Tín dụng tiếp tục được nắn vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: Dũng Minh
Nguồn vốn sẵn sàng chờ hỗ trợ lãi suất 2%
Thông tin Chính phủ ban hành gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận với tâm lý hồ hởi. Bà Huỳnh Liên Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu giày da Liên Anh bày tỏ, chương trình hỗ trợ lãi suất này rất thiết thực với doanh nghiệp, sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu. Vì thế, không chỉ doanh nghiệp của bà mà nhiều đơn vị khác cũng mong sớm tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này đầu tư mở rộng và phát triển sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Các ngân hàng thương mại cũng sẵn sàng cho việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất. Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) cho hay, Ngân hàng đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gói vốn 200 tỷ đồng giải ngân cho chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Trong khi chờ đợi ý kiến từ cơ quan quản lý, VietCapital Bank tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên phụ trách tín dụng các quy định về gói hỗ trợ lãi suất này để khi triển khai sẽ đúng đối tượng, mục tiêu.
Ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc Eximbank cho biết, Ngân hàng đã đăng ký gói giải ngân hỗ trợ 2% lãi suất với quy mô 350 tỷ đồng trong 2 năm 2022 - 2023 và “đang tập huấn kỹ cho cán bộ, nhân viên về các quy định”.
Đánh giá đây là một chương trình hỗ trợ thiết thực cho người cần vốn, cũng như tạo điều kiện cho việc tăng trưởng tín dụng, song các nhà băng rất thận trọng, nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu phát sinh trong tương lai như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2009 - 2011.
OCB cũng đăng ký gói vốn 400 tỷ đồng theo chương trình này.
Trong khi đó, Agribank (ngân hàng 100% vốn nhà nước) thông tin, dự kiến quy mô gói vốn triển khai theo chương trình này là 6.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, lãnh đạo BIDV cho biết, đang tập trung chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện dự toán hỗ trợ lãi suất, đăng ký số lượng khách hàng, khoản vay chi tiết và đã có hơn 10.000 khách hàng đáp ứng điều kiện, trong quá trình triển khai sẽ có thêm khách hàng đăng ký hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác hỗ trợ lãi suất bảo đảm minh bạch…
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho hay, cơ quan này vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai hỗ trợ lãi suất theo quy định. Các đối tượng này sẽ được hỗ trợ lãi suất cho vay 2% từ gói ngân sách 40.000 tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023. Với trường hợp từ chối hỗ trợ lãi suất, phải có văn bản thông báo cho khách hàng.
Tín dụng tăng, vốn vào lĩnh vực ưu tiên
Dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế hồi phục đẩy cầu vốn tăng trở lại. Điều này được chứng minh qua tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng 5 tháng đầu năm 2022. Đến cuối tháng 5/2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng 8,03% so với cuối 2021 và tăng 16,9% so với cùng kỳ.
Dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM tới cuối tháng 5 tăng 27,1% so với cuối năm 2021.
Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, một số lĩnh vực gặp khó khăn thời gian qua hiện cũng có mức tăng trưởng tín dụng khá cao. Chẳng hạn, tín dụng vận tải, du lịch, dịch vụ tăng 8,25%, tín dụng công nghiệp phụ trợ tăng trên 7,6%... Điều này cho thấy dòng vốn từ hệ thống ngân hàng đang tập trung mạnh vào khu vực sản xuất - kinh doanh.
Ông Lệnh cho hay, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã và đang mang lại hiệu quả cao, hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh. Chẳng hạn, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM tới cuối tháng 5 tăng 27,1% so với cuối năm 2021, với trên 3.700 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Còn tính chung tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố tăng 8,4% trong cùng mốc thời gian. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% sẽ tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch bệnh.
Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, 56,7% các tổ chức tín dụng kỳ vọng trong quý II/2022, kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,8% trong quý II/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022. Điều này cũng củng cố các nhận định cho rằng dòng vốn ngân hàng “chảy đúng mạch” vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, chương trình hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Trước nhu cầu tín dụng tăng cao, hầu hết các ngân hàng cạn room. Để có dư địa triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, các nhà băng đã đồng loạt đề nghị Ngân hàng Nhà nước nới chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm nay.
Liên quan đến vấn đề nới room tín dụng cho các ngân hàng đang kiến nghị, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, nới hạn mức tăng trưởng tín dụng là một đề xuất rất cần thiết của các ngân hàng thương mại và cơ quan quản lý sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế. Trong đó, tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phù hợp với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác, đồng thời tạo dư địa để chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện.
Theo quy định, các đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2% là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin, hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản...
Để đảm bảo hiệu quả trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, ngân hàng đăng ký gói tín dụng với Ngân hàng Nhà nước trước khi tiến hành giải ngân cho khách hàng cần vốn. Theo lãnh đạo các nhà băng, trước mắt chưa thể xác định được khó khăn, vướng mắc, mà có thể trong quá trình triển khai sẽ phát sinh các vấn đề khác, lúc đó sẽ có kiến nghị.