Nâng cao khả năng hấp thụ vốn FDI

(ĐTCK-online) Cuối tuần trước, Dự án Toà nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower (70 tầng, cao nhất Việt Nam) đã chính thức được khởi công tại Hà Nội. Không những là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có số vốn lớn nhất (trên 1 tỷ USD) trong lĩnh vực bất động sản, đây còn là dự án có tốc độ triển khai thực hiện nhanh nhất sau khi được cấp phép đầu tư.

Trước đó, Dự án công nghệ cao Intel tại TP.HCM (vốn đầu tư 1 tỷ USD), Dự án thép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (vốn đầu tư 527,3 triệu USD)... cũng liên tiếp được khởi công. Những động thái này chứng tỏ khu vực kinh tế có vốn FDI đang tạo được bộ mặt mới, nhịp thở mới và sức sống mới tại Việt Nam . 

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả khả quan trên, thu hút đầu tư nước ngoài cũng đang gặp một số khó khăn. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng, cả nước mới thu hút thêm được hơn 1 tỷ USD vốn đăng ký mới và khoảng 375 triệu USD vốn thực hiện. So với cùng kỳ các năm trước, đây là kết quả cao, nhưng trước làn sóng đầu tư mới đang hướng vào Việt Nam, thì kết quả thu hút vốn FDI từ đầu năm đến nay vẫn ở mức “khiêm tốn”.

Thực tế cho thấy, trong tháng 8/2007, cả nước chỉ thu hút thêm được 851 triệu USD. Đây là con số nhỏ so với thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là có hàng chục dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 50 tỷ USD đang “xếp hàng”... chờ cấp phép.

Lý giải tình trạng trên, theo các chuyên gia Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trước tiên là do vướng về quy chế. Bởi, hầu hết lĩnh vực “đầu tư có điều kiện” chưa có văn bản quy định các điều kiện cụ thể làm căn cứ cho công tác thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Điều này đang gây lúng túng cho cơ quan quản lý đầu tư ở các địa phương, cũng như nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định đầu tư.

Hai là, chưa chuẩn bị sẵn sàng về đất đai. Việc điều chỉnh quy hoạch đất đai phù hợp với yêu cầu đầu tư còn chậm và phức tạp. Thêm vào đó, là việc đền bù,  giải  phóng mặt bằng, di dời, tái định cư cho người dân ở khu vực đầu tư còn nhiều bất cập. Tình trạng này đã và đang hạn chế việc tiếp nhận các dự án mới, cũng như việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. 

Ba là, việc xử lý về quan điểm, đặc biệt là sự phù hợp với quy hoạch của một số ngành đối với một số dự án lớn còn lúng túng và kéo dài gây ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư, cũng như sự tiếp nhận đầu tư của các địa phương.

Bốn là, về luật pháp, chính sách, hiện còn một số vấn đề như đầu tư gián tiếp, trình tự, thủ tục mở chi nhánh... chưa được hướng dẫn đầy đủ, hoặc chưa được sửa đổi phù hợp cũng đang làm giảm tiến độ tiếp nhận, triển khai dự án. Đó là chưa kể những yếu kém “tiềm tàng” đã được cảnh báo nhiều, nhưng kết quả khắc phục còn chậm, như yếu kém về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực...

Để khắc phục những vướng mắc, yếu kém nêu trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ và sự đồng thuận cao giữa các cấp bộ, ngành, địa phương. Có như vậy, thu hút vốn FDI mới có thể sớm về đích kế hoạch năm 2007, với trên 12 tỷ USD vốn đăng ký mới và hơn 4,5 tỷ USD vốn thực hiện, thay vì 8 tháng qua mới đạt lần lượt hơn 8,32 tỷ USD và gần 3 tỷ USD.