Một trong những trọng tâm hoạt động của HOSE là nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết.

Một trong những trọng tâm hoạt động của HOSE là nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết.

Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp niêm yết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) sẽ tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp cũng như phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý, các đơn vị vận hành thị trường và thành viên thị trường chứng khoán nhằm thúc đẩy thị trường trên các mặt giao dịch, công bố thông tin và quản trị công ty.

Các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2024

Về giao dịch, tổ chức hoạt động giao dịch chứng khoán ổn định, an toàn, thông suốt là nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên và xuyên suốt trong năm 2024 của HOSE.

Về công bố thông tin, HOSE sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghĩa vụ công ty đại chúng, hướng tới phát triển thị trường minh bạch, ổn định.

Cụ thể, Sở tăng cường giám sát doanh nghiệp niêm yết, kịp thời nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ công bố thông tin, cũng như báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các hành vi như chậm công bố thông tin, công bố thông tin sai lệch, không đầy đủ, vi phạm quy định về quản trị công ty.

Đồng thời, phối hợp với UBCK triển khai việc thực hiện báo cáo, công bố thông tin một đầu mối. Từ đầu năm 2024, UBCK đã triển khai các giải pháp công nghệ kết nối, trao đổi dữ liệu giữa UBCK và các đơn vị vận hành thị trường, trong đó có HOSE, nhằm thống nhất một đầu mối báo cáo, công bố thông tin cho các tổ chức niêm yết.

HOSE đang hoàn thiện về mặt kỹ thuật và báo cáo cơ quan quản lý thị trường để đưa hệ thống báo cáo, công bố thông tin một đầu mối vào vận hành chính thức và áp dụng đối với toàn bộ công ty niêm yết trên Sở. Việc này sẽ góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp niêm yết, tăng hiệu quả, tính kịp thời của thông tin công bố.

Về quản trị công ty, năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030.

Trong đó, một trong những mục tiêu chính là nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (tiêu chuẩn ESG) tại các doanh nghiệp niêm yết, hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế. Vì vậy, nhằm tăng cường năng lực quản trị công ty cho doanh nghiệp niêm yết, HOSE đã và đang triển khai thực hiện các công việc sau:

Thứ nhất, phối hợp với một số đơn vị trong và ngoài nước tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm tăng cường năng lực quản trị công ty cho doanh nghiệp niêm yết, phù hợp với nguyên tắc quản trị công ty của OECD/G20.

Thứ hai, thay đổi về cấu trúc điểm và trọng số Bộ tiêu chí đánh giá quản trị công ty năm 2024 trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA). Theo đó, tăng trọng số điểm của thực hành quản trị công ty theo thông lệ tốt, giảm trọng số điểm của thực hành quản trị công ty tuân thủ theo quy định pháp luật, nhằm khuyến khích doanh nghiệp niêm yết áp dụng nhiều hơn các thông lệ tốt về quản trị công ty, từ đó góp phần nâng cao điểm trung bình về quản trị công ty của Việt Nam so với quốc tế.

Thứ ba, tích cực cùng UBCK và các đối tác tham gia xây dựng Sổ tay về triển khai ESG và công bố thông tin ESG, đặc biệt là thông tin rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu trong khuôn khổ hoạt động “Thúc đẩy tài chính xanh thông qua cải thiện hoạt động công bố thông tin rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu”.

2024 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, một trong những mục tiêu chính là nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp niêm yết lên trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á.

Về dài hạn, HOSE bám sát mục tiêu chung của toàn thị trường chứng khoán, trong đó tập trung phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập, là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế và là hạt nhân cốt lõi thúc đẩy phát triển trung tâm kinh tế - tài chính TP.HCM; tiếp tục nâng cao quy mô và chất lượng niêm yết hàng hóa, chất lượng quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở, đẩy mạnh xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; phát triển HOSE thành một tổ chức lớn mạnh và bền vững với cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp trong hoạt động, có khả năng cạnh tranh với các sở giao dịch chứng khoán trong khu vực.

Niêm yết trên HOSE: Doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt hồ sơ

Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 6 mã cổ phiếu mới được đưa vào giao dịch trên HOSE, với khối lượng 1,66 tỷ cổ phiếu (tương đương 16.664 tỷ đồng theo mệnh giá), tăng 5 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 28/6/2024, HOSE có 511 mã chứng khoán đang niêm yết và giao dịch, gồm 395 mã cổ phiếu, 4 mã chứng chỉ quỹ đóng, 15 mã chứng chỉ quỹ ETF và 97 mã chứng quyền có bảo đảm, với tổng khối lượng chứng khoán niêm yết đạt gần 159 tỷ chứng khoán.

Giá trị vốn hóa cổ phiếu trên HOSE đạt hơn 5,08 triệu tỷ đồng, tương đương 50,26% GDP năm 2023 (GDP theo giá hiện hành), tăng 11,58% so với cuối năm 2023 và chiếm 93,46% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết toàn thị trường chứng khoán.

Một trong những trọng tâm hoạt động năm 2024 của HOSE là nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết thông qua việc xem xét chặt chẽ hồ sơ đăng ký niêm yết. Theo đó, để chuẩn bị tốt hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu, HOSE khuyến nghị doanh nghiệp cần lưu ý những nội dung sau:

Một là, đáp ứng điều kiện, hồ sơ niêm yết đầy đủ và hợp lệ được quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.

Hai là, doanh nghiệp cần có sự tư vấn từ các tổ chức chuyên nghiệp (công ty chứng khoán) để đảm bảo hồ sơ đăng ký niêm yết tuân thủ quy định pháp luật chặt chẽ. Các công ty chứng khoán là đơn vị tư vấn đồng hành cùng với doanh nghiệp trong việc xây dựng hoàn thiện quy trình nội bộ, đồng thời là đơn vị cùng chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và đầy đủ đối với hồ sơ niêm yết.

Công ty chứng khoán là những đơn vị tiếp cận hồ sơ, khảo sát trực tiếp tại doanh nghiệp để thẩm định các kế hoạch kinh doanh, đánh giá các rủi ro được trình bày trong bản cáo bạch.

Ba là, doanh nghiệp cần chú trọng việc lập báo cáo tài chính kiểm toán năm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về kế toán, kiểm toán. Các công ty kiểm toán đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp sự đảm bảo thông qua việc nâng cao tính độc lập trong kiểm toán báo cáo tài chính, có ý kiến kiểm toán về việc lập và trình bày báo cáo tài chính, việc tuân thủ các chuẩn mực kế toán của doanh nghiệp. Để đảm bảo chất lượng hồ sơ đăng ký niêm yết cần tăng cường trách nhiệm của đơn vị kiểm toán.

Bốn là, các thông tin trên bản cáo bạch cần chính xác, rõ ràng khi đối chiếu với các tài liệu khác có liên quan (các rủi ro đặc thù ngành; phân tích/đánh giá hoạt động kinh doanh cốt lõi; các chỉ tiêu tài chính chủ yếu; phương hướng hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tương lai cần chi tiết, có thể định lượng được; việc trình bày các rủi ro, đánh giá rủi ro liên quan đến doanh nghiệp và kế hoạch sản xuất - kinh doanh là những nội dung trong bản cáo bạch rất được nhà đầu tư quan tâm; thông tin về người nội bộ; nêu các phương pháp tính giá…).

Năm là, doanh nghiệp cần chú ý các vấn đề thường gặp gây mất thời gian bổ sung, giải trình như chưa cập nhật đầy đủ các quy định pháp luật mới; các quy trình nội bộ chưa được chuẩn hóa; chưa có đánh giá rủi ro và xây dựng phương án ứng phó rủi ro cho doanh nghiệp. Để làm được điều này, từ phía doanh nghiệp đăng ký niêm yết phải tìm hiểu/được tư vấn kỹ các quy định pháp luật về thị trường chứng khoán; đầu tư phát triển hệ thống thông tin trong doanh nghiệp để đảm bảo công bố minh bạch kịp thời.

Sáu là, doanh nghiệp cần chú ý thực hiện các quy định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, thông qua các tài liệu theo các tiêu chuẩn áp dụng cho công ty đại chúng như điều lệ, quy chế quản trị nội bộ, tuân thủ các tiêu chuẩn của thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ủy ban kiểm toán.

Tin bài liên quan