Bà Vũ Thị Kim Liên

Bà Vũ Thị Kim Liên

Nâng dần nhận thức về quản trị tiên tiến

(ĐTCK) Chương trình đánh giá quản trị công ty của các DN niêm yết tại HNX là một hành động thiết thực,nhằm thu hút sự quan tâm của DN và các bên liên quan, hướng đến mục tiêu nâng dần chất lượng quản trị.

>> Vinh danh 30 DN minh bạch nhất HNX 2013

Đó là đánh giá của bà Vũ Thị Kim Liên, nguyên Phó chủ tịch UBCK, cố vấn cao cấp PwC rút ra từ thực tế chất lượng quản trị công ty (QTCT) của các DN Việt Nam còn thấp so với khu vực và trên thế giới.

Lần đầu tiên HNX thực hiện Chương trình đánh giá QTCT niêm yết tại Sở, bà đánh giá như thế nào về ý tưởng này?

Đánh giá QTCT là công việc mà các Sở GDCK cần làm để theo dõi và đánh giá việc tuân thủ pháp luật, đặc biệt là mức độ minh bạch của các DN niêm yết. Tuy nhiên, từ việc thực thi đánh giá đến việc công bố kết quả đánh giá là một quá trình không đơn giản. Năm nay là năm đầu tiên, HNX thực hiện việc công bố công khai kết quả đánh giá QTCT, theo tôi, đây là một nỗ lực rất lớn, bởi để có thể công khai kết quả đánh giá, đòi hỏi Sở phải xây dựng được hệ thống tiêu chí, cơ sở đánh giá rõ ràng, thực thi công việc này một cách cẩn trọng và khách quan.

Nhìn sang các nước lân cận, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Đài Loan… đã thực hiện đánh giá QTCT nhiều năm, bởi ý nghĩa cụ thể mà chương trình này mang lại. Bằng kết quả đánh giá, cơ quan quản lý sẽ biết thực trạng QTCT của các DN đến đâu, để ban hành các quy định phù hợp. Các DN làm tốt được ghi nhận và vinh danh, góp phần tạo thêm uy tín để DN làm tốt hơn, đồng thời là động lực cho các DN khác học tập.

 

Là thành viên Hội đồng đánh giá, vì sao chương trình chọn chủ điểm "công bố thông tin và minh bạch", thưa bà?

Theo khuyến nghị của OECD, QTCT gồm 5 nội dung, trong đó “công bố thông tin và minh bạch” là một trong các nội dung đó. Nhiều Sở GDCK cũng chọn chủ điểm này khi chấm điểm QTCT, bởi đây là nội dung bao trùm, có mặt ở tất cả các tiêu chí còn lại. Chẳng hạn, ở các nội dung như trách nhiệm của HĐQT hay quyền của cổ đông, minh bạch thông tin vẫn là tiêu chí hàng đầu. Với DN niêm yết, tuân thủ về công bố thông tin và minh bạch có vai trò quan trọng hơn nữa, vì DN được định giá liên tục trên TTCK thông qua các thông tin mà DN công bố.

 

Chất lượng QTCT tại DN niêm yết hiện như thế nào, theo bà?

Sau 13 năm hoạt động của TTCK Việt Nam, có rất nhiều DN niêm yết đã lớn mạnh cùng TTCK, trở thành những DN uy tín trên trường quốc tế. Để đạt được kết quả này, các DN đã phải nỗ lực rất nhiều, trong đó chắc chắn có nỗ lực QTCT hiệu quả. Tuy nhiên, so sánh chất lượng QTCT tại TTCK Việt Nam với các thị trường khác, chúng ta còn nhiều điểm yếu. Theo đánh giá của IFC, cả 5 nội dung về QTCT (quyền cổ đông/đối xử bình đẳng với cổ đông/vai trò của các bên liên quan/minh bạch và công bố thông tin/trách nhiệm của HĐQT) tại Việt Nam đều có điểm chưa cao. Hiện trạng chung này buộc chúng ta phải có hành động thiết thực để khích lệ sự quan tâm của các DN, các quy định pháp lý cũng cần điều chỉnh để định hướng DN vào khuôn khổ quản trị tiên tiến, tạo nền tảng để DN hướng đến phát triển bền vững.

 

Theo bà, QTCT có vai trò như thế nào với sự phát triển của DN và bảo vệ cổ đông?

QTCT là cách thức phân phối quyền và trách nhiệm trong số những thành phần khác nhau có liên quan tới CTCP như HĐQT, Ban giám đốc, cổ đông. Cả 3 đối tượng này có mối quan hệ ràng buộc nhau chặt chẽ, nhưng mặt khác lại có những lợi ích mâu thuẫn nhau. QTCT tốt sẽ hài hòa lợi ích của chủ sở hữu, người quản lý và các bên liên quan, qua đó đảm bảo cho DN phát triển bền vững.

Việc đặt ra các thông lệ tốt về QTCT và khích lệ các DN thực hiện, nhằm điều chỉnh các mối quan hệ trong nội bộ DN, làm thế nào để lãnh đạo DN thực thi nghiêm túc trách nhiệm của mình với cổ đông, còn các cổ đông ý thức được quyền của mình, tạo sức ép với lãnh đạo DN. Trên nền tảng pháp luật hiện hành, theo tôi, đây là một quá trình dài. Tôi hy vọng, việc HNX thực hiện đánh giá QTCT, bắt đầu từ năm 2013 sẽ thu hút sự quan tâm của công luận, từ đó, chương trình này sẽ được mở rộng hơn, khích lệ sự vào cuộc của nhiều chủ thể, để cải thiện hoạt động QTCT của các DN.

 

Tổ chức bà đang làm việc có hành động nào góp sức cho công tác nâng dần chất lượng QTCT tại Việt Nam ?

Với vai trò là tư vấn, PwC đã và đang tham gia tích cực vào việc tuyên truyền và thúc đẩy hoạt động QTCT tại Việt Nam, thông qua việc tổ chức hội thảo chuyên ngành hoặc đóng góp ý kiến trong các cuộc hội thảo của các tổ chức khác. Đóng góp rõ nét nhất của PwC là thông qua các dịch vụ tư vấn về quản lý rủi ro, quản trị DN và kiểm toán nội bộ. Hiện PwC cung cấp cho nhiều khách hàng dịch vụ này, trong đó có đánh giá thực trạng QTCT của khách hàng, các lỗ hổng so với các quy định trong nước và quốc tế, từ đó xây dựng mô hình QTCT cũng như lộ trình thực hiện phù hợp để tăng cường hoạt động quản trị của khách hàng.