Kiều hối tiếp tục chảy mạnh về nước
Theo thống kê từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 - 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong cùng thời kỳ. Nếu tính cả năm 2023 thì lũy kế đạt khoảng 206 tỷ USD.
Năm 2023, Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, lượng kiều hối chảy về Việt Nam ước đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022.
Tại tọa đàm “Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng”, tổ chức tại TP.HCM giữa tuần qua, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng, lạm phát và xung đột địa chính trị ở nhiều khu vực, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong năm 2023 vẫn đạt 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và chiếm gần 60% tổng lượng kiều hối cả nước. Lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong năm qua cao gấp 2,7 lần tổng vốn FDI vào TP.HCM và bằng khoảng 14% GRDP của TP.HCM. Ông Lệnh kỳ vọng, kiều hối chuyển về TP. HCM sẽ đạt mức tăng khoảng 20% trong năm nay.
Theo thông tin NHNN Chi nhánh TP.HCM cung cấp, quý I/2024, kiều hối chuyển về trên địa bàn Thành phố đạt 2,87 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý IV/2023 và tăng 35,4% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây.
Một số công ty kiều hối trực thuộc ngân hàng cũng cho biết, nguồn lực vàng này đã có sự tăng trưởng ngay trong quý đầu năm nay. Theo ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Kiều hối Sacombank, lượng kiều hối chuyển qua Công ty 5 năm gần đây là hơn 10 tỷ USD. Kể cả giai đoạn cao điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn ghi nhận tăng trưởng kiều hối rất mạnh từ các nước chuyển về. Đặc biệt, năm 2023, Công ty Kiều hối Sacombank đã đem về khoảng gần 4 tỷ USD, trong đó kiều hối về TP.HCM chiếm 60%. Trong quý I/2024, kiều hối chuyển về qua Công ty đạt hơn 1 tỷ USD và ông Khoa nhận định khả năng kiều hối còn tích cực.
Từ góc nhìn của TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính - bất động sản toàn cầu, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,5 triệu người và phân bố không đồng đều tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, 98% kiều bào tập trung ở 21 nước tại Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số người Việt Nam đang sinh sống ở trong nước cũng như nước ngoài nhưng kiều bào lại là lực lượng có đóng góp rất đáng kể vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Chảy vào đâu?
Nếu dòng vốn FDI có thể để lại tác động tiêu cực về môi trường, vốn ODA luôn gắn với những điều kiện ngặt nghèo kèm gánh nặng trả nợ trong tương lai thì kiều hối là dòng tiền đơn phương một chiều, không gây áp lực phải trả nợ hoặc các vấn đề khác. Là trung tâm thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước, kiều hối về TP.HCM hàng năm luôn chiếm 38 - 53% tổng mức kiều hối chuyển về Việt Nam, với mức tăng trung bình 3 - 7%/năm; riêng năm 2023 tốc độ tăng trưởng kiều hối đạt 43,3% so với năm 2022.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, NHNN không có thống kê cụ thể nguồn kiều hối “chảy” vào đâu, nhưng nguồn ngoại tệ này đi vào nền kinh tế như tiêu dùng, kinh doanh, cải thiện đời sống của người dân, xây nhà cửa…, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, an sinh xã hội.
Việc sử dụng, chi tiêu, đầu tư, kinh doanh từ kiều hối mang lại hiệu quả và khác biệt rất lớn so với các nguồn vốn ngoại tệ khác về mặt chi phí sử dụng và điều kiện sử dụng.
Thực tế, cách đây hơn 5 năm, NHNN Chi nhánh TP.HCM từng làm tiến hành thống kê về số tiền kiều hối chảy vào đâu. Kết quả cho thấy, tỷ lệ kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chiếm khoảng 70 - 72%, vào bất động sản khoảng 22%, còn lại là hỗ trợ người thân.
Theo một thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khoảng 15 - 20% kiều hối đổ về Việt Nam đã đầu tư trực tiếp vào bất động sản. TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, ở TP.HCM hiện nay, hơn 50% kiều hối được sử dụng vào đầu tư bất động sản, trực tiếp hay qua người quen, còn lại là mục đích tiêu dùng, hỗ trợ người thân.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. HCM cho biết, TP.HCM nhìn nhận tầm quan trọng của kiều hối đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, người lao động ở nước ngoài chuyển tiền về nước như không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào, chính sách cho phép người nhận giữ ngoại tệ hay gửi ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng… Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Mai, TP.HCM hiện đóng vai trò là điểm trung chuyển kiều hối, kiều hối chỉ góp phần vào kinh tế Thành phố qua thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, sử dụng các dịch vụ của Thành phố. TP.HCM chưa có cơ chế, chính sách chuyên biệt thu hút nguồn vốn của người Việt Nam ở nước ngoài đưa vào sản xuất - kinh doanh để trực tiếp thẩm thấu vào nền kinh tế địa phương; chưa có chính sách cụ thể, hữu hiệu trong việc định hướng hình thành và phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp với nhu cầu của kiều bào.
Do đó, bà Mai cho hay, Đề án “Chính sách kiều hối trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 - 2030” được xây dựng với mục tiêu: Một là, tạo hành lang chính sách, cơ sở hạ tầng giúp nguồn kiều hối trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gửi về Thành phố thuận lợi hơn và dịch chuyển tập trung sang kênh chính ngạch với hai hình thức là qua ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức tài chính, công ty chi trả kiều hối. Hai là, nắn dòng kiều hối vào hạ tầng, vào sản xuất - kinh doanh để tạo sản phẩm cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho công dân Thành phố, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào các dự án phát triển xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường tại TP.HCM…
Chuyên gia kinh tế - TS. Trần Du Lịch cho rằng, không thể huy động kiều hối một cách đơn lẻ, mà phải qua các định chế, với vai trò khởi xướng của Nhà nước, đảm bảo an toàn để thu hút kiều hối. Ông Lịch đề nghị Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP. HCM cố gắng đề xuất thí điểm một số định chế như trên, trong đó nhấn mạnh vai trò của HFIC phải là người mở đường, đồng thời nghiên cứu thêm, có nơi nào có dự án, công trình riêng lẻ cho đầu tư trái phiếu kiều hối hay không.
“Cố gắng từ năm 2025 trở đi, có được 1 - 2 dự án như vậy để tạo được nền tảng cho bước đường dài cho Thành phố sau này huy động kiều hối vào hạ tầng”, TS. Lịch nói.
Đáng chú ý, Luật Đất đai năm 2024 có thay đổi căn bản khi xác định địa vị pháp lý của người sử dụng đất thông qua tiêu chí là quốc tịch, không còn xác định theo nơi cư trú. Cụ thể, giữa cá nhân trong nước với người Việt định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có quyền tiếp cận đất đai như nhau. Như vậy, sắp tới, người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam sẽ có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam trong nước. Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không còn quốc tịch Việt Nam), Luật Đất đai sửa đổi giữ chính sách như pháp luật hiện hành. Theo quy định mới, người Việt ở nước ngoài sẽ được thừa kế, thế chấp tất cả những nhà liền thổ, sản phẩm bất động sản. Việc mua bất động sản, họ vẫn sẽ mua trong dự án, nhưng việc giới hạn số lượng sản phẩm được nới lỏng hơn. Đây sẽ là điều kiện tích cực thu hút kiều hối vào lĩnh vực bất động sản, hạ tầng.