Tình trạng hỗn loạn gây ra bởi giá thực phẩm và năng lượng tăng đang khiến các quốc gia như Sri Lanka, Ai Cập, Tunisia và Peru đau đầu. Nó có nguy cơ biến thành một khoản nợ lớn hơn và một mối đe dọa khác đối với sự phục hồi mong manh của nền kinh tế thế giới sau đại dịch.
Thêm vào đó là chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã thực hiện trong hai thập kỷ. Lãi suất Mỹ tăng đồng nghĩa với việc tăng chi phí trả nợ cho các quốc gia đang phát triển và có xu hướng thúc đẩy dòng vốn chảy ra ngoài. Và một thực tế rõ ràng là căng thẳng địa chính trị ở châu Âu đang gây ra cú sốc về lương thực và năng lượng mới nhất, cho thấy rất ít dấu hiệu kết thúc.
Rủi ro kết hợp đã đẩy Sri Lanka đến bờ vực vỡ nợ đối với trái phiếu. Theo Bloomberg Economics, một số nền kinh tế mới nổi khác từ Pakistan và Tunisia đến Ethiopia và Ghana đang có nguy cơ tương tự.
Mặc dù các nhà xuất khẩu hàng hóa của thế giới đang phát triển được hưởng lợi từ giá cao hơn, nhưng vẫn còn những rắc rối khác đang xảy ra với sự bùng phát Covid-19 mới khiến các thành phố quan trọng ở Trung Quốc bị đóng chặt và ngày càng nhiều lo lắng rằng châu Âu và Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu thế giới đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Các chủ đề nổi bật tại các cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới ở Washington tuần này là nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và những rủi ro gia tăng - có thể thấy và chưa nhìn thấy - các quốc gia đang phát triển phải đối mặt.
Sóng địa chấn
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất, IMF đã ví tác động của xung đột giống như “những cơn sóng địa chấn” tràn qua nền kinh tế toàn cầu.
IMF cũng cảnh báo về sự trở lại có thể xảy ra ở các thị trường mới nổi của loại “vòng lặp diệt vong” khiến Nga vỡ nợ vào năm 1998 đã đưa Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền và đẩy quỹ đầu cơ Long Term Capital Management đến bờ vực sụp đổ.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu và thông báo tạo ra một gói giải cứu trị giá 170 tỷ USD - lớn hơn gói ứng phó Covid-19 - cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng.
John Lipsky, nhà kinh tế tại IMF cho biết: “Chúng ta có thể thấy thảm họa này đang tiến về phía chúng ta. Sự kết hợp giữa các cú sốc kinh tế thực và thắt chặt thị trường tài chính sẽ đẩy một số lượng lớn các quốc gia có thu nhập thấp vào nhu cầu tái cơ cấu nợ”.
Tỷ lệ lạm phát toàn cầu, giá dầu, chênh lệch tín dụng ở các quốc gia thị trường mới nổi và số các quốc gia đang ở tình trạng vỡ nợ |
Vụ vỡ nợ lớn nhất đang xảy ra ở các nền kinh tế mới nổi là ở Nga vì các lệnh trừng phạt, cô lập kinh tế và việc cam kết chỉ trả nợ bằng đồng rúp có thể bị coi là vi phạm cam kết, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ là do các lệnh trừng phạt khiến đất nước này trở thành một trường hợp duy nhất. Điều đó có nghĩa là Sri Lanka, hiện là quốc gia tiên phong của cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trên diện rộng.
Đồng tiền của Sri Lanka đã giảm gần 40% trong năm nay. Tuần trước, họ đã đình chỉ các khoản thanh toán nợ nước ngoài, quyết định sử dụng những gì còn lại trong dự trữ để trang trải cho việc nhập khẩu thực phẩm và năng lượng thay vì trả cho các nhà đầu tư.
Sri Lanka có thể là quốc gia đầu tiên nhưng không phải duy nhất rơi vào tình trạng này. Bloomberg Economics đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập lên hàng đầu trong danh sách các thị trường mới nổi lớn chịu “tác động lan tỏa về kinh tế và tài chính” từ chiến sự Ukraine. Đồng thời xếp Tunisia, Ethiopia, Pakistan, Ghana và El Salvador trong số các quốc gia có nguy cơ không trả được nợ trước mắt.
Tác động trực tiếp của một vụ vỡ nợ ở 5 quốc gia trên đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ là nhỏ, nhưng các cuộc khủng hoảng ở các nước đang phát triển có lịch sử lan rộng ra ngoài điểm xuất phát của chúng.
Ziad Daoud, nhà kinh tế trưởng khu vực các quốc gia mới nổi của Bloomberg Economics cho biết: “Trong một loạt các sự kiện tín dụng ở thị trường mới nổi, tác động tiêu cực của tổng thể có thể lớn hơn tổng các phần cộng lại”.
Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán 60% các nước thu nhập thấp đang lâm vào cảnh nợ nần, hoặc có nguy cơ cao.
Các chính phủ trên khắp thế giới mới nổi đã tăng cường vay nợ để giảm bớt tác động của đại dịch. Theo IMF, chi phí giải quyết các khoản nợ đó đang tăng lên "theo chiều hướng dốc".
Một thảm họa
Sự gia tăng chi phí đi vay có thể còn tiếp tục tăng lên do những nỗ lực của Fed để chống lạm phát trong nước dẫn đến lãi suất Mỹ cao hơn. Các ngân hàng trung ương trên hầu hết các quốc gia mới nổi cũng đang tăng lãi suất chính sách khi lạm phát tăng.
Jim O'Neill, cựu nhà kinh tế của Goldman Sachs, người đã đặt ra thuật ngữ BRIC vào đầu những năm 2000 để mô tả các thị trường mới nổi đang phát triển nhanh chóng lúc bấy giờ là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Ông cho biết, môi trường hiện tại là điều không chắc chắn nhất mà ông từng thấy kể từ khi bắt đầu sự nghiệp của ông trong lĩnh vực tài chính vào đầu những năm 1980.
“Nếu chúng ta nhận thấy nguy cơ lạm phát kéo dài và các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách, đối với một số thị trường mới nổi, đó sẽ là một thảm họa”, ông cho biết.
Một dấu hiệu cho thấy rắc rối phía trước là sự kéo dài của các quốc gia trong các cuộc đàm phán giải cứu với IMF.
Ngoài Sri Lanka, các quốc gia có vấn đề cán cân thanh toán tương tự như Ai Cập và Tunisia với giá lương thực tăng nóng. Pakistan đang có lạm phát cao kết hợp với căng thẳng địa chính trị, trong khi chính phủ nước này đang cắt điện tại các hộ gia đình và ngành công nghiệp vì họ không đủ khả năng mua than hoặc khí đốt tự nhiên từ nước ngoài để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện.
Tại Ai Cập- nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới - sự biến mất khỏi thị trường cung cấp từ Nga và Ukraine đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nước này.