Nâng chất đầu tư vào các khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Hàng loạt địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp mới, với mục tiêu thu hút các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, mang lại nhiều giá trị gia tăng.
Xu hướng hiện nay là các địa phương chú trọng xây dựng khu công nghiệp xanh, thu hút những nhà đầu tư đẳng cấp Ảnh: Lê Toàn

Xu hướng hiện nay là các địa phương chú trọng xây dựng khu công nghiệp xanh, thu hút những nhà đầu tư đẳng cấp Ảnh: Lê Toàn

Chạy đua để thành lập khu công nghiệp mới

Là các địa phương luôn nằm trong top đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… đang chạy đua với thời gian để thành lập các khu công nghiệp (KCN) mới, nhằm đón đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.

Tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương - nơi có diện tích đất công nghiệp lớn nhất cả nước, tỷ lệ lấp đầy của các KCN hiện đã vượt mức 90%. Địa phương này đang chuẩn bị xây dựng hàng loạt KCN mới. Vào đầu tháng 7/2023, HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua đồ án quy hoạch KCN Việt Nam - Singapore III (VSIP III) giai đoạn II, với diện tích hơn 800 ha và KCN Cây Trường 700 ha.

Theo quy hoạch sử dụng đất KCN thời kỳ 2021-2030, Bình Dương ưu tiên đầu tư 18 dự án KCN với diện tích đất tăng thêm là 6.573 ha. Dự kiến, đến năm 2050, tổng số KCN trên địa bàn tỉnh là 46 KCN, với tổng diện tích 24.338 ha.

Ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Ban quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã thành lập 29 KCN, tổng diện tích hơn 12.662 ha, trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động, tổng diện tích hơn 10.962 ha. Hiện tỷ lệ lấp đầy của các KCN tại Bình Dương khá cao. Trong giai đoạn tới, định hướng thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh sẽ chuyển sang hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh để tạo sức hút mới.

Long An - địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thành lập mới 17 khu công nghiệp, với diện tích tăng thêm gần 3.200 ha, nâng tổng số KCN toàn tỉnh lên 51 khu với diện tích 12.433 ha. Khi đó, Long An sẽ là địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Bình Dương) về diện tích các KCN. Ngoài ra, Long An cũng quy hoạch mới 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.808 ha; đến năm 2030, tổng số các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 72 cụm, với tổng diện tích 3.989 ha.

Nếu như các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, quỹ đất công nghiệp cho thuê còn rất ít, thì Long An còn diện tích cho thuê khá lớn. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy tại các KCN của Long An mới đạt 65%. Đây là một lợi thế đối với địa phương tiếp giáp đầu tàu kinh tế TP.HCM.

Trong các địa phương vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Đồng Nai dù có diện tích rộng, nhưng quỹ đất công nghiệp cho thuê hiện nay khá ít. Theo ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Ban quản lý các KCN Đồng Nai, từ nay đến năm 2030, Đồng Nai sẽ thành lập thêm 8 KCN mới theo quy hoạch, với tổng diện tích hơn 8.200 ha. Thế nhưng, từ năm 2020 đến nay, các KCN nằm trong quy hoạch của Đồng Nai đều gặp vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, xử lý đất trồng cao su, đất rừng, xác định đất đấu giá, đấu thầu, quy hoạch phân khu… nên chưa thực hiện được.

Hiện nay, các KCN của tỉnh đã lấp đầy khoảng 86%, diện tích cho thuê còn lại rất ít vì chưa giải phóng được mặt bằng. “Việc khởi công xây dựng sân bay quốc tế Long Thành đã gia tăng cơ hội thu hút đầu tư vào các KCN Đồng Nai. Trong thời gian qua, thiếu quỹ đất công nghiệp sẽ dẫn đến việc địa phương bỏ lỡ cơ hội đầu tư các dự án có vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD”, ông Cường thông tin.

Không có được quỹ đất rộng như các tỉnh lân cận, song TP.HCM vẫn là địa phương đứng đầu về thu hút FDI nhờ việc mua bán cổ phần, góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Hy vọng tăng thu hút đầu tư của TP.HCM sẽ trông đợi vào KCN Phạm Văn Hai I (379 ha) và KCN Phạm Văn Hai II (289 ha) mới được bổ sung vào quy hoạch. Thành phố đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để tiến hành xây dựng.

