Nâng hạng thị trường: Câu chuyện 2-3 năm tới

Nâng hạng thị trường: Câu chuyện 2-3 năm tới

(ĐTCK) Năm 2017, TTCK Việt Nam đã đánh dấu bước tăng trưởng ấn tượng và đây là lý do khiến các thành viên thị trường khá hài lòng khi tham dự Hội nghị ngành 2018. Đã mấy năm rồi mới có một cuộc Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK diễn ra với những kiến nghị chính sách mang tính dài hạn, chứ không gấp rút, tức thì.

TTCK 2017: Những con số biết nói

Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) được bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch trình bày, kết thúc năm 2017, quy mô vốn hóa TTCK (tính riêng cổ phiếu) đạt 3,5 triệu tỷ đồng, tăng 80,5% so với năm 2016 và tương đương mức 70,2% GDP năm 2017. Đây là kết quả vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra trước đó là 70% GDP vào năm 2020.

Tại thời điểm cuối năm 2017, toàn thị trường có 737 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết, 690 mã chứng khoán đăng ký giao dịch, với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch theo mệnh giá là 978.000 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cuối năm 2016, nhỏ hơn nhiều so với mức tăng vốn hóa 80,5% cùng thời kỳ.

Đặc biệt, chỉ trong hơn nửa tháng đầu năm 2018, quy mô vốn hóa tăng thêm 10%, đạt gần 3,8 triệu tỷ đồng, tương đương 77,2% GDP; với thanh khoản trung bình đạt 9.600 tỷ đồng, tăng 90% so với bình quân năm 2017, tăng 46% so với trung bình quý IV/2017.

Chúng ta không dám tin thị trường sẽ tăng mạnh như năm 2017, nhưng 2018 có thể sẽ tăng mạnh

- Ông Trần Thanh Tân, 
Tổng giám đốc VFM

Không chỉ là kênh đầu tư sôi động, năm 2017, TTCK đã thể hiện tốt vai trò kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp, với tổng mức vốn các doanh nghiệp huy động được thông qua thị trường là 245.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác thoái vốn nhà nước cũng ghi nhận kết quả vượt mức dự báo của thị trường, với tổng giá trị thoái vốn nhà nước cao kỷ lục, lên tới 125.400 tỷ đồng, gấp 5,4 lần năm 2016.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, bản thân TTCK không thể tự nhiên tốt mà nhờ sự đóng góp của nhiều yếu tố. Nền kinh tế Việt Nam năm vừa qua đã phát triển theo đúng mục tiêu đề ra, nguyên nhân có được điều này là nhờ Chính phủ đã thay đổi mô hình chỉ đạo không huy động để phân bổ nguồn lực mà sẽ định hướng bằng chính sách để hướng nguồn lực đến khối tư nhân.

Điều này tạo tính thị trường và tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng. Về phía UBCK đã thực hiện một loạt những chính sách làm minh bạch thị trường. Các động thái trên khiến niềm tin cho nhà đầu tư ngày càng tăng, từ đó dòng tiền vào thị trường ngày càng lớn.

Cơ cấu nhà đầu tư thay đổi, giá trị danh mục khối ngoại 32,9 tỷ USD

Theo bà Phương, cuối năm 2017, toàn thị trường có 1,92 triệu tài khoản, tăng 12% so với cuối năm 2016, trong đó số tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng 16,6%, tài khoản nhà đầu tư tổ chức tăng 14%. Số liệu này cho thấy, cơ cấu nhà đầu tư đang thay đổi, với tốc độ tăng số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức tăng mạnh hơn so với các nhà đầu tư cá nhân.

Về vấn đề này, ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) cho rằng, nhà đầu tư đang có xu hướng ủy thác quản lý danh mục cho các tổ chức chuyên nghiệp thay vì tự đầu tư vào TTCK. Ông Tân cho biết, VFM đang quản lý khoảng 7.000 tỷ đồng.

Nâng hạng thị trường: Câu chuyện 2-3 năm tới ảnh 1

Trong 3 tuần đầu tiên của năm 2018, VFM huy động gần 2.000 tỷ đồng, cho thấy các nhà đầu tư cá nhân đã có xu hướng bỏ tiền qua quỹ để đầu tư, không còn khái niệm chơi chứng khoán, mà thông qua các nhà đầu tư tổ chức. Như vậy, TTCK sẽ tăng trưởng bền vững hơn.

Đến cuối năm 2017, tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt 32,9 tỷ USD, tăng 12% so với cuối năm 2016. Như vậy, so sánh với quy mô vốn hóa thị trường 3,5 triệu tỷ đồng, khối ngoại nắm trên 21% giá trị vốn hóa toàn thị trường. Đặc biệt, trong 3 tuần đầu năm 2018, khối ngoại tiếp tục mua ròng, thêm 7.200 tỷ đồng, cho thấy sức hấp dẫn đặc biệt của TTCK Việt Nam với nhà đầu tư ngoại.

Nâng hạng thị trường: Câu chuyện của 2 - 3 năm tới

Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm là thúc đẩy tiến trình nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Về vấn đề này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK cho biết, hiện nay đã có một Tổ công tác phục vụ cho việc nâng hạng thị trường và thực hiện cơ chế báo cáo hàng tháng; các điều kiện thị trường về quy mô vốn hóa chung, vốn hóa các doanh nghiệp lớn, thanh khoản… đều thuận lợi.

