Sản xuất thiết bị điện tử tại Nhà máy Sparton Vietnam. Ảnh: Lê Toàn

Sản xuất thiết bị điện tử tại Nhà máy Sparton Vietnam. Ảnh: Lê Toàn

“Nắn” dòng vốn đầu tư nước ngoài

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ được “nắn” theo hướng chỉ lựa chọn những dự án đầu tư có chất lượng, phù hợp và phục vụ các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Nội hàm mới: Hợp tác đầu tư

Một thông tin quan trọng vừa được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng chia sẻ, đó là trong Nghị quyết 50-NQ/TW mà Bộ Chính trị ban hành mới đây về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, cụm từ “hợp tác đầu tư” đã được sử dụng, thay vì “thu hút đầu tư”.

“Đây là một thay đổi rất quan trọng. Điều này thể hiện sự bình đẳng và chủ động của Việt Nam trong quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời đề cao hơn nữa trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Vì chủ động, nên định hướng chiến lược của Việt Nam sẽ là ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp, dự án tốt, phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam và loại bỏ những dự án tác động xấu tới môi trường, mang lại những rủi ro cho kinh tế - xã hội Việt Nam, gồm cả an ninh, quốc phòng.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ vui mừng khi Bộ Chính trị đưa vào Nghị quyết 50 cụm từ “hợp tác đầu tư”. “Điều này chứng tỏ chúng ta có cách tiếp cận mới với vốn FDI, không phải thu hút mọi dự án, mà sẽ từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dùng công nghệ cũ, hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng”, ông Lộc nói.

Chủ trương hợp tác đầu tư với nước ngoài nhằm tranh thủ vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và thị trường xuất khẩu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đã được xác định và cụ thể hoá trong các văn kiện của Đảng ngay từ giai đoạn đầu của thời kỳ Đổi mới. Tuy nhiên, nhìn lại hành trình hơn 30 năm qua, yếu tố “thu hút” đã vượt trội hơn yếu tố “hợp tác”. Thậm chí, có giai đoạn, nhiều địa phương chấp nhận thu hút FDI bằng mọi giá.

“Mục đích của chúng ta là chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước, nhưng những điều này chưa làm được nhiều, chưa tương xứng với dòng vốn chảy vào nền kinh tế”, ông Lộc nói. Theo ông, thu hút FDI nếu không được lựa chọn thì sẽ không đạt được mục tiêu kết nối, thậm chí có thể có chuyện “chèn lấn” khu vực tư nhân trong nước.

Có lẽ, đó cũng chính là một trong những lý do khiến lần này, khi ban hành Nghị quyết số 50, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yếu tố “hợp tác đầu tư”. Tháng 10 năm ngoái, khi tổng kết 30 năm thu hút FDI, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới điều này.

Theo Thủ tướng, tới đây, Việt Nam sẽ thu hút FDI với nội hàm mở rộng hơn, không chỉ thu hút vốn mà còn hợp tác về quản lý, bảo vệ môi trường, hợp tác về lao động, đảm bảo công bằng xã hội… “Hợp tác FDI là sự chủ động, bình đẳng, có tính lựa chọn của Việt Nam. Không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì là ta nhận nấy. Cần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy.

“Nắn” dòng FDI

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã chỉ ra rất rõ những định hướng quan trọng của Việt Nam trong lựa chọn các dự án FDI giai đoạn tới. Đó là ưu tiên những dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, dự án đầu tư của các tập đoàn lớn, đồng thời thúc đẩy kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước… “Chuyện kết nối doanh nghiệp FDI và trong nước đã nói từ rất lâu rồi, nhưng chúng ta chưa làm được”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng thừa nhận.

Còn ông Vũ Tiến Lộc cảnh báo, việc kết nối không tốt khiến khu vực FDI đang tồn tại như “một ốc đảo”, không bén rễ sâu vào nền kinh tế. Và do đó, khi có những biến động, dòng vốn này hoàn toàn có thể rút khỏi Việt Nam.

Điều đó có nghĩa, dù Việt Nam muốn “nắn” dòng FDI, thì câu chuyện cũng không hề đơn giản. Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, để lựa chọn dự án tốt, phụ thuộc rất lớn vào các địa phương, họ sẽ đưa ra các tiêu chí lựa chọn dự án FDI. Nhưng để nâng cao hiệu quả của dòng vốn này, còn cần phải đẩy mạnh hợp tác giữa khu vực FDI và khu vực nội địa.

“Để làm được điều này, phải có sự chuẩn bị về nhân lực, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là thể chế. Quan trọng là phải nâng cấp được doanh nghiệp Việt”, ông Vũ Tiến Lộc nói và lý giải, việc kết nối giữa doanh nghiệp FDI và trong nước thời gian qua còn yếu chủ yếu do khả năng hấp thụ công nghệ, trình độ quản trị của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp.

