Phiên họp chiều 23/9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiếp tục phiên họp thứ 37, chiều 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán Nhà nước.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 120 (giảm 1 nhiệm vụ so với năm 2024), đồng thời phải đảm bảo kiểm toán quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương, địa phương đạt tỷ lệ tối thiểu 90% số bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin phấn đấu mục tiêu tỷ lệ 30% tổng số cuộc kiểm toán năm 2025.
Thẩm tra, đa số ý kiến tại Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, dự kiến như trên là phù hợp với yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030).
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp; đồng thời nhiều địa phương phải tập trung khắc phục hậu quả rất lớn do bão lũ gây ra để phục hồi phát triển kinh tế sau bão lũ. Theo đó, đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, cắt giảm các nhiệm vụ và các cuộc kiểm toán chưa thật sự cần thiết, trùng lặp với các kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành để bảo đảm kế hoạch kiểm toán trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, hiệu lực.
Về kiểm toán chuyên đề và kiểm toán hoạt động, báo cáo thẩm tra nêu ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét bổ sung nội dung kiểm toán về xác định giá đất, định giá, đấu giá đất do có những khó khăn khi triển khai Luật Đất đai sửa đổi. Cạnh đó, cần nghiên cứu, cân nhắc kết hợp kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất đai lồng ghép với việc xác định nghĩa vụ thu nộp ngân sách trong sử dụng nguồn lực đất đai để thực hiện các dự án nhà ở thương mại.
Về lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán nhà nước dự kiến thực hiện 13 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước; 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 5 tổ chức tài chính, ngân hàng.
Báo cáo thẩm tra phản ánh, có ý kiến cho rằng, từ thực trạng sai phạm đã được phát hiện tại một số ngân hàng thời gian qua, đề nghị Kiểm toán Nhà nước xác định lựa chọn đánh giá thực trạng tuân thủ các quy định tại các ngân hàng thương mại nhà nước đối với những nội dung, vấn đề sai phạm, bất cập qua đó phòng, ngừa hạn chế sai phạm tương tự có thể xảy ra tại hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước.
Ý kiến khác đề nghị Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu xây dựng kế hoạch kiểm toán đánh giá công tác quản lý thị trường vàng do có những tồn tại, bất cập và diễn biến tăng giảm giá bất thường trong thời gian qua.
Ngoài ra, còn có ý kiến đề xuất kiểm toán làm rõ trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc quản lý để phát sinh những sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, kiểm toán trong lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, ngân hàng làm rõ hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện chính sách tiền tệ, việc cung cấp tín dụng và kiểm toán rủi ro tín dụng, việc phát hành trái phiếu, bảo lãnh trái phiếu của các tổ chức, cá nhân liên quan.
“Nền kinh tế muốn bền vững là tài chính ngân hàng phải mạnh, các tổ chức tín dụng phải mạnh. Vấn đề này, tôi cũng đề nghị kiểm toán năