Quản trị công ty: 5 điểm chính cần cải thiện
Dựa trên tình hình đáp ứng yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật về mặt quản trị qua các kỳ đánh giá và thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 của Chính phủ xét trên khía cạnh quản trị, bộ tiêu chí đánh giá Giải quản trị công ty năm 2024 đã có một số thay đổi cấu trúc điểm và trọng số. Việc này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng nhiều hơn các thực hành thông lệ tốt trong quản trị.
Theo bà Nguyễn Minh Hiền, chuyên gia Viện Thành viên Hội đồng quản trị (VIOD), các doanh nghiệp cần chú ý 5 điểm chính cần cải thiện.
Thứ nhất, bảo vệ quyền cổ đông và đối xử công bằng giữa các cổ đông. Sau cuộc khảo sát 511 doanh nghiệp, 87% các công ty chưa áp dụng nhiều hoặc chưa công bố cụ thể trong biên bản đại hội cổ đông các công nghệ thông tin hiện đại cho phép cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp. 61% ban chủ toạ chưa tóm lược tình hình thực hiện nghị quyết đại hội năm trước, báo cáo về các nội dung chưa thực hiện từ các nghị quyết trước đó…
Theo đó, các doanh nghiệp nên hướng dẫn cho cổ đông đóng góp ý kiến trước ngày tham dự đại hội cổ đông về các vấn đề thảo luận trong chương trình nghị sự, đồng thời tổ chức đại hội trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến, hướng dẫn cổ đông tham dự, phát biểu và bỏ phiếu điện tử.
Doanh nghiệp cũng cần công bố danh sách và thông tin các thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc hoặc ban tổng giám đốc tham dự đại hội cổ đông; có bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR) và công bố chi tiết thông tin liên lạc của cán bộ hoặc bộ phận này và thư mời họp, tài liệu đại hội bằng tiếng Anh.
Thứ hai, bảo vệ vai trò các bên hữu quan. Trong 511 doanh nghiệp khảo sát, chỉ có 2,5% doanh nghiệp công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử có áp dụng cho cả ban lãnh đạo và nhân viên. Để bộ quy tắc phát huy tác dụng, doanh nghiệp cần có cơ chế rõ ràng và hiệu quả của chính sách báo cáo sai phạm.
Thứ ba là vấn đề phát triển bền vững trong quản trị công ty. Các thông tin công bố về phát triển bền vững mới chỉ mang tính chất mô tả chung chung. Doanh nghiệp cần có sự đầu tư bài bản như thành lập uỷ ban phụ trách ESG (môi trường, xã hội, quản trị), đo lường công bố thông tin…
Thứ tư, trách nhiệm của hội đồng quản trị và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Hiện chỉ có 26,4% doanh nghiệp có tỷ lệ thành viên độc lập chiếm hơn 1/3 theo quy định; 10,6% doanh nghiệp thành lập ủy ban đề cử hoặc ủy ban lương thưởng và 18,8% trong số đó có chủ tịch ủy ban là thành viên độc lập.
Hội đồng quản trị sẽ thực thi hiệu quả vai trò giám sát nếu có sự phân công trách nhiệm rõ ràng bằng việc thành lập các ủy ban chuyên trách như uỷ ban kiểm toán, uỷ ban đề cử, uỷ ban thù lao - lương thưởng, uỷ ban rủi ro và các ủy ban này cần có tính độc lập ở mức cao nhất.
Về hiệu quả hội đồng quản trị, nhiều doanh nghiệp công bố cách thức quản lý các rủi ro quan trọng nhưng nhưng lại không đánh giá và nêu phương án ứng phó, kiểm soát rủi ro. Chỉ có 22% doanh nghiệp được đánh giá là có hội đồng quản trị có hoạt động giám sát ứng phó và kiểm soát rủi ro.
Đối với việc thành lập đơn vị kiểm toán nội bộ, có hơn một nửa số doanh nghiệp không có bộ phận kiểm toán nội bộ hoặc không phù hợp với quy định pháp luật. Có không ít doanh nghiệp nhầm lẫn giữa uỷ ban kiểm toán và kiểm toán nội bộ.
Thứ năm, công bố thông tin minh bạch. Trong mùa họp đại hội cổ đông, doanh nghiệp cần lưu ý gửi thư mời họp, ứng dụng công nghệ trong việc tổ chức đại hội để hỗ trợ cổ đông biểu quyết và cho ý kiến; đáp ứng các yêu cầu công bố thông tin về phát triển bền vững; quy định tóm lược tình hình nghị quyết năm trước; thành viên hội đồng quản trị độc lập đánh giá báo cáo hoạt động của hội đồng quản trị trong năm.