Nâng chất đầu tư vào khu công nghiệp

Xu hướng dễ nhận thấy trong việc xây dựng KCN của các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay, đó là việc chuyển sang xây dựng xanh. Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Becamex IDC chia sẻ, hiện nay, chính sách thuế carbon và cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới như thỏa thuận xanh châu Âu hoặc các cơ chế tương tự khác trên khắp thế giới đang ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư FDI của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Bản thân nhà đầu tư, đặc biệt doanh nghiệp FDI phải đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn về sản phẩm sạch (từ nguồn nguyên liệu đến khâu sản xuất, cung cấp) và có nguồn gốc rõ ràng để được chấp nhận vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng tính cạnh tranh. Chính vì vậy, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp FDI khi đầu tư nhà máy tại các KCN đều yêu cầu phải đảm bảo các yếu tố xanh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tại Bình Dương, KCN VSIP III đang xây dựng thành một KCN xanh. Ngay lập tức, KCN này đã thu hút được dự án của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) với số vốn đầu tư khủng 1,3 tỷ USD. Từ tháng 2/2023, Tổng công ty Becamex IDC (Becamex IDC) và Ngân hàng Thế giới (WB) nghiên cứu tiền khả thi dự án phát triển các KCN xanh tại Bình Dương. Cũng trong tháng 2/2023, Tổng công ty Becamex IDC ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Sembcorp Development LTD (Singapore) để phát triển 5 KCN theo định hướng xanh, thông minh và bền vững trong vòng 3 năm tới.

Bên cạnh việc xây dựng các KCN xanh, Bình Dương cũng chú trọng xây dựng các cụm công nghiệp xanh để phát triển bền vững. Hồi tháng 4/2023, Tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc) đã gặp lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương để bàn thảo về kế hoạch xây dựng Dự án Cụm công nghiệp Tam Lập 2 theo mô hình “Net Zero”.

Tiếp nối Bình Dương, tỉnh Long An cũng lên kế hoạch xây dựng 2 KCN xanh đầu tiên của tỉnh. Vào cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Long An đã ký biên bản ghi nhớ với Liên doanh các công ty gồm Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Saigontel), Công ty Energy Capital Vietnam (ECV), Công ty Allotrope Partners, Công ty Chart Industries, Công ty Babcock & Wilcock để đầu tư phát triển KCN Tân Tập và Nam Tân Tập thành mô hình KCN trung hòa carbon, sử dụng năng lượng tuần hoàn đạt tiêu chuẩn thẩm định chứng nhận khu công nghiệp Net-zero theo tiêu chuẩn Âu Mỹ.

Trong khi đó, TP.HCM, Đồng Nai cũng đang thí điểm mô hình xanh tại KCN Hiệp Phước và Amata. Hai địa phương này cũng hướng đến mô hình KCN xanh đối với các dự án triển khai mới.

Bên cạnh việc “lên đời” KCN, các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều công bố định hướng thu hút đầu tư mới với nhiều điểm chung là thu hút đầu tư vào các ngành nghề sử dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường, đặc biệt là những dự án công nghệ cao, ít thâm dụng lao động.

Việc nâng chất đầu tư vào các KCN được coi là giải pháp không chỉ khắc phục những hạn chế về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Tận dụng cơ hội đón làn sóng đầu tư mới

- Ông Lai Xuân Đạt, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương

Bình Dương đã chủ động quy hoạch hàng ngàn ha khu công nghiệp để tận dụng cơ hội đón làn sóng đầu tư mới đang đổ về Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu các phương án nâng cấp, chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang KCN sinh thái, KCN đô thị - dịch vụ phù hợp với định hướng mới của đô thị Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện Bình Dương đang tập trung đầu tư các dự án hạ tầng liên kết vùng, cải cách môi trường đầu tư để tăng sức hấp dẫn. Định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới của Bình Dương là ưu tiên thu hút các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao…

Đồng Nai chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc

- Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai

Định hướng thu hút đầu tư trong những năm tới của tỉnh Đồng Nai là chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, chuyển hướng thu hút công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, đặc biệt là những dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động.

Sự chọn lọc trong thu hút đầu tư khiến Đồng Nai có những giai đoạn không nằm trong top các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, nhưng bù lại, Đồng Nai đã có những dự án công nghệ cao đúng với định hướng đề ra.

Để thu hút được các doanh nghiệp công nghệ cao, Đồng Nai đang tích cực xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống cảng biển để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Đồng Nai chú trọng đào tạo lao động để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp công nghệ cao.

Long An định hướng phát triển công nghiệp mang tính bền vững

- Ông Trương Văn Liếp, quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An

Thời gian tới, Long An sẽ thu hút đầu tư tập trung vào những ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics gắn với cảng biển quốc tế và phát triển đô thị sinh thái. Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030 đặt mục tiêu đến năm 2030, Long An sẽ thành lập mới 17 khu công nghiệp, với diện tích tăng thêm gần 3.200 ha, nâng tổng số KCN toàn tỉnh lên con số 51, với diện tích 12.433 ha.

Ngoài ra, Long An cũng quy hoạch mới 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.808 ha; đến năm 2030, tổng số các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 72 cụm với tổng diện tích là 3.989 ha. Long An định hướng phát triển công nghiệp phải mang tính bền vững, không vì sự phát triển công nghiệp mà đánh đổi vấn đề môi trường.

Tin bài liên quan