Câu chuyện của Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu (HLA) là ví dụ. Sau khi bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM nhắc nhở về việc chậm báo cáo tài chính quý IV niên độ tài chính 1/10/2012 - 30/9/2013, Công ty buộc phải công bố khoản lỗ ròng lên tới 131,3 tỷ đồng.
Theo Công ty, nguyên nhân thua lỗ là cạnh tranh nội bộ ngành khốc liệt dẫn đến doanh thu giảm sút. Bên cạnh đó, biến động giá nguyên liệu phức tạp hơn các năm, giá nguyên liệu bình quân quý III/2013 gần 13,9 triệu đồng/tấn, đến quý IV/2013 giảm còn gần 12 triệu đồng/tấn, Công ty lỗ do mua giá cao, bán giá thấp.
Kết quả kinh doanh cho thấy, riêng quý IV/2013, HLA lỗ gộp gần 90 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gộp 90 tỷ đồng. HLA còn phải chấp nhận luân chuyển nhanh hàng hóa, xử lý hàng tồn kho để giải quyết chi phí tài chính (riêng quý IV là 37 tỷ đồng).
Với kết quả kinh doanh không sáng sủa đó, HLA quyết định sẽ tái cơ cấu công ty nhằm duy trì ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhiều phương án được đưa ra như: tinh giản bộ máy lao động gián tiếp, cải tiến kỹ thuật, quy trình bán hàng, giảm công nợ, tối ưu hóa hàng tồn kho...
Đáng lưu ý là, Công ty dự kiến sẽ giảm chi phí tài chính một cách gián tiếp thông qua việc tập trung đẩy mạnh sản lượng, nhằm sử dụng đồng vốn vay hiệu quả hơn. Những năm vừa qua, các khoản vay hầu hết đều nằm trong các khoản mục đầu tư cố định, nên việc giảm vốn vay và giảm chi phí tài chính là không khả thi.
Nhắc đến bài toán tài chính, chắc hẳn nhiều người chưa quên câu chuyện của Gỗ Trường Thành. Năm 2007, khi nhận thấy giá gỗ nguyên liệu chất lượng cao nhập khẩu liên tục tăng giá, công ty này đã quyết định vay vốn ngắn hạn để mua lượng gỗ đủ dùng cho sản xuất trong 12 tháng.
Tuy nhiên, đến năm 2008, khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra, nhu cầu tiêu thụ gỗ giá rẻ tăng lên. Lúc này, Trường Thành lại đi vay vốn ngân hàng để mua nguyên liệu sản xuất cho các đơn hàng giá rẻ. Vậy là nợ chồng nợ, lãi vay ngày càng cao trong khi đơn hàng lại giảm. Năm 2011, Công ty trả 230 tỷ đồng lãi vay, gấp 23 lần lợi nhuận kinh doanh có được.
Như vậy, việc giải quyết hậu quả của những quyết định tài chính sai lầm là vấn đề nan giải với các doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp mà các hoạt động quản trị tài chính đưa ra trước đó đều mang tính ngắn hạn, không cân nhắc đến yếu tố rủi ro trong đầu tư.
Rõ ràng, kinh doanh là giải bài toán dòng tiền và để khơi thông vấn đề này thì phải quản lý tốt từ khâu bán hàng. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho hay, doanh nghiệp Việt Nam không đua được với thương hiệu lớn về chi phí tiếp thị, nên phải bắt đầu từ việc nhỏ nhất, gần gũi khách hàng qua hệ thống bán lẻ. Sau đó, doanh nghiệp mới đầu tư cho thương hiệu, nhà máy với công nghệ cao dần, hoàn thiện chất lượng liên tục với chi phí thấp nhất. Và sau khi ổn định thị trường nội địa, doanh nghiệp mới tính đến chuyện vươn ra xuất khẩu.
Mỗi doanh nghiệp tùy vào tình hình thực tế của mình mà lựa chọn giải pháp quản lý dòng tiền phù hợp. Để rõ hơn về vấn đề này, CEO có thể theo dõi Chương trình Chìa khóa thành công - CEO phiên bản 2013, phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình tuần này sẽ được phát sóng vào 10h sáng Chủ nhật (2/3) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (3/3).
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình Chìa khóa thành công - CEO do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Công ty cổ phần Traphaco thông qua nhãn hàng Thuốc bổ não Cebraton