Vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng GDP. Lượng vốn thể hiện ở nhiều mặt, thông qua so sánh, như tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP. Theo loại hình kinh tế, vốn đầu tư có từ khu vực kinh tế nhà nước, khu vực ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo nguồn, vốn đầu tư có từ nguồn tự có, từ huy động trên thị trường chứng khoán, từ đi vay ngân hàng.
Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng vốn đầu tư 6 tháng đầu năm 2016 không phải là ít. Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước thuộc loại khá cao, cao hơn cùng kỳ 3 năm trước (tương ứng tăng 11,7% so với 9,3% và 9%). Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP tuy vẫn còn thấp hơn bình quân thời kỳ 2001 - 2010 (trên 39%), nhưng đã cao hơn cùng kỳ và cả năm trước (tương ứng là 32,9% so với 31,1% và 32,6%).
Xét về cơ cấu, nguồn vốn từ khu vực nhà nước tăng thấp hơn, nhưng chiếm tỷ trọng rất cao (37,1%), riêng từ nguồn ngân sách nhà nước lại tăng cao hơn (11,9% so với 11,7%). Theo nguồn, tỷ lệ vốn tự có khá hơn, khi những doanh nghiệp mới thành lập có lượng vốn đăng ký cao hơn, lượng vốn bổ sung cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn tự có vẫn chỉ chiếm khoảng 1/3, thậm chí có không ít doanh nghiệp “tay không bắt giặc”.
Trong tháng 8/2016, Chỉ số VN-Index tăng 13,3% so với cuối năm trước. Đây là mức tăng khá cao, góp phần cung ứng lượng vốn trung và dài hạn. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng cũng đạt mức cao (8,54%, trong đó tín dụng VND tăng 12,28%).
Trên thực tế, lượng vốn đầu tư rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là hiệu quả đầu tư.
Lượng vốn đầu tư không phải là tất cả, do sự có hạn của nó (nhất là vốn chủ sở hữu), do hiệu ứng phụ của việc tăng vốn đầu tư. Thực tế năm 2013 có tỷ lệ vốn đầu tư/GDP thấp hơn năm 2012 (30,5% so với 31,1%), nhưng tăng trưởng GDP lại cao hơn (5,42% so với 5,25%). Năm 2015 có tỷ lệ vốn đầu tư/GDP thấp hơn năm 2011 (32,6% so với 33,3%), nhưng lại có tốc độ tăng GDP cao hơn (6,68% so với 6,24%). Trong 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP cao hơn (32,9% so với 31,1%), nhưng tốc độ tăng GDP lại chậm hơn so với cùng kỳ năm trước (5,52% so với 6,32%). Dự báo cả năm 2016, GDP tăng 6,5%, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP là 33%.
Điều đó chứng tỏ, lượng vốn đầu tư là rất quan trọng, nhưng hiệu quả đầu tư còn quan trọng hơn. Hơn nữa, hiệu quả đầu tư còn có tác động kép. Tác động kép của hiệu quả đầu tư thể hiện trước hết ở chỗ: để tăng 1% GDP cần ít hơn tỷ lệ vốn đầu tư/GDP - tức là tiết kiệm được vốn đầu tư hay cùng một tỷ lệ vốn đầu tư/GDP sẽ tạo ra tỷ lệ phần trăm tăng trưởng GDP cao hơn. Đầu tư có hiệu quả còn nâng cao chất lượng tăng trưởng, không gây bất ổn vĩ mô (tăng tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, giảm bội chi ngân sách, giảm nợ công, nợ nước ngoài, nợ chính phủ, kiềm chế lạm phát, giảm thiểu nợ xấu...).
Hiệu quả đầu tư được tính bằng nhiều chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu Hệ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư/GDP so với tốc độ tăng GDP. Hệ số này năm 2015 đã lần đầu tiên sau nhiều năm tụt xuống dưới mốc 5 lần, nhưng 6 tháng năm nay lại vươn lên gần 6 lần.
Đáng lưu ý, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực nhà nước vẫn rất cao (37,1%), chỉ thấp hơn một chút so với vốn ngoài nhà nước (37,3%), trong khi hiệu quả đầu tư của khu vực nhà nước thấp nhất, chỉ bằng hơn một nửa khu vực ngoài nhà nước.