Tâm lý, thị hiếu cũng như các chính sách của thị trường xuất khẩu là những thông tin DN trong nước luôn muốn được cập nhật.

Tâm lý, thị hiếu cũng như các chính sách của thị trường xuất khẩu là những thông tin DN trong nước luôn muốn được cập nhật.

Nắm vững thông tin thị trường, xuất khẩu mới có cơ khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp luôn có nhu cấu cập nhật các thông tin về chiến lược, yêu cầu mới của thị trường xuất khẩu thông qua việc kết nối với các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực đang diễn biến rất khó lường, mỗi quốc gia đều có những chiến lược mới hậu Covid-19 để phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư… nhằm ứng phó với những bất ổn của nền kinh tế. Các DN Việt Nam cũng cần cập nhật các thông tin về chiến lược, yêu cầu mới của thị trường xuất khẩu thông qua việc kết nối với các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Nhiều DN sản xuất và xuất khẩu mong muốn, Bộ Công Thương cần tăng cường kết nối thông tin giữa DN với các cơ quan thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài thông qua các cuộc giao ban thương vụ định kỳ hàng tháng, từ đó có những chính sách hỗ trợ cần thiết, tư vấn thông tin, kết nối, giới thiệu hiệu quả hơn cho DN, nhất là với những đơn hàng đòi hỏi cao hơn về các tiêu chuẩn chất lượng tại những thị trường khó tính.

Đề cao vai trò về thông tin thị trường xuất khẩu đối với các DN, song theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đối với ngành rau quả hiện nay, thông tin thị trường từ các thương vụ còn chưa nhiều, chưa có cập nhật cụ thể nhu cầu, rào cản hay thuận lợi ở từng quốc gia.

Do đó, ông Nguyên mong muốn thông qua các chương trình giao ban trực tuyến với các thương vụ, các DN sẽ có thêm thông tin về thị hiếu, tiêu chuẩn chất lượng của từng thị trường. Đồng thời, các cơ quan thương vụ cũng sẽ nắm được thông tin phản hồi chuẩn xác hơn, sớm hơn từ chính các DN.

Dự báo trong những tháng cuối năm, nhiều DN ngành dệt may sẽ gặp khó khăn về đầu ra, đơn hàng bị hạn chế cho nên hoạt động tìm kiếm thị trường mới là rất cần thiết. Từ thực tế này, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho rằng, các DN không thể thiếu các thông tin về thị trường mới, tiềm năng và những thách thức của mỗi thị trường.

“Thông tin từ các thương vị sẽ giúp các DN định hình được thời điểm này thị trường nào đang tốt, ngành hàng nào dễ tiếp cận khai thác…, để hoạch định kinh doanh hiệu quả hơn”, ông Việt đề xuất.

Đánh giá hoạt động giao ban thương vụ diễn ra hàng tháng rất tốt đối với ngành gỗ nói riêng và các ngành hàng xuất khẩu khác nói chung, song ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho rằng, những cuộc họp giao ban nên mời thêm các hiệp hội tham gia. Từ đó, các hiệp hội có thể nắm thông tin một cách nhanh nhất, chính xác nhất những vấn đề mà DN từng hiệp hội quan tâm.

Thông tin thị trường theo từng chuyên đề cụ thể

Theo bà Nguyễn Hoàng Thúy, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, trong bối cảnh thế giới luôn biến động không ngừng, thông tin nhanh, nhạy bén là chìa khoá thành công cho mỗi DN. Xác định tầm quan trọng của thông tin thị trường, thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển luôn nỗ lực để trở thành “ăng ten”, "cánh tay" nối dài của DN vươn ra thế giới.

Tuy nhiên, bà Thúy cũng lưu ý, yêu cầu cung cấp thông tin chung của các DN, thị trường, địa phương, hiệp hội nên được tổng hợp thành văn bản. Trong đó nêu ra các vấn đề nổi bật như việc thay đổi chính sách của các nước sở tại có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi DN như thế nào; xu hướng tiêu dùng mới; cơ hội đầu tư, kinh doanh tại địa bàn, các cảnh báo, khuyến cáo…

“Bộ Công Thương nên xem xét để có các cuộc họp giao ban theo chuyên đề về một khu vực thị trường, hoặc 1 mặt hàng xuất khẩu cụ thể. Các sự kiện này có thể mời thêm hiệp hội, DN các ngành nghề để trực tiếp lắng nghe kiến nghị, ý kiến của DN. Đồng thời, đây cũng là dịp các thương vụ có thể chia sẻ trực tiếp về các thay đổi chính sách của thị trường”, bà Thúy nêu trọng tâm.

Giao ban chuyên đề từng ngành hàng, sản phẩm giúp các DN xuất khẩu tìm được thị trường mới.
Giao ban chuyên đề từng ngành hàng, sản phẩm giúp các DN xuất khẩu tìm được thị trường mới.

Để nâng cao hiệu quả công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu cho Bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương, phát triển sản xuất và đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu.

Với các hiệp hội, ngành hàng và DN, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị thường xuyên cập nhật tình hình của DN, chủ động cung cấp thông tin, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ, ngành liên quan, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, cùng phối hợp thực hiện có hiệu quả.

Bên cạnh đó, các DN cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định, chính sách của nhà nước, hướng dẫn của các bộ, ngành trong tổ chức sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và các quy trình, quy định, yêu cầu, điều kiện của các thị trường ngoài nước và cam kết của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã tham gia.

Tin bài liên quan