Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục lỗi hẹn nâng hạng một phần do rào cản liên quan tới việc tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài.

Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục lỗi hẹn nâng hạng một phần do rào cản liên quan tới việc tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài.

Nâng hạng thị trường: Rào cản còn lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại buổi tọa đàm do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: “Phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán trước năm 2025”. Câu hỏi đặt ra là thị trường còn những rào cản nào để đạt mục tiêu này?

Các tiêu chí quan trọng

Tiêu chí phân loại thị trường của MSCI dựa trên 3 tiêu chí chính, bao gồm: mức độ phát triển kinh tế của quốc gia, quy mô thanh khoản thị trường và khả năng dễ tiếp cận đến với thị trường đó. Trong mỗi tiêu chí, MSCI sử dụng những tiêu chí con khác (Bảng 1).

Bảng 1: Tiêu chí phân loại và đánh giá các thị trường chứng khoán trên thế giới theo chuẩn MSCI. Nguồn: MSCI

Bảng 1: Tiêu chí phân loại và đánh giá các thị trường chứng khoán trên thế giới theo chuẩn MSCI. Nguồn: MSCI

Đầu tiên, với tiêu chí mức độ phát triển kinh tế, MSCI dựa vào mức độ phát triển ổn định của nền kinh tế.

Với tiêu chí quy mô và thanh khoản, có 4 tiêu chí con để đánh giá, bao gồm: số lượng công ty được nằm trong Standard Index, tổng vốn hóa thị trường (full market cap), vốn hóa thả nổi (float market cap) và thanh khoản thị trường được tính bằng tỷ lệ giá trị giao dịch hằng năm (Annualized Traded Value Ratio).

Tiêu chí cuối cùng là khả năng dễ tiếp cận của thị trường, được đánh giá dựa trên các tiêu chí con, bao gồm: độ mở cho tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, sự lưu thông vốn nước ngoài dễ dàng, khung khổ hoạt động hiệu quả, sự đa dạng các công cụ đầu tư và sự ổn định của khung pháp lý.

Thị trường Việt Nam đang ở đâu?

Dựa vào các tiêu chí ở trên, thị trường Việt Nam đã đạt được những tiêu chí nào và còn những tiêu chí nào cần cải thiện để được nâng hạng lên thị trường mới nổi?

Trong báo cáo review tháng 6/2021, MSCI đánh giá cao khi Việt Nam có những nỗ lực để phát triển thị trường, như quyết định thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, chuyển đổi mô hình và đổi tên Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thành Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, MSCI đưa ra một số vấn đề còn tồn tại như giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài ở một số ngành có điều kiện. Thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể "bởi room" ngoại, quyền lợi nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng khi các văn bản thiếu song ngữ, thiếu mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối, đăng ký mở tài khoản còn cần sự chấp thuận của VSD, thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền (Bảng 2).

Bảng 2: So sánh kết quả đánh giá giữa thị trường Việt Nam và các thị trường mới nổi. Nguồn: MSCI.

Bảng 2: So sánh kết quả đánh giá giữa thị trường Việt Nam và các thị trường mới nổi. Nguồn: MSCI.

Dựa vào bảng so sánh trên có thể thấy, những vấn đề còn tồn đọng lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là độ mở thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2021, Việt Nam đưa vào áp dụng nhiều sắc luật mới, trong đó có Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Chứng khoán sửa đổi.

Trong đó, Luật Đầu tư năm 2020 đã giảm 40 ngành, nghề trong danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường so với Luật Đầu tư năm 2014. Đây là nỗ lực nhằm nâng cao môi trường kinh doanh tại Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư năm 2020, trong danh mục vẫn có tới 227 ngành, nghề hạn chế tiếp cận kinh doanh với nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình một số lĩnh vực quan trọng vẫn nằm trong danh mục này như: kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh khí, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vận tải đường bộ và đường thủy, kinh doanh vận tải biển, kinh doanh bưu chính, viễn thông, hoạt động kinh doanh ngân hàng thương mại…

Về yếu tố khả năng tiếp cận các văn bản pháp luật và văn bản công bố từ công ty đại chúng bằng ngôn ngữ nước ngoài, Nghị định 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán chỉ yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán, VSD công bố thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Trong khi đó, công ty đại chúng và các tổ chức khác chỉ phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt để công bố thông tin.

Với nỗ lực để nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn MSCI, có thể thời gian tới, Bộ Tài chính cần có văn bản hướng dẫn bổ sung, yêu cầu công ty đại chúng niêm yết tại HOSE và HNX thực hiện công bố thông tin bằng hình thức song ngữ.

Còn về yếu tố thanh toán bù trừ, việc xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM trong những tháng vừa qua đã hoàn tất và nhiều khả năng việc giao dịch T+0 sẽ sớm được đưa vào áp dụng trong thời gian tới.

Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đã được cơ quan quản lý và các thành viên thị trường đặt ra cách đây nhiều năm, bởi những lợi ích mang lại đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng là rất lớn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Thực tế, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các thành viên thị trường đã có những nỗ lực từng bước cải thiện để đáp ứng tiêu chí được đưa ra, nhưng rõ ràng, từng đó là chưa đủ khi vẫn còn nhiều rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận thị trường.

Hiện tại, Việt Nam vẫn đang nằm trong khu vực thị trường cận biên, trong khi các thị trường lân cận như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines đã thuộc nhóm các thị trường mới nổi nhiều năm. Nếu không có những quyết sách quyết liệt hơn, có thể thị trường chứng khoán Việt Nam lại tiếp tục lỗi hẹn với câu chuyện nâng hạng.

Tin bài liên quan