Báo cáo phát triển bền vững: Khuyến khích ESG
Theo ông Ren Varma, Giám đốc Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) khu vực Đông Nam Á lục địa, bằng cách đặt ra tiêu chuẩn cao theo chuẩn mực quốc tế, ACCA khuyến khích báo cáo chất lượng cao về ESG. Điều này không chỉ có lợi cho doanh nghiệp bằng cách thu hút các nhà đầu tư có trách nhiệm, mà còn bảo vệ môi trường và tăng cường quản trị doanh nghiệp.
Để cải thiện chất lượng báo cáo phát triển bền vững, ông Nguyễn Viết Thịnh, thành viên Hội đồng Bình chọn hạng mục phát triển bền vững khuyến nghị, doanh nghiệp cần trình bày đầy đủ bối cảnh xuyên suốt chuỗi giá trị, phân tích tác động và nêu rõ phát triển bền vững kèm theo các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.
Đồng thời, mô tả hệ thống quản trị về phát triển bền vững, cấu trúc quản trị, vai trò của hội đồng quản trị, đánh giá về quản lý rủi ro, cách thức đảm bảo thông tin được chính thức, các đánh giá trọng yếu gồm cả mặt tích cực và tiêu cực…
Bên cạnh đó, xác định các chỉ số, thực hiện đo lường và báo cáo, mục tiêu phấn đấu, đánh giá thực hiện các KPI (chỉ tiêu công việc), gắn kết hiệu quả về phát triển bền vững trong hiệu quả chung của công ty và có cơ chế khen thưởng, lựa chọn khung phát triển bền vững và khung báo cáo phát triển bền vững phù hợp như GRI, ISSB, SASB, TCFD, tiêu chuẩn ngành.
Sẽ có điểm cộng…
Trong tiêu chí chấm điểm báo cáo thường niên năm nay, có một số điểm về năng lượng tái tạo, xử lý nước thải…, nhưng với ngành ngân hàng hay lĩnh vực xăng dầu không có yếu tố này thì sao? Ông Nguyễn Viết Thịnh cho biết, ban đầu, Hội đồng Bình chọn chỉ hướng đến câu chuyện doanh nghiệp, nhưng sau đó nhìn rộng ra từ BIDV thì áp dụng luôn cho cả các đơn vị cung cấp tài chính xanh, nên BIDV sẽ có điểm trong câu hỏi đó.
Liên quan đến doanh nghiệp tài chính, các yếu tố môi trường như phát thải sẽ xử lý như thế nào? Ông Thịnh cho hay, Thông tư 96/2020/TT-BCT hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đã quy định những chỉ số nào cần công bố, bao gồm cả phát thải, năng lượng, nước, nhưng cũng ghi rõ, với các doanh nghiệp làm dịch vụ thì không cần công bố. Theo đó, với giải thưởng phát triển bền vững, doanh nghiệp có 2 cách để vào vòng chung khảo: có điểm chỉ số quản trị, xã hội cao nhất trong vòng sơ khảo và có báo cáo phát triển bền vững riêng. Những doanh nghiệp như BIDV, Petrolimex đã có kế hoạch làm báo cáo phát triển bền vững riêng thì sẽ tự động được vào phòng chung khảo.
Khi đã vào vòng chung khảo, các doanh nghiệp tài chính được đánh giá ra sao? Có bộ tiêu chí riêng cho các doanh nghiệp tài chính hay không? Ông Thịnh chia sẻ, hiện chưa có kế hoạch làm bộ tiêu chí riêng cho lĩnh vực tài chính, mà bộ tiêu chí hiện tại áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp.
Bà Trần Anh Đào, Trưởng ban Tổ chức Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2024 cho biết, năm nay, các tiêu chuẩn mới của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế được đưa vào tiêu chí bình chọn, giúp định hướng cho doanh nghiệp.
Hy vọng rằng, những quy định mới giúp doanh nghiệp nhìn nhận rõ hơn hướng đi, những điểm cần học hỏi và cập nhật để có kết quả thực chất nhất đem lại cho doanh nghiệp. Từ đó, nâng cao chất lượng hoạt động doanh nghiệp để thị trường chứng khoán Việt Nam có thể vươn lên sánh ngang các nước trong khi vực, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức. Các doanh nghiệp cổ đông, nhà đầu tư cũng có lợi ích thiết thực từ sự hấp dẫn của thị trường.
Giải thưởng của Cuộc bình chọn sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên tham gia, cuối cùng đem lại bước tiến về chất lượng cho thị trường để sẵn sàng nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2024 do HOSE, HNX, Báo Đầu tư và Dragon Capital Việt Nam tiếp tục phối hợp tổ chức, đây là sự kiện thường niên lần thứ 17.
Cuộc bình chọn nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả của các đối tác chuyên nghiệp như IFC, ACCA, VIOD và 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới: Deloitte, Ernst & Young, KPMG, PwC.
Lịch trình dự kiến: hoàn tất chấm sơ khảo và soát xét kết quả sơ khảo đầu tháng 9/2024, hoàn tất chấm chung khảo tháng 10/2024, công bố và trao giải vào tháng 11 - 12/2024