Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Thủ đô hướng đến phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, gắn với phát huy các giá trị di sản, văn hoá, không chạy theo nhu cầu của thị trường một cách thái quá. (Ảnh: Hồ Hạ)
Phát biểu khai mạc chương trình tập huấn, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều biến động lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, bên cạnh các tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, du lịch là ngành phải đối mặt với sự sụt giảm nhanh và rõ nhất.
Đối với công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch, tại Hà Nội cũng như các địa phương khác cũng phải nhanh chóng thích ứng với tình hình mới, chủ động đề xuất ra các giải pháp để thúc đẩy và phát triển du lịch.
Các đại biểu tham gia chương trình tập huấn. (Ảnh: Hồ Hạ) |
Hàng loạt các giải pháp phục hồi phát triển du lịch trong tình hình mới được đề ra và triển khai có hiệu quả, trong công tác hợp tác, kết nối, liên kết xây dựng sản phẩm để thúc đẩy phát triển du lịch giữa các địa phương được đặc biệt chú trọng.
Nhằm góp phần nâng cao trình độ, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về du lịch cho đội ngũ cán bộ được phân công làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội và các địa phương có liên kết, hợp tác phát triển du lịch với Hà Nội là một nhiệm vụ tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về hoạt động phát triển du lịch trong nước và trên thế giới.
Quang cảnh chương trình tập huấn. (Ảnh: Hồ Hạ) |
Chính vì thế, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch cho 50 lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, Sở Du lịch Thành phố Hà Nội; lãnh đạo Trưởng, Phó phòng Văn hóa Thông tin quận huyện thị xã, một số điểm du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Kon Tum.
Bà Đặng Hương Giang cho biết, hiện nay du lịch Hà Nội đang trong giai đoạn phục hồi với mục tiêu quý I và II, thành phố tập trung đón du khách nội địa, từ quý III đẩy mạnh đón du khách quốc tế. Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ 9 -10 triệu lượt du khách trong năm 2022, trong đó có 1,2 – 2 triệu lượt khách quốc tế.
“Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch Thủ đô hướng đến phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, gắn với phát huy các giá trị di sản, văn hoá, không chạy theo nhu cầu của thị trường một cách thái quá”, bà Đặng Hương Giang khẳng định.
Cũng theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, để du lịch phát triển trong bối cảnh mới cần chú trọng đưa ứng dụng công nghệ số để gia tăng tính trải nghiệm cho du khách cũng như tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm du lịch.
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tại chương trình tập huấn. (Ảnh: Hồ Hạ) |
Về xu hướng phát triển du lịch sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Đỗ Văn Minh cho biết, Kon Tum hội tụ nhiều nguồn tài nguyên du lịch văn hoá truyền thống của các dân tộc, thiên nhiên hoang sơ, hấp dẫn với nhiều thác, ghềnh hùng vỹ.
Đặc biệt, Vườn quốc gia Chư Mom Ray và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh là hai địa danh do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á công nhận danh hiệu “Vườn Di sản ASEAN” tại Kon Tum về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
“Do đó, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường là định hướng phát triển du lịch của Kon Tum. Tỉnh Kon Tum cũng đã xây dựng để án phát triển du lịch, trong đó lấy phát triển sinh thái, du lịch xanh làm nền tảng để phát triển bền vững”, ông Đỗ Văn Minh chia sẻ.
Tại chương trình tập huấn, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã trao đổi chuyên đề với 3 nội dung chính: Tuyên truyền, quảng bá, hợp tác, xúc tiến du lịch trong tình hình mới; Kết nối, xây dựng sản phẩm du lịch; và Giải pháp phục hồi phát triển du lịch.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, Covid-19 mang đến cho người làm du lịch rất nhiều bài học: Tránh bị phụ thuộc vào một thị trường khách, người khổng lồ nào cũng phải bước đi bằng 2 chân; xây dựng quỹ dự phòng khủng hoảng; chủ động linh hoạt để thích ứng; biến khó khăn thách thức thành cơ hội; liên kết và hợp tác trong xây dựng và phát triển...
Với chủ trương của Chính phủ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch cho khách nội địa và quốc tế từ ngày 15/3, PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, chính sách đón khách quốc tế của Việt Nam thông thoáng, cởi mở hơn so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Đây được xem là “cơ hội vàng” để Việt Nam có thể nhanh chóng đón khách quốc tế, phục hồi du lịch.
Đặc biệt, ngành du lịch cần tận dụng thời điểm tới đây SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, trong đó Hà Nội đăng cai tổ chức nhiều hoạt động để quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm đón mùa du lịch cao điểm của khách quốc tế từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Để du lịch tận dụng được cơ hội này, các địa phương cần xây dựng sản phẩm cần mang tới cảm xúc trọn vẹn cho du khách bằng cách giúp khách trải nghiệm đầy đủ 5 giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác.
Đoàn khảo sát thác Pa Sỹ, Kon Tun. (Ảnh: Hồ Hạ) |
Về xu hướng du lịch hậu Covid-19, PGS.TS Phạm Hồng Long cho biết, du lịch MICE sẽ phát triển mạnh mẽ sau thời gian dài như lò xo nén lại bật lên.
Các loại hình, sản phẩm sẽ hút khách trong thời gian tới gồm: du lịch nội địa, ngắn ngày, tại chỗ, kỳ nghỉ linh hoạt, du lịch thực tế ảo, du lịch biệt lập, du lịch sức khỏe, du lịch gia đình, nhóm nhỏ, giãn cách, du lịch sáng tạo, du lịch thông minh.
“Bên cạnh những dòng sản phẩm quen thuộc như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch theo mùa… Việt Nam cần tập trung phát triển thêm sản phẩm biểu diễn nghệ thuật, vui chơi giải trí, ẩm thực đêm, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng tính trải nghiệm cho du khách…”, PGS.TS Phạm Hồng Long nói.
Về giải pháp phát triển du lịch bền vững, PGS.TS Phạm Hồng Long nhấn mạnh 4 giải pháp: Xây dựng các chương trình, quy định bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; kiên quyết bảo vệ môi trường các điểm du lịch; Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng môi trường, cảnh quan du lịch, văn hóa; có chế tài phù hợp; Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo tồn môi trường du lịch, giá trị văn hóa; Xây dựng các kịch bản ứng phó sự cố môi trường tại các điểm, khu du lịch…
Song song với việc tiếp thu những nội dung tại lớp bồi dưỡng, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum tổ chức khảo sát một số điểm đến nổi tiếng đang phát triển thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước tại Kon Tum.
“Chúng tôi mong rằng, đây sẽ là những trải nghiệm, những thực tế để chúng ta cùng học hỏi, trao đổi và tìm hiểu để áp dụng vào việc tham gia quản lý nhà nước và phát triển du lịch tại mỗi địa phương, đơn vị ngày một chất lượng, hoàn chỉnh”, bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.