Nâng cao cơ chế phối hợp thi hành án tín dụng ngân hàng

Nâng cao cơ chế phối hợp thi hành án tín dụng ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số việc phải thi hành tín dụng ngân hàng là 37.058 việc trong khi đó mới thi hành xong 6.215 việc (đạt 27,66% trên số có điều kiện).

Những con số đáng lưu tâm

Phát biểu khai mạc Hội thảo “Nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD thông qua thi hành án dân sự” diễn ra ngày 25/11, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước mặc dù đã thu được những kết quả tích cực, tuy nhiên việc tổ chức thi hành án tín dụng ngân hàng trên thực tế còn tồn tại, bất cập.

Bên cạnh đó, việc thi hành án này chưa đảm bảo quyền của chủ nợ có bảo đảm, gây rủi ro cho bên nhận bảo đảm; lượng án tín dụng ngân hàng (TDNH) tồn đọng khối lượng lớn, trong khi khối lượng án phát sinh thêm hàng năm vẫn tiếp tục tăng, dẫn đến quá tải trong thi hành các bản án tín dụng ngân hàng tại các cơ quan thi hành án.

Ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp thừa nhận: “Theo thống kê, số lượng vụ việc thi hành án TDNH mà cơ quan thi hành án dân sự thụ lý thi hành chiếm tỷ lệ không lớn về việc”.

Cụ thể hơn, ông Đặng Văn Huy, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cho biết, theo số liệu thống kê năm 2022, các cơ quan THADS đang tiến hành tổ chức thi hành án cho 76 TCTD, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính, trong đó: 02 Ngân hàng chính sách; 02 Ngân hàng hợp tác xã; 03 Ngân hàng Thương mại nhà nước; 34 Ngân hàng TMCP; 05 Ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 04 Ngân hàng Liên doanh; 15 Công ty Tài chính; 11 Công ty cho thuê tài chính.

Kết quả thi hành án TDNH năm 2022 cụ thể như sau:

Số phải thi hành là 37.058 việc, tương ứng với số tiền là trên 137.311 tỷ đồng (chiếm 4,31% về việc và 41,14% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn hệ thống). Trong đó, số có điều kiện là 22.473 việc (chiếm 60,64%), tương ứng hơn 74.250 tỷ đồng (chiếm 54,07%).

Đã thi hành xong số việc là 6.215 việc (đạt 27,66% trên số có điều kiện), tăng 1.712 việc so với cùng kỳ năm 20218, số tiền thu được trên 22.544 tỷ đồng (đạt 29,41% trên số có điều kiện), tăng gần 4.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ thi hành xong năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 7,39% về việc, tăng 4,1 % về tiền. Số việc chuyển kỳ sau là 30.843 việc tương ứng với số tiền là xấp xỉ 114.767 tỷ đồng (bao gồm cả số việc chưa có điều kiện thi hành án).

Từ phía các ngân hàng cho biết, lũy kế đến hết quý 3/2022, toàn hệ thống Agribank đang có 3.291 vụ việc trong giai đoạn thi hành án, với số tiền yêu cầu thi hành là 24.139 tỷ đồng, số tiền đã thu hồi 4.277 tỷ đồng, số tiền còn phải thu hồi 20.614 tỷ đồng.

Hay tại VietinBank, tính đến thời điểm hiện nay, số vụ việc trong hệ thống đang được các cơ quan THADS địa phương thụ lý tổ chức thi hành còn tồn đọng nhiều trên 1.300 vụ việc, với tổng số tiền phải thu là trên 5.400 tỷ đồng. Trong đó, số vụ việc có điều kiện thi hành là 855 vụ; chiếm tỷ lệ 65%.

“Tính đến thời điểm này, Vietcombank có 58/122 chi nhánh đang có phát sinh các vụ việc thi hành án dân sự tại hơn 42 tỉnh thành với khoảng 479 vụ việc cùng số tiền dư nợ gốc khoảng 4.924 tỷ đồng và dư nợ lãi là 5.211 tỷ đồng”, một lãnh đạo Vietcombank cho biết.

