RRH là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất trên TTCK Việt Nam và đã có lịch sử tham gia thị trường khá dài, ông nhận xét thế nào về sự phát triển của thị trường?
Những năm qua, TTCK Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhất định, nhưng theo chúng tôi, Việt Nam có thể làm tốt hơn thế. Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi theo hướng tích cực hơn, nhưng vẫn còn khá chậm.
Cơ hội để lựa chọn đầu tư vào các công ty tốt vẫn còn khá hạn chế. Việt Nam cần có nhiều hơn nữa những điển hình như Vinamilk hay Thế giới di động, để nối dài danh mục doanh nghiệp tăng trưởng bền vững mà nhà đầu tư có thể yên tâm bỏ vốn vào.
Bên cạnh đó, việc duy trì quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng là một điểm trừ của TTCK Việt Nam. Rõ ràng là thời gian qua, đã có rất nhiều hy vọng về việc nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên 60%, song đáng tiếc là tới nay, vẫn chưa có chuyển biến mới nào.
Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Theo ông, để thực hiện được mục tiêu đó, Việt Nam cần ưu tiên thực hiện những giải pháp gì?
Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã khá thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Tôi hy vọng rằng, sự ổn định này tiếp tục được duy trì, vì đây là điều kiện tiên quyết để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, có một thực tế là việc giảm giá của đồng nội tệ đã làm giảm đáng kể tỷ suất lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn mới vào thị trường vẫn còn thấp, trong khi đó, quy mô là yếu tố rất quan trọng đối với TTCK.
TTCK Việt Nam hiện đang có quá nhiều công ty niêm yết có quy mô nhỏ và hoạt động không theo quy chuẩn của công ty đại chúng thực sự. Trong khi đó, số lượng công ty lớn, hoạt động lành mạnh với bề dày về quản trị tốt còn khá hạn chế. Có thể chúng ta còn phải chờ rất lâu nữa để thấy chỉ số VN100 với 100 công ty niêm yết tốt mà nhà đầu tư có thể đầu tư vào như tại TTCK New York hay London.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường, giúp cải thiện quy mô giao dịch.
Cơ quan quản lý thị trường cũng cần tăng cường các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư thiểu số.
Theo ông, đâu là những thuận lợi và khó khăn của nhà đầu tư khi tham gia vào TTCK Việt Nam so với TTCK các nước?
Quỹ RRH hiện chỉ tập trung đầu tư vào Việt Nam, do đó, mọi sự so sánh đều không phù hợp.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi, ngay cả khi bạn đã rất quen thuộc với việc đầu tư tài chính, thì bạn vẫn cần phải tập trung vào việc giám sát hoạt động của các công ty mà bạn đầu tư vào. Mọi khó khăn rồi sẽ trở thành thuận lợi trên một thị trường mà bạn đã có sự va vấp, trải nghiệm đầy đủ.
Trong năm 2014, thị trường chứng kiến nhiều thương vụ thoái vốn của RRH. Liệu có phải Quỹ đang rút dần vốn khỏi thị trường Việt Nam?
Để thu hút dòng vốn đầu tư mới vào Việt Nam, các quỹ đầu tư đi trước cần nhận lại tiền gốc đầu tư ban đầu, cùng với lợi nhuận. Công ty quản lý quỹ có thành tích tạo ra lợi nhuận tốt sẽ tạo ra sự tin tưởng và thu hút các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường. RRH đang bán bớt một số khoản đầu tư để củng cố bảng thành tích của mình.
Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ việc đầu tư trước đây và qua đó xác định được rõ ràng các tiêu chí đầu tư trong những năm tới. Thứ nhất, chúng tôi muốn đầu tư vào các công ty có quy mô lớn với tỷ lệ sở hữu lớn. Thứ hai, chúng tôi muốn tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp mà chúng tôi đã xây dựng trong những năm vừa qua, hơn là tìm kiếm một mối quan hệ mới mà chúng tôi chưa hiểu rõ và có thể dẫn đến rủi ro đầu tư lớn hơn. Thứ ba, chúng tôi không muốn bị áp lực về việc giải ngân hay áp lực về thời điểm thoái vốn. Với những tiêu chí này, RRH xác định sẽ đầu tư vào số lượng ít các công ty hơn, nhưng mỗi khoản đầu tư sẽ rất lớn, với mức độ tham gia vào điều hành quản lý sâu sát hơn.