“Nếu có cùng tầm nhìn, thì doanh nghiệp FDI sẵn sàng đặt doanh nghiệp Việt Nam lên vai của họ để cùng phát triển”, ông Lộc nhận định.

Đồng tình điều này, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói rằng, cùng phát triển không có nghĩa là sợ FDI mạnh quá và “kéo” họ xuống, mà phải là “đẩy” doanh nghiệp nội địa lên. “Khi nào chúng ta phát triển mạnh hơn, cao hơn thì sẽ bắt kịp họ và hợp tác tốt hơn”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.

Nhưng hợp tác đầu tư nước ngoài cũng không chỉ có nghĩa là kết nối FDI và khu vực trong nước, không chỉ là thu hút được các dự án FDI tốt, mà còn là làm sao “bắt” dòng vốn đó phục vụ các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

“Đã là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác thì khu vực FDI cũng phải thực hiện các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Có thể nói, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50, sau khi đã ban hành các nghị quyết về phát triển khu vực tư nhân, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, chứng tỏ Việt Nam một lần nữa đánh giá cao vai trò của khu vực FDI đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội.

“FDI và thương mại sẽ tiếp tục là động lực phát triển chính của Việt Nam trong thập kỷ tiếp theo”, Viện Nghiên cứu kinh tế về ASEAN và Đông Á (ERIA) nhận định và cho rằng, FDI và thương mại sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp thu công nghệ tiên phong từ các nước phát triển.

Tuy nhiên, theo ERIA, để hiện thực hóa động lực phát triển FDI, Việt Nam cần nâng cao “khả năng hấp thụ” để tiếp thu công nghệ và năng lực đổi mới sáng tạo. “Khả năng hấp thụ”, như giải thích của ông Koji Hachiyama, Giám đốc điều hành ERIA, có nghĩa là phải phát triển nguồn nhân lực với kiến thức và kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghệ cần được ưu tiên để hướng tới trở thành nền kinh tế lấy công nghệ, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng.

Rõ ràng, cần rất nhiều việc phải làm để có thể “nắn” dòng FDI.

Lọc dự án đăng ký vốn lớn, nhưng chẳng làm được bao nhiêu

Lũy kế đến nay, cả nước đã thu hút được 353,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, nhưng mới giải ngân được 203,7 tỷ USD, bằng 57,6% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Như vậy, phần vốn chưa được giải ngân vẫn còn rất lớn.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, là do độ trễ của việc xây dựng dự án, một số dự án đăng ký mới chưa kịp triển khai, nhưng cũng một phần là do có nhiều dự án vốn “ảo”, đặc biệt là dự án bất động sản, đăng ký đầu tư hàng tỷ USD nhưng giải ngân nhỏ giọt.

“Tới đây, phải hạn chế dòng vốn ảo, đăng ký to những chẳng làm được bao nhiêu cả, chỉ lựa chọn những dự án phù hợp nhất, xác đáng nhất”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.

GS-TSKH. Nguyễn Mại cũng cho rằng, việc cần làm trước tiên để triển khai thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị là phải rà soát, loại bỏ các dự án ảo. Trong số 150 tỷ USD chưa được giải ngân, phải chia làm 3 loại. Loại chưa giải ngân được do thủ tục, do khó khăn mặt bằng, thì hỗ trợ để họ đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Loại chưa giải ngân được do những khó khăn về tài chính, thì có thể xem xét hỗ trợ họ vay vốn, hoặc tạo điều kiện để liên doanh, liên kết thực hiện. Loại thứ ba, thực sự không làm được, thì cho họ thời hạn 6 tháng, không làm được thì thu hồi.

Nhưng không chỉ rà soát dự án cũ, mà tới đây, trong quá trình cấp chứng nhận đầu tư các dự án mới, cũng hết sức thận trọng với các dự án quy mô lớn, nhưng lại có yếu tố “ảo”. “Trong chuyện này, trách nhiệm của chính quyền địa phương là rất lớn”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, ở Hải Phòng, chuyện “vốn ảo” là có, nhưng không nhiều và Thành phố hoàn toàn kiểm soát được. “Chúng tôi đã xây dựng danh mục các dự án khuyến khích, kêu gọi đầu tư và cả danh mục các dự án, các lĩnh vực sẽ không thu hút đầu tư. Như vậy là đã dựng được ‘vùng cấm’ để chặn dự án xấu, dự án ảo. Bên cạnh đó, cũng tích cực kiểm tra, đôn đốc các dự án đã đăng ký mà chậm giải ngân”, ông Thành cho biết.

Tin bài liên quan