Theo khảo sát của Công ty Kiểm toán PwC, chỉ 12% doanh nghiệp gia đình trên thế giới được chuyển giao tới thế hệ thứ ba, còn đa phần chỉ thành công và duy trì doanh nghiệp phát triển tới thế hệ thứ hai. Đây cũng là nguyên nhân khiến các chủ doanh nghiệp “đau đầu”, bởi chọn người kế nghiệp không chỉ là chuyển giao tài sản, mà chuyển giao cả một sự nghiệp được xây dựng qua nhiều năm.
Bởi vậy, ngay sau chương trình “CEO - Chìa khóa thành công” kỳ trước với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Bài toán kế thừa”, tình huống mà chương trình đưa ra cho vị CEO dường như đã “gãi đúng chỗ ngứa”, thu hút sự quan tâm và đưa ra nhiều bình luận trái chiều của khán giả theo dõi chương trình.
Tình huống của chương trình xảy ra tại một doanh nghiệp gia đình đang sở hữu chuỗi thẩm mỹ viện có thương hiệu uy tín trên thị trường. Bên cạnh chất lượng dịch vụ, công nghệ kỹ thuật hiện đại, yếu tố làm nên thành công cho doanh nghiệp còn đến từ sự tham gia của thế hệ con cháu lãnh đạo doanh nghiệp.
Đặc biệt, phải kể đến con ruột của CEO, một bác sỹ thẩm mỹ đã tu nghiệp loại giỏi ở nước ngoài và có 3 năm làm việc tại thẩm mỹ viện của gia đình. Với trình độ chuyên môn cao, cùng niềm đam mê với nghề, bác sỹ này đã chứng minh được năng lực chuyên môn vượt trội của mình, cũng như những đóng góp trong việc phát triển doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, HĐQT bao gồm cả CEO nhận thấy, đây là thời cơ chín muồi để mở rộng kinh doanh và chuẩn bị quá trình chuyển giao cơ nghiệp cho thế hệ con cháu.
CEO đề nghị, sắp tới sẽ đưa con cháu tham gia vào các hoạt động điều hành doanh nghiệp, chuẩn bị để chuyển giao vị trí điều hành cao nhất cho những người đã khẳng định được năng lực, trong đó có vị bác sỹ thẩm mỹ nổi tiếng kia. Tuy nhiên, đề nghị này đã vấp phải sự phản đối của các thành viên HĐQT còn lại. Họ cho rằng, một bác sỹ giỏi không có nghĩa sẽ là một CEO giỏi, bởi điều hành hệ thống thẩm mỹ viện không đơn giản giỏi chuyên môn là đủ, mà còn cần phải có khả năng và tố chất kinh doanh.
Các thành viên HĐQT đánh giá, trong bối thị trường thẩm mỹ viện cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp cần có một người điều hành giỏi về kinh doanh để chèo lái doanh nghiệp. Thế hệ con cháu vốn chỉ được đào tạo về chuyên môn thì cần để họ tập trung vào chuyên môn.
Sau số đầu tiên được phát sóng, trên Fanpage của chương trình, các khán giả đã chia làm hai phe. Nhiều ý kiến ủng hộ các cổ đông với lập luận rằng, chuyên môn y khoa tốt không đồng nghĩa sẽ điều hành bệnh viện tốt, bởi kinh doanh quản lý là việc khác. Trong khi đó, không ít ý kiến khác lại cho rằng, người không có chuyên môn thì không thể điều hành được, nhất là về ngành y.
Đây quả là một tình huống khó phân định đúng - sai, khi mà doanh nghiệp phải sớm đưa ra quyết định. CEO của chương trình đã phải nhờ tới 2 vị chuyên gia là bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam và ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái để tìm ra giải pháp cho tình huống này. Giải pháp đó là gì, tất cả sẽ được phân tích và lý giải một cách cụ thể trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này.
Thông qua chương trình, các doanh nghiệp gia đình khác cũng sẽ tìm được giải pháp hợp lý cho việc chuyển giao thế hệ tại doanh nghiệp của mình.