Ông Huy chia sẻ, mặc dù kết quả thi hành án TDNH năm 2022 cao hơn so với cùng kỳ năm 2021, nhưng Tổng cục THADS nhận thấy công tác thi hành án TDNH vẫn còn một số tồn tại, hạn chế”.

Cần nâng cao hiệu quả quy chế phối hợp

Đại diện Vietcombank cho biết, khó khăn, vướng mắc phổ biến nhất trong quá trình xử lý khoản nợ thông qua cơ quan Thi hành án dân sự là thời gian từ khi bắt đầu đề nghị thi hành án đến khi xử lý xong tài sản để thu hồi nợ kéo dài. Hay như vướng mắc cụ thể trong quá trình kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức liên quan và chính quyền địa phương trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án chưa hiệu quả.

Từ phía Nam A Bank chia sẻ, việc phối hợp giữa các cơ quan với nhau còn chậm, kéo dài, nặng về hành chính. Điển hình là việc xác minh điều kiện thi hành án giữa: Cơ quan Thi hành án và Cơ quan quản lý đất đai đối với các tài sản là quyền sử dụng đất, giữa Cơ quan thi hành án và Công an đối với các tài sản là động sản như xe ô tô, tàu thuyền, sà lan...

“Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Thi hành án thì Cơ quan Thi hành án phải tiến hành cưỡng chế ngay khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người bị thi hành án có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành. Tuy nhiên, trên thực tế, các Cơ quan Thi hành án thường rất chậm trễ trong việc ra Quyết định cưỡng chế với lý do cần phải xác minh điều kiện thi hành án (Điều 44 Luật Thi hành án). Chính việc Luật thi hành án chưa ấn định cụ thể về thời gian ban hành và tổ chức cưỡng chế thi hành án nên dẫn đến trường hợp Cơ quan Thi hành án chậm trễ, kéo dài thời gian thi hành án”, đại diện Nam A Bank nói.

Phó Thống đốc nhận định, nguyên nhân chủ yếu của những bất cập hiện nay do quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu cụ thể, rõ ràng và do việc hiểu, áp dụng pháp luật của cơ quan thi hành án, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và cả từ phía bản thân các TCTD.

“Để công tác xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu của ngành ngân hàng đạt hiệu quả cao hơn, nhất là công tác xử lý tài sản bảo đảm thông qua thi hành án, ngoài việc hoàn thiện thể chế, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành và các cơ quan liên quan”, Phó thống đốc Dũng nói.

Các ý kiến tại Hội thảo kiến nghị, về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS trong công tác thu hồi nợ xấu của TCTD/VAMC. Đồng thời, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các TCTD trong việc thực hiện hoạt động cho vay có tài sản bảo đảm; đối với các khoản vay đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp cân đối để bảo đảm việc thu hồi khoản vay của Ngân hàng Nhà nước nhưng cũng bảo đảm khoản phải thi hành án của các TCTD đối với bên thứ ba tại các cơ quan THADS…

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường cần khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; chỉ đạo cơ quan tài nguyên và môi trường các cấp kịp thời cung cấp thông tin xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án liên quan đến đất đai; thực hiện kết nối điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhằm tạo điều kiện cho việc khai thác, xác minh điều kiện thi hành án…

Từ phía Bộ Công an, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm tạo điều kiện cho việc khai thác, xác minh điều kiện thi hành án trong tổ chức thi hành án được thuận lợi, nhanh chóng và chính xác. Đồng thời, chỉ đạo công an các địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cơ quan THADS trong công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án, nhất là những vụ việc thi hành án có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

“Kiên quyết xử lý hình sự đối với những trường hợp cản trở, chống đối việc thi hành án, cố ý chây ỳ, không chấp hành án theo quy định của pháp luật”, các ý kiến tại Hội thảo nhấn mạnh.

Liên quan đến Bộ Tài chính, kiến nghị liên quan đến tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức thẩm định giá nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, góp phần chấn chỉnh công tác thẩm định giá trong lĩnh vực THADS; chỉ đạo phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản của người phải thi hành án là phần vốn góp, cổ phần, cổ phiếu.

Tin bài liên quan