Nâng chuẩn và “nắn” vốn

0:00 / 0:00
0:00
Do lãi suất điều hành tăng cùng room tín dụng hạn hẹp, nên nhiều doanh nghiệp hiện đặt kỳ vọng vào thị trường trái phiếu.
Nâng chuẩn và “nắn” vốn

Song việc siết chặt phía cầu có thể khiến thị trường này chưa thể sớm sôi động trở lại, dù đầu cung không còn bị thắt chặt như lo ngại trước đó.

Giới chuyên gia đánh giá khá tích cực về Nghị định số 65/2022/NĐ-CP mà Chính phủ vừa ban hành, bởi có nhiều nội dung “thoáng” hơn so với dự thảo công bố trước đó, trong khi vẫn nâng cao được tính minh bạch cũng như nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Với các quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, phía cung (nhà phát hành) không bị áp thêm điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Song đúng như đánh giá của không ít chuyên gia, phía cầu (bên mua) lại bị co hẹp đáng kể. Nhà đầu tư cá nhân muốn mua trái phiếu không những phải nắm giữ danh mục ít nhất 2 tỷ đồng, mà còn phải duy trì con số này bình quân trong 180 ngày liền kề. Hình thức mua bán “chui” trái phiếu qua các hợp đồng góp vốn, ủy thác đầu tư cũng bị chặn.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp 7 tháng đầu năm có một số điểm đáng chú ý.

Cụ thể, thị trường này gồm 46,14% nhà đầu tư là các tổ chức tín dụng; 22,43% là các công ty chứng khoán; hơn 10% là nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Tuy vậy, trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ gần 33% lượng trái phiếu riêng lẻ. Chính vì vậy, việc nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp và chặn cửa mua bán chui sẽ khiến lượng nhà đầu tư cá nhân đáp ứng được yêu cầu giảm mạnh. Ngoài ra, sức cầu của bên mua lớn nhất thị trường hiện nay (là các tổ chức tín dụng) cũng suy yếu, bởi hầu hết ngân hàng đã cạn room tín dụng.

Việc sụt giảm hai nguồn cầu lớn (tổ chức tín dụng và cá nhân) trong khi thị trường chưa xuất hiện các “tay to” mới để bù đắp sẽ khiến sân chơi trái phiếu doanh nghiệp chưa thể sớm sôi động trở lại.

Ở góc độ khác, định hướng của nhà quản lý khi nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là rất đúng đắn, có thể giúp thị trường trở nên chuyên nghiệp hơn, đa dạng hóa chủ thể tham gia thị trường. Ở đây, việc nắn vốn đầu tư trái phiếu chảy qua quỹ và các nhà đầu tư tổ chức vừa an toàn cho nhà đầu tư, vừa thuận tiện cho cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý nhà nước khi cần chấn chỉnh cũng sẽ có địa chỉ cụ thể để “nắn”, nhanh hơn so với việc nâng cao nhận thức của hàng vạn nhà đầu tư cá nhân.

Mặc dù vậy, Nghị định 65/2022/NĐ-CP mới chỉ nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp, mà chưa có cơ chế phát triển các quỹ đầu tư trái phiếu, trong khi các cơ chế về quỹ hiện còn bất cập. Đơn cử, theo quy định hiện hành, nhà đầu tư mua bán chứng khoán chỉ cần nộp thuế thu nhập cá nhân 0,1% tổng giá trị mua bán, song nếu mua chứng chỉ quỹ của Quỹ Trái phiếu và có lãi, thì sẽ phải nộp thuế 5%. Các quỹ, nếu có lãi cũng sẽ lại phải nộp thuế 20% cho chênh lệch mua bán đó.

Với các quỹ nhận ủy thác đầu tư, nhà đầu tư muốn thông qua quỹ để mua trái phiếu riêng lẻ cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Hơn nữa, bản thân các quỹ này cũng chỉ được giải ngân khoảng 10% tổng giá trị quỹ vào trái phiếu.

Các cơ chế bất cập trên khiến ngành quỹ chưa thể mạnh tay đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới. Nói cách khác, muốn các quỹ đầu tư trái phiếu phát triển, thì cơ chế cho ngành quỹ phải thay đổi. Ngoài ra, muốn thị trường trái phiếu phát triển, Chính phủ cần nghiên cứu cho phép nhiều nhà đầu tư mới, giàu tiềm năng tham gia thị trường, đặc biệt là quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hiện tại, các quỹ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội chỉ được đầu tư vào trái phiếu chính phủ, cho ngân sách nhà nước vay; gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại được xếp hạng cao…, chứ chưa được phép đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã đi đúng hướng khi siết nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, giảm thiểu rủi ro cho thị trường. Thế nhưng, để có kênh xả lũ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thì bên cạnh nỗ lực thanh lọc những nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp, cần có cơ chế “mở” cho các quỹ. Đồng thời, phải tạo sân chơi cho phép nhiều “tay chơi” mới tham gia thị trường.

Chỉ khi hấp dẫn được nhiều tay chơi lớn, thị trường trái phiếu mới có thể phát triển mạnh, thu hút được nhiều nguồn lực trong dân, từ đó mở thêm cửa tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan