Quy định mới có thể chặn cửa “người ngay”!
Tại Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung mới nhất, điều kiện về số năm báo lãi trước đợt phát hành cổ phiếu để huy động vốn của tổ chức phát hành được nâng lên 2 năm, so với quy định cũ là 1 năm.
Quy định này, theo Ban soạn thảo Luật, ngoài mục tiêu nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán, thì còn một lý do khác. Đó là ngăn ngừa các tiêu cực phát sinh từ thực tế có những doanh nghiệp sử dụng các chiêu trò kế toán để báo lãi năm liền kề trước đợt phát hành, trong khi các năm trước đều lỗ để huy động vốn.
Tuy nhiên, ý kiến từ nhiều doanh nghiệp, chuyên gia tài chính, đành rằng quy định nhằm ngăn chặn “kẻ gian”, nhưng rất có thể làm khó cho cả “người ngay”.
Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp sử dụng thủ thuật kế toán để có lãi phải được xem là hành vi gian lận trong cung cấp thông tin ra công chúng và cần phải được xử lý vi phạm, chứ không nên giải quyết theo cách của Ban soạn thảo (là quy định thời gian có lãi dài hơn). Việc nâng số năm có lãi không giải quyết được gốc rễ câu chuyện ngăn chặn doanh nghiệp sử dụng thủ thuật kế toán để "lọt cửa" cơ quan cấp phép phát hành. Bởi họ hoàn toàn có thể sử dụng thủ thuật để báo lãi trong 2 năm, thậm chí dài hơn nếu cố tình để đạt mục tiêu phát hành.
Trong khi đó, có những doanh nghiệp có thể kết quả kinh doanh trước thời điểm phát hành không thực sự tích cực, nhưng họ có dự án kinh doanh khả thi và nếu vì không đáp ứng điều kiện số năm có lãi trước đợt phát hành, không huy động vốn thành công, họ sẽ lỡ mất cơ hội triển khai dự án, tạo đà bứt phá trong kinh doanh.
Các chuyên gia cho rằng, đối với những doanh nghiệp đã chào bán chứng khoán ra công chúng, các thông tin về doanh nghiệp đã được công khai trước các nhà đầu tư một thời gian tương đối dài. Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể theo dõi lịch sử công bố thông tin để đánh giá về mức độ rủi ro, vì vậy, Ban soạn thảo nên cân nhắc giảm các điều kiện chào bán theo hướng thấp hơn so với chào bán lần đầu, điều chỉnh điều kiện có lãi của doanh nghiệp khi chào bán thêm chứng khoán.
Liên quan đến điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần, dự thảo Luật Chứng khoán đưa ra quy định mới: “Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng chưa được xoá án tích”.
Qua tập hợp ý kiến từ các doanh nghiệp, trong công văn góp ý cho dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi vừa gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định này phù hợp với việc bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, việc cấm chào bán chứng khoán đối với toàn bộ các pháp nhân thương mại đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích là không cần thiết, thậm chí gây khó cho doanh nghiệp, vì một số tội danh trong Bộ luật Hình sự không liên quan đến tài chính như tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã…
Hơn nữa, Bộ luật Hình sự đã có quy định về hình phạt cấm huy động vốn đối với pháp nhân thương mại, trong đó có nội dung “cấm phát hành, chào bán chứng khoán”.
Bởi vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo Luật điều chỉnh nội dung trên theo hướng: “Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang phải thi hành hình phạt cấm phát hành, chào bán chứng khoán theo quy định tại của Bộ luật Hình sự...”.
Coi chừng làm khó cổ đông, doanh nghiệp
Một trong những nguyên tắc trong xây dựng pháp luật nói chung, Luật Chứng khoán sửa đổi nói riêng, theo chuyên gia là không nên áp dụng quy định mang tính hồi tố, để tránh tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Cụ thể, dự thảo đưa ra quy định chuyển tiếp là yêu cầu các doanh nghiệp đã niêm yết phải đáp ứng điều kiện về vốn và cơ cấu cổ đông trong vòng 2 năm kể từ khi luật này có hiệu lực. Nếu sau 2 năm mà không đáp ứng, doanh nghiệp sẽ bị huỷ tư cách công ty đại chúng…
Theo thuyết minh của cơ quan soạn thảo, hiện cả nước có 1.954 công ty đại chúng, trong đó có 18,4% công ty đại chúng không đáp ứng được điều kiện về vốn điều lệ. Các doanh nghiệp này sẽ có 2 năm để tăng vốn lên 30 tỷ đồng, hoặc sẽ phải bị huỷ tư cách công ty đại chúng.
Theo VCCI, chính sách này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các cổ đông đang nắm giữ chứng khoán của các doanh nghiệp này. Trong khi bản thân những doanh nghiệp này không vi phạm pháp luật, không gây tác động xấu đến thị trường…
Khuyến nghị được đưa ra từ VCCI, cơ quan soạn thảo Luật cần cân nhắc việc áp dụng quy định mang tính hồi tố như vậy. Quy định mới về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng chỉ nên áp dụng cho những doanh nghiệp niêm yết sau khi luật này có hiệu lực, không nên áp dụng đối với những doanh nghiệp đã niêm yết.