Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Nâng cao năng lực, chinh phục các mục tiêu 2020

(ĐTCK) Năm 2019, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng đây là năm thứ hai liên tiếp, nền kinh tế Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cùng nhìn lại những nét lớn trong bức tranh kinh tế 2019 để thêm niềm tin và sự lạc quan, chào đón năm mới 2020 với quyết tâm chinh phục các mục tiêu phát triển.

Cái kết đẹp cho năm 2019

Năm 2019, kinh tế, thương mại thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm; xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.

Ở trong nước, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng khắc nghiệt, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội.

Nhận thức rõ những khó khăn này, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp kịp thời, đặc biệt là các Nghị quyết số 01, 02 nhằm quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra ngay từ đầu năm với mục tiêu trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Với những nỗ lực to lớn, quyết liệt đồng bộ, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, nền kinh tế đã đạt được thành quả toàn diện trong việc thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2019.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; các ngành, lĩnh vực đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp, nền kinh tế Việt Nam hoàn thành đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới; chất lượng tăng trưởng được nâng lên, hiệu quả đầu tư được cải thiện, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, xuất siêu năm thứ tư liên tiếp; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt kỷ lục 20,4 tỷ USD; xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc. Ðặc biệt số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với năm 2018…

Bước sang năm 2020, triển vọng tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, căng thẳng, bảo hộ thương mại có thể tiếp tục gia tăng, tác động trực tiếp khiến tăng trưởng kinh tế, thương mại quốc tế tiếp tục xu hướng giảm.

Với nền kinh tế Việt Nam, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020 được Chính phủ đặt ra là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi…

Nâng cao năng lực nội tại, chinh phục các mục tiêu mới

Năm 2020, Chính phủ Việt Nam kiên định và quyết tâm cải cách, đổi mới toàn diện nền kinh tế theo hướng nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế; củng cố duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, khơi thông các động lực tăng trưởng;

Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng kỹ thuật số;

Hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo để quy tụ nhân tài và kết nối với các trung tâm công nghệ lớn trên thế giới.

Cùng với đó, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử; thực hiện nghiêm quy định về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức.

Ðơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính thực chất, tạo điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp.

Xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ; tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế, thực hiện tốt các mục tiêu Quốc hội đặt ra (xem bảng).

Nâng cao năng lực, chinh phục các mục tiêu 2020 ảnh 1

Năm 2019, các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ đã tập trung đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo với phương châm xuyên suốt coi doanh nghiệp là trung tâm của kiến tạo chính sách, khích lệ doanh nghiệp vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ và tham gia, trở thành bộ phận không thể thiếu của phát triển đất nước.

Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp nhằm góp phần hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho cả đất nước và doanh nghiệp…

Phát huy nền tảng này, các Nghị quyết 01 và 02 sẽ tiếp tục được Chính phủ ban hành ngay trong đầu năm 2020 để tạo khung khổ cho việc triển khai các giải pháp, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2020 cũng như tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ kiến tạo và tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó, năm 2020 sẽ tập trung vào việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư và các quy định liên quan đến đến đầu tư, kinh doanh phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam.

Ðặc biệt, dự thảo Nghị quyết 02 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 đã được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư trình Chính phủ xem xét ban hành trong đầu năm mới, sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Doanh nghiệp lớn cần đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ

Nâng cao năng lực, chinh phục các mục tiêu 2020 ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Nguyễn Chí Dũng.

Trong bối cảnh bùng nổ của khoa học, công nghệ, các doanh nghiệp có vai trò trọng tâm trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; nhiều doanh nghiệp tư nhân đã thành công, góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng các thương hiệu Việt Nam về công nghệ thông tin trên bản đồ khởi nghiệp thế giới như FPT, Vingroup, TTC, Phenikaa..., khơi dậy niềm tin và sự kỳ vọng vào việc sẽ tạo bước tiến đột phá trong phát triển.

Mức độ linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến lớn và được các tổ chức có uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Chỉ số mức độ năng động trong kinh doanh là một trong 3 trụ cột có cải tiến lớn nhất, năm 2019 tăng 12 bậc về thứ hạng so với năm 2018; chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2018 và tăng 17 bậc so với năm 2016, lên vị trí 42 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore và Malaysia.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp lớn đã mạnh dạn, khởi động, bắt tay vào đầu tư khoa học công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp như VinGroup, Viettel, CMC...

Tuy nhiên, số liệu điều tra doanh nghiệp gần đây cho thấy, mới chỉ có 10% số doanh nghiệp đã từng đăng ký, hoặc đăng ký thành công 01 bằng sáng chế trong vòng 3 năm liên tiếp; đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Ðộ (5%), Hàn Quốc (10%); chỉ có khoảng 10,2% doanh nghiệp có đầu tư vào một số hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D); tỷ trọng chi phí dành cho nghiên cứu khoa học công nghệ của doanh nghiệp còn thấp; liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ quan nghiên cứu, trường đại học còn yếu.

Ðể thay đổi hiện trạng trên, về phía Nhà nước, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy mô lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Sản phẩm của những doanh nghiệp này cần được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực này cũng chính là sự thành công của quốc gia.

Các doanh nghiệp lớn này cần có một sợi dây, một cơ chế liên kết lại với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp; trở thành cơ chế đóng góp và xây dựng chính sách; đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sân chơi lớn tầm quốc tế; thảo luận những bài toán phát triển, hợp tác lớn với các tập đoàn xuyên quốc gia…

Chính lực lượng doanh nghiệp lớn sẽ đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia và các mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, đưa doanh nghiệp Việt Nam lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu.

(Trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - hội nhập, hiệu quả, bền vững”, ngày 23/12/2019. )

Tin bài liên quan