“Mặc dù vẫn rất nỗ lực, nhưng việc nâng hạng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có quy trình đánh giá của MSCI. Do đó, nói nâng hạng thị trường trong năm 2018 - 2019 là khó. Mục tiêu phấn đấu trước mắt là TTCK được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng, sau đó cần 1 năm để MSCI đánh giá”, ông Dũng nói.

2018: triển vọng tăng trưởng tốt

Tại Hội nghị, các thành viên thị trường đều cho rằng, năm 2017 là năm thành công ngoài dự đoán, nhưng tăng trưởng hợp lý khi nền kinh tế Việt Nam nhiều khởi sắc, tăng trưởng kinh tế tốt, các chính sách vĩ mô đi vào cuộc sống, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào mạnh. Về triển vọng năm 2018, ông Tân cho nhận định, năm nay vẫn có cơ hội lớn.

Nâng hạng thị trường: Câu chuyện 2-3 năm tới ảnh 2

Sự lạc quan của cá nhân ông Tân hay VFM có lẽ cũng là suy nghĩ chung của các thành viên thị trường. Nhìn lại hội nghị ngành gần 10 năm qua, có lẽ đây là lần duy nhất, các thành viên chủ yếu tập trung đóng góp những giải pháp dài hạn, không có những ý kiến kiểu cấp bách hỗ trợ thị trường. Tâm lý lạc quan thể hiện trên gương mặt của hầu hết người tham dự.

“Tôi có trao đổi với nhiều công ty quản lý quỹ khác, cả các công ty ở Mỹ, họ đều cho rằng, năm 2018 là năm fully invest (đầu tư “tất tay”). Chúng ta không dám tin thị trường sẽ tăng mạnh như năm 2017, nhưng 2018 có thể sẽ tăng mạnh. Nói đường dài, chúng ta nhìn thị trường lên hay xuống bằng con mắt rất bình tĩnh. Tuy nhiên, với cơ quan quản lý, chúng tôi rất chia sẻ, thị trường lên cũng lo lắng mà xuống cũng lo lắng, ở vị thế nào đó, các anh chị giống như người lính biên cương”, ông Tân nói.

Chưa có đầy đủ dữ liệu của cả năm 2017, nhưng theo UBCK, đến hết quý III/2017, tổng lợi nhuận các công ty niêm yết đã cải thiện đáng kể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016, là mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua. Tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết là một động lực đặc biệt quan trọng giúp TTCK khởi sắc như thời gian vừa qua.

Đối với các công ty chứng khoán, năm 2017 cũng là năm ghi nhận dấu ấn đặc biệt, khi ước tính lợi nhuận trước thuế của khối công ty này lên tới 7.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2016. Trong số này, 63 công ty chứng khoán có lãi, 21 công ty chứng khoán lỗ.

Với ngành quản lý quỹ, tổng lợi nhuận trước thuế năm 2017 của cả ngành ước đạt 444 tỷ đồng. Không chỉ có lợi nhuận tốt hơn, tổng giá trị tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ đã tăng tới 91% so với thời điểm cuối năm 2016. Giá trị tài sản này tăng mạnh cho thấy sức hấp dẫn của TTCK với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là một trong nhiều yếu tố để tin rằng, TTCK năm 2018 có triển vọng tích cực.

Cần nỗ lực định hình khung pháp lý mới cho TTCK

Nâng hạng thị trường: Câu chuyện 2-3 năm tới ảnh 3

Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính 

Thời gian qua, nhà quản lý rất nỗ lực, cố gắng ban hành nhiều văn bản pháp luật, cả nghị định, thông tư, nhưng cốt lõi nhất là Luật Chứng khoán ban hành năm 2006, sửa đổi năm 2010 đến nay có nhiều nội dung cần hoàn thiện. Đây là điểm chúng tôi đặc biệt quan tâm trong bối cảnh một số luật còn vênh nhau, dẫn đến hạn chế trong triển khai các chính sách, thực thi giải pháp phát triển thị trường.

TTCK có sự tăng trưởng mạnh, nhưng cùng với đó, UBCK đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, đúng chế độ, đúng việc, đúng người nhiều sai phạm. Điều này cho thấy tính tuân thủ của các thành viên thị trường chưa cao. Quy mô thị trường tăng nhưng cơ cấu chưa cân bằng. Sự chưa cân bằng này thấy rõ giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu Chính phủ.

Trái phiếu doanh nghiệp đã có lộ trình phát triển, nhưng để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì còn cần nhiều yếu tố. Loại hình quỹ hưu trí đã có nghị định, thông tư hướng dẫn…, nhưng chưa có quỹ nào được ra đời. Đây là những vấn đề cần phải đánh giá, nhìn nhận để tìm giải pháp mới.

Để định hình khung pháp lý mới cho TTCK, bên cạnh định hướng chính sách sửa đổi Luật Chứng khoán đã báo cáo Chính phủ, tôi hy vọng các hiệp hội, thành viên, doanh nghiệp sẽ cùng tham gia thảo luận, góp ý để xây dựng luật cho tốt.

Làm sao để TTCK phát triển minh bạch, tiếp tục góp sức thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, trở thành kênh huy động vốn dài hạn và thúc đẩy chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro. Đó là những nhiệm vụ mà UBCK, các Sở GDCK, VSD và các thành viên cần cùng có trách nhiệm xây dựng giải pháp và thực thi trong thời gian tới. 

Tin bài liên quan