Nâng chất quản trị công ty để chủ động hội nhập

(ĐTCK) “Năm 2015 là năm thứ tư Việt Nam tham gia Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN. Tiếp nối những thành công bước đầu về cải thiện chất lượng quản trị công ty, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang nỗ lực nhằm tiếp tục cải thiện vấn đề này”, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, UBCK trao đổi với ĐTCK. 
Ông Vũ Chí Dũng

Ông Vũ Chí Dũng

Được biết, ngày 4/9 tới, UBCK phối hợp với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Hội nghị Quản trị công ty hướng tới hội nhập khu vực các nước ASEAN. Nội dung cụ thể của diễn đàn này là gì, thưa ông?

Thẻ điểm QTCT khu vực ASEAN bắt đầu thực hiện từ năm 2011. Thẻ điểm là một nỗ lực lớn của các nước trong khu vực ASEAN, nhằm thực thi kế hoạch hành động của Diễn đàn Thị trường vốn các nước ASEAN (ACMF) hướng đến phát triển một thị trường vốn hội nhập trong khu vực, định vị ASEAN như một điểm sáng đầu tư của thế giới. Thẻ điểm kỳ vọng giúp nâng cao chuẩn mực thực hành QTCT trong các DN niêm yết tại các quốc gia ASEAN và nâng cao, quảng bá hình ảnh của DN trong mắt NĐT.

Năm 2015 là năm thứ tư Việt Nam tham gia Thẻ điểm QTCT khu vực ASEAN. Ngày 4/9 tới, UBCK phối hợp với IFC tổ chức Hội nghị QTCT hướng tới hội nhập khu vực các nước ASEAN, nhằm đánh giá theo các tiêu chuẩn của thẻ điểm này, xác định những thách thức cũng như các hành động cụ thể nhằm nâng cao hình ảnh DN niêm yết, khả năng thu hút đầu tư, nâng cao hình ảnh thị trường vốn Việt Nam và hướng tới hội nhập khu vực ASEAN. 

Sau 4 năm tham gia Thẻ điểm QTCT khu vực ASEAN, UBCK ghi nhận đâu là những bước tiến, cũng như hạn chế về QTCT của các DN niêm yết, thưa ông?

Năm 2014, Việt Nam có 50 DN niêm yết được đánh giá theo các tiêu chuẩn của Thẻ điểm QTCT khu vực ASEAN. Con số này tăng qua các năm, nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu tối thiểu mà Hội đồng đánh giá mong muốn (cần có 100 DN trong danh sách đánh giá).

Qua 4 năm đánh giá (2011 - 2014), bên cạnh các kết quả quan trọng đã đạt được như: từng bước thay đổi nhận thức cũng như hành động cụ thể của DN nhằm cải thiện chất lượng QTCT; tách bạch bộ máy quản trị và ban điều hành…, thì điểm số của các DN chưa có nhiều cải thiện, mức độ công bố thông tin cho NĐT bằng tiếng Anh còn hạn chế.

Việt Nam luôn đứng thứ hạng thấp nhất trong các quốc gia tham gia đánh giá (6 nước gồm Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Việt Nam). Đặc biệt, số lượng công ty quan tâm đến chương trình này chưa cao, mặc dù đây là cơ hội quảng bá rất tốt hình ảnh của DN ra cộng đồng NĐT quốc tế.

NĐT nước ngoài khi tìm hiểu cơ hội đầu tư, họ thường tìm kiếm thông tin từ các nguồn sẵn có như website của công ty. Tuy nhiên, hiện hầu hết các website này chỉ có thông tin về sản phẩm, dịch vụ, trong khi các thông tin về rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư vào DN, mức độ cam kết của công ty trong thực hiện quyền cổ đông, hoặc trong việc nâng cao giá trị của cổ đông lại không được trình bày rõ ràng và thuyết phục.

Chuyên mục “Nhà đầu tư” trên website gần như rỗng thông tin. Thách thức lớn hơn là làm sao tách bạch được quản trị và điều hành để có thể giảm thiểu rủi ro trong quy trình ra quyết định của DN.

Việc vượt qua các thách thức hoàn toàn nằm trong khả năng của DN nếu họ cam kết đầu tư cho cải thiện công bố thông tin, đặc biệt là thông tin về QTCT, nhằm giúp hoạt động của DN minh bạch và đáng tin cậy hơn. 

UBCK làm gì để thúc đẩy các DN quan tâm nâng cao chất lượng QTCT?

Ngoài việc xúc tiến sửa đổi Thông tư 121/2012/TT-BTC về QTCT áp dụng cho các công ty đại chúng, UBCK đang xây dựng một đề án chi tiết về lộ trình cải thiện QTCT để có chiến lược thực hiện bài bản, dài hơi. Bên cạnh đó, UBCK tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm truyền thông đến DN về các lợi ích của việc nâng cao QTCT.

Cũng cần nhắc đến vai trò quan trọng của các thành viên thị trường, các CTCK, họ là đối tượng được kỳ vọng sẽ tích cực cung cấp thông tin và kiến thức, cũng như hỗ trợ, tư vấn cho DN trong nâng cao nhận thức và áp dụng cụ thể các biện pháp, kỹ thuật nhằm cải thiện lượng và chất của thông tin công bố cho công chúng NĐT, giúp thông tin về QTCT minh bạch, thuyết phục hơn. 

Có DN đặt câu hỏi, họ đầu tư cho nâng cao chất lượng QTCT, nhưng giá cổ phiếu không tăng, thậm chí giảm, việc huy động vốn của DN vẫn khó. Ông chia sẻ gì với DN về vấn đề này?

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cải thiện chất lượng QTCT sẽ mang lại những lợi ích dài hạn cho cả DN và TTCK, chứ không thể mong đợi ngay những lợi ích ngắn hạn. Uy tín của DN sẽ dần được cải thiện, qua đó, giúp họ huy động vốn tốt hơn, góp phần cải thiện tính minh bạch, chuyên nghiệp của TTCK.

Quản trị tốt còn giúp DN phòng ngừa được các rủi ro tiềm ẩn từ hệ thống và con người, từ đó giúp hoạt động của DN ổn định và an toàn hơn, xây dựng được lòng tin nơi NĐT. Khi đó, NĐT sẽ gắn bó dài hạn với DN cả lúc thuận lợi lẫn khi khó khăn, nhất là khó khăn về vốn. Do đó, ngoài nâng cao nhận thức, bản thân các DN cần có những hành động cụ thể nhằm cải thiện chất lượng QTCT.

Ngày 4/9 tới, UBCK phối hợp cùng IFC tổ chức chương trình Tập huấn công tác công bố thông tin QTCT theo chuẩn Thẻ điểm QTCT ASEAN tại Sở GDCK TP. HCM cho 200 DN lớn nhất đang niêm yết tại hai sở GDCK.

Trong năm đánh giá 2015 này, với ý nghĩa quan trọng của việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sắp hình thành, các DN niêm yết cần tận dụng cơ hội của chương trình Thẻ điểm QTCT khu vực ASEAN, chủ động công bố các tài liệu cho cổ đông bằng tiếng Anh.

Tin bài liên quan