frontier). Trường hợp TTCK Việt Nam được nâng hạng, tỷ lệ này sẽ còn nhỏ hơn rất nhiều. Do đó, để thực hiện công tác nâng hạng một cách hiệu quả, cần tích cực đưa các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn lên niêm yết. Quyết định số 51/2014/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ là căn cứ quan trọng để thực hiện công tác này.

Thứ hai, đối với Sở Giao dịch chứng khoán, cần hoàn thiện thể chế và hạ tầng công nghệ theo hướng xây dựng thống nhất một SGDCK với hệ thống giao dịch hiện đại, giảm thiểu chi pthí kết nối, chi phí giao dịch; cấu trúc lại cơ sở hàng hóa, điều kiện niêm yết theo hướng chia tách các bảng giao dịch để tạo đà cho việc mở rộng quy mô và tạo thanh khoản cho thị trường.

Thứ ba, đối với việc đăng ký giao dịch chứng khoán, cần tiết giảm các thủ tục hành chính để giảm thời gian chờ đợi cấp mã số giao dịch chứng khoán cho NĐTNN. Đồng thời, cần bổ sung mục về nhà đầu tư là người cư trú và người không cư trú để có số liệu thống kê đầy đủ hơn về bản chất của người đăng ký giao dịch chứng khoán.

Thứ tư, đẩy mạnh việc công bố các thông tin về DN và thiết lập hệ thống kế toán theo chuẩn mực quốc tế. Để thúc đẩy việc này, các DN niêm yết lớn cần công bố các thông tin pháp lý và hoạt động DN bằng tiếng Anh, xây dựng báo cáo tài chính theo đúng chuẩn mực quốc tế. Việc này sẽ giúp nhà ĐTNN giảm thiểu thời gian và chi phí tìm hiểu về thông tin DN, tăng tính minh bạch cho thị trường.

Thứ năm, cần lập trung tâm giải đáp thắc mắc cho nhà ĐTNN, hàng năm xây dựng những chương trình khảo sát tìm hiểu thông tin, nhu cầu NĐTNN trên website, từ đó xây dựng định hướng cung cấp thông tin hỗ trợ NĐT tốt hơn. Cùng với cơ quan quản lý có thẩm quyền, các thành viên tham gia thị trường chính là một trong những mắt xích quan trọng trong việc thực hiện công tác này.

Thứ sáu, cần có chiến lược hội nhập quốc tế theo chiều sâu, tận dụng sự hỗ trợ của các nước có thị trường phát triển. Có chiến lược quảng bá, nâng cao hình ảnh về TTCK Việt Nam thông qua việc phối hợp với các tổ chức quốc tế để tổ chức các diễn đàn đầu tư,  thu hút vốn ĐTNN; phối hợp với hệ thống truyền thông để thông tin, quảng bá về TTCK Việt Nam. Từ đó, giới đầu tư toàn cầu có thể thông hiểu hơn về TTCK Việt Nam và có đánh giá tốt hơn khi tham gia đánh giá về TTCK.

Việc thực hiện định lượng nâng hạng TTCK Việt Nam không phải mục tiêu cuối cùng của quá trình xây dựng TTCK bậc cao. Tuy nhiên, đây là hướng phấn đấu trong tương lai sắp tới để phát triển TTCK Việt Nam theo hướng hiện đại hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế và Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020

Trong năm 2014, TTCK tại các Tiểu vương Ả rập thống nhất (UAE) và Quatar là những TTCK đã được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Các thị trường này có quãng thời gian dài kể từ khi được vào danh sách của MSCI đến khi được chính thức nâng hạng (5năm). Do đó, như đã đề cập ở trên, việc chuẩn bị cho định hướng nâng hạng TTCK Việt Nam là lâu dài, cần có các bước đi cụ thể, phù hợp. Để thực hiện tốt mục tiêu này cần sự vào cuộc của toàn bộ các thành viên, từ các nhà đầu tư, các DN niêm yết, tổ chức, đến các tổ chức kinh doanh chứng khoán và các cơ quan quản lý có liên quan.

Tin bài liên quan