(Nguồn: Internet)

(Nguồn: Internet)

Nâng cao chất lượng BCTC: Cần sự chung tay của các bên

(ĐTCK-online) Nhận thức về lợi ích của kiểm toán để có được BCTC chất lượng là mục tiêu chính của hội thảo "Lợi ích kiểm toán và BCTC chất lượng" do Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) phối hợp với Hiệp hội Kế toán viên công chứng Australia (ICAA) tổ chức ngày 13/12. ĐTCK có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Mai, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VACPA.

Nâng cao chất lượng BCTC: Cần sự chung tay của các bên ảnh 1

Thưa ông, nhận thức chưa đúng đắn về lợi ích kiểm toán trong DN thể hiện như thế nào?

Ở Việt Nam cũng như các nước, việc kiểm toán BCTC đã trở thành thông lệ. Tuy nhiên, nhận thức về lợi ích của kiểm toán vẫn chưa đầy đủ. Khi được kiểm toán, DN luôn có cảm giác bị kiểm tra, chất vấn, bị soát xét tài liệu, thông tin mang tính chất nội bộ, phải giải trình trong khi DN phải trả tiền cho những người đến kiểm tra, soát xét, chất vấn mình. Họ thường thấy bị buộc phải kiểm toán nhiều hơn là thấy cần thiết...

Trong điều kiện kinh tế thị trường, tài sản, tiền vốn của DN không chỉ do bản thân thành viên sáng lập đóng góp mà còn được tạo ra từ nhiều nguồn như NSNN cấp, do cổ đông, NĐT đóng góp, vay ngân hàng, vay tổ chức tài chính, hình thành do mua bán chịu, mua trả góp, nợ người lao động…

Kiểm toán BCTC là công việc kiểm tra, xác nhận sự trung thực và hợp lý của BCTC trước khi công bố công khai nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng, khách quan đối với tổ chức, cá nhân có liên quan, đảm bảo BCTC không bị sai lệch, không làm méo mó, ảnh hưởng quyền lợi, nghĩa vụ của các bên.

 

Vậy, làm sao để BCTC có chất lượng hơn?

Để BCTC phản ánh trung thực, hợp lý quá trình sản xuất - kinh doanh của DN, phù hợp quy định, chuẩn mực do Nhà nước ban hành, trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất thuộc về DN, những người lập nên BCTC. Đồng thời, DN phải có trách nhiệm lựa chọn công ty kiểm toán (CTKT), kiểm toán viên (KTV) phù hợp; tạo điều kiện cho họ thực hiện công việc kiểm toán cũng như giải trình cung cấp tư liệu theo yêu cầu.

Quy định, chuẩn mực kế toán, kiểm toán của Việt Nam hiện đã khá sát với thông lệ quốc tế. Chỉ cần các bên thực hiện đúng và đủ là đảm bảo chất lượng kiểm toán.

 

DN nên lựa chọn CTKT như thế nào để kiểm toán có chất lượng cao, theo ông?

Theo tôi, để đảm bảo chất lượng của công tác kiểm toán, DN không nên lấy mức phí làm cơ sở lựa chọn CTKT bởi mức phí quá thấp sẽ không đủ để KTV thực hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm toán. Với DN lớn, tình hình tài chính phức tạp, cần thuê CTKT có thâm niên, có KTV dày dăn kinh nghiệm. Với DN có quy mô nhỏ, có tình hình tài chính không quá phức tạp, có thể thuê CTCK nhỏ với mức phí không quá cao. Việc chọn CTKT, yếu tố quan trọng nhất vẫn  là kinh nghiệm của KTV.

 

Để có BCTC tốt, CTKT là bên có trách nhiệm lớn. Thực tế, có trường hợp CTKT do vô tình, cố tình bỏ qua sai sót của DN?

CTKT và KTV có trách nhiệm rất lớn đối với chất lượng của BCTC của DN. Do vậy, để có BCTC được kiểm toán trung thực, hợp lý, trước hết, CTKT, KTV chỉ được chấp nhận kiểm toán cho những khách hàng có yêu cầu phù hợp quy định và chuẩn mực nghề nghiệp mà không được chạy theo yêu cầu không chính đáng của DN.

Trên thực tế, kiểm toán cũng là thị trường cạnh tranh và các CTKT đang thực hiện cạnh tranh bằng giá phí. Để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của DN, họ tìm mọi cách giảm chi phí bằng cách giảm công sức đầu tư cho quy trình kiểm toán. Những thủ tục đơn giản thì CTKT thực hiện đầy đủ, nhưng thủ tục phức tạp và tốn kém thường dễ bị bỏ qua. Ví dụ, thay vì làm thủ tục thay thế cho kiểm kê hàng tồn kho sau ngày kết thúc năm tài chính thì CTKT thường chỉ đưa ra ý kiến đơn giản là ngoại trừ số dư hàng tồn kho. Khi đó, mức độ hợp lý và trung thực của BCTC cũng giảm đi nhiều.

 

Theo ông, các bên liên quan như cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội, NĐT có trách nhiệm gì trong việc nâng cao chất lượng kiểm toán?

Cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, thống nhất, đồng bộ và tuyên truyền phổ cập cho DN biết và thực hiện. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các sai phạm. Cơ quan quản lý cũng cần mở rộng hơn các cuộc thi cấp chứng chỉ KTV và quản lý chặt chẽ hơn KTV hành nghề để tăng số lượng và chất lượng KTV.

Hội nghề nghiệp có trách nhiệm tham gia xây dựng VBPL, hỗ trợ cơ quan quản lý tuyên truyền, phổ biến về pháp luật; tập huấn, đào tạo hội viên nâng cao năng lực chuyên môn, kinh nghiệm. Đồng thời, tham gia kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn giảm bớt sai phạm của KTV.

NĐT, người có quyền lợi đối với tình hình tài chính của DN nên yêu cầu các đơn vị có lợi ích công chúng tuân thủ quy định về kiểm toán; yêu cầu công khai kết quả kiểm toán, xử lý sai phạm và trong trường hợp cần thiết, yêu cầu KTV giải trình. Bản thân NĐT cũng cần nâng cao trình độ để có thể đọc và hiểu BCTC và ý kiến kiểm toán để quyết định đầu tư cho phù hợp.