Có thể nói, sau 17 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, đóng góp cho sự phát triển của các doanh nghiệp cổ phần và tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, tương tự như các thị trường chứng khoán ở giai đoạn đầu phát triển, đà tăng trưởng “nóng” đã làm bộc lộ một số hạn chế, nhất là về chất lượng quản trị doanh nghiệp.
Nhận biết được vấn đề này, để hướng đến một thị trường chứng khoán ổn định và phát triển bền vững, các cơ quan quản lý luôn bám sát giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường thông qua các giải pháp nâng cao tính công khai, minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết, giao dịch trên thị trường và cải thiện chất lượng quản trị công ty của các công ty đại chúng.
Tầm quan trọng của cải thiện chất lượng hàng hóa
Vai trò của chất lượng hàng hóa cơ sở đối với sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán được thể hiện qua mối quan hệ giữa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Theo lý thuyết phân cấp thị trường chứng khoán, thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và tác động tương hỗ lẫn nhau.
Thị trường sơ cấp phát triển sẽ tạo nhiều hàng hóa cho thị trường thứ cấp. Ngược lại, thị trường thứ cấp sẽ tạo tính thanh khoản, tạo động lực cho thị trường sơ cấp phát triển nhanh, bền vững, duy trì sự lưu thông thuận lợi nguồn vốn trên thị trường.
Như vậy, sự phát triển cân đối thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp là một cơ sở quan trọng đảm bảo cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững, ổn định.
Mặt khác, về nguyên lý, sự công khai, minh bạch của doanh nghiệp niêm yết là cơ sở quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Việc công khai, minh bạch của doanh nghiệp thể hiện qua quy chế công bố thông tin và mô hình quản trị công ty tốt áp dụng cho các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán.
Việc thực hiện tốt quy chế công bố thông tin và quản trị công ty của mỗi doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cơ sở trên thị trường sẽ tạo ra môi trường đầu tư công khai, minh bạch trên toàn thị trường.
Đây chính là cơ sở quan trọng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường chứng khoán một cách mạnh mẽ, từ đó tăng tính thanh khoản cho hàng hóa cơ sở và mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Như vậy, có thể nói, sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng là một động lực quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp cải thiện chất lượng quản trị công ty và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa
Có thể nói, trong năm 2017, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán như Nghị định số 71/2017/NĐ-CP, Thông tư số 95/2017/TT-BTC và các Quy chế niêm yết tại Sở GDCK.
Các văn bản này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đấy tính công khai, minh bạch, chất lượng quản trị công ty tại các tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành và công ty đại chúng. Đặc biệt trong đó là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng. Nghị định đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong thực thi cam kết quốc tế trong việc nâng cao tính công khai, minh bạch của các doanh nghiệp Việt Nam.
Những quy định mới về quản trị công ty chủ yếu dựa trên 6 nguyên tắc quản trị công ty theo chuẩn mực quốc tế của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhưng có sự điều chỉnh vừa mang tính định hướng, vừa mang tính bắt buộc tuân thủ để đảm bảo phù hợp với môi trường pháp lý của Việt Nam và thực tiễn quản trị công ty của các doanh nghiệp hiện nay.
Một số hạn chế, khó khăn trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường:
- Theo kinh nghiệm quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò định hướng, hướng dẫn hoạt động quản trị công ty của doanh nghiệp. Còn lại, doanh nghiệp phải giữ vai trò chủ động trong việc nâng cao chất lượng quản trị công ty để đảm bảo công khai, minh bạch việc quản trị doanh nghiệp. Từ đó, hoạt động quản trị công ty sẽ là động lực cho việc nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, vai trò của quản trị công ty như một yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp còn chưa được tập trung tối đa. Do vậy, các doanh nghiệp này không có một mô hình quản trị công ty phù hợp với thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như nhu cầu của cổ đông, nhà đầu tư đối với việc đảm bảo tính công khai minh bạch trên thị trường chứng khoán.
- Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp khó khăn trong việc áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ quốc tế do hạn chế về nguồn lực, cũng như từ nhận thức của chủ doanh nghiệp. Quản trị công ty cần có thời gian để các doanh nghiệp làm quen và áp dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Để thực hiện việc tăng nguồn cung hàng hóa cho thị trường chứng khoán cả về chất và lượng, việc đảm bảo cầu hàng hóa cần phải có nhóm giải pháp đồng bộ đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, một số giải pháp được đưa ra như:
- Ổn định tình hình kinh tế vĩ mô đi đôi với phát triển thị trường chứng khoán. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phát triển và tái cấu trúc thị trường, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường. Tăng cường hội nhập quốc tế và đảm bảo thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế đã tham gia.
- Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán nói chung các quy định liên quan đến hoạt động phát hành, lưu thông chứng khoán nói riêng gắn liền với mục đích bảo vệ lợi ích công chúng và nhà đầu tư. Tiếp tục nghiên cứu và xem xét ban hành quy định và hướng dẫn về quản trị rủi ro cho các công ty đại chúng, đặc biệt đối với công ty đại chúng quy mô lớn;
- Củng cố, phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng của thị trường chứng khoán, từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ…
- Tăng nguồn cung hàng hóa về số lượng, chất lượng và chủng loại chứng khoán phát hành và đẩy mạnh cầu về chứng khoán. Tăng cường quản trị công ty và quản trị rủi ro, nâng cao tính minh bạch trên thị trường chứng khoán đối với các công ty đại chúng nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp, tạo sự thu hút về giá trị nội tại của doanh nghiệp.
Áp dụng nhiều biện pháp thu hút nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, phát triển các nhà đầu tư có tổ chức, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nhỏ để đẩy mạnh cầu về hàng hóa trên thị trường chứng khoán.
- Hiện đại hóa công nghệ thông tin trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin một cách hiệu quả và kịp thời, phát triển hệ thống giao dịch trực tuyến của các công ty chứng khoán, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nhà đầu tư nước ngoài, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý người hành nghề chứng khoán.
- Hoàn thiện chuẩn mực kế toán, kiểm toán áp dụng cho công ty đại chúng, góp phần minh bạch hóa thông tin tài chính của công ty, tạo dựng lòng tin cho công chúng đầu tư.
- Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (một trong những nguồn cung chủ yếu cho thị trường chứng khoán); nghiên cứu các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về cổ phần hóa đối với doanh nghiệp nhà nước.
- Tăng cường công tác giám sát thị trường, giám sát tình hình sử dụng vốn thu được từ việc phát hành chứng khoán một cách hiệu quả, cũng như việc công bố thông tin đầy đủ cho các chủ thể tham gia trên thị trường chứng khoán cập nhật đầy đủ và kịp thời.
- Tổ chức, hoàn thiện hoạt động theo dõi kiểm tra, thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để kịp thời ban hành chính sách điều chỉnh, đưa ra những chế tài xử phạt phù hợp và nâng tính trách nhiệm giữa cá nhân và công ty trong quản lý doanh nghiệp, gắn trách nhiệm cá nhân với hoạt động tập thể và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật đến từng cá nhân trên thị trường chứng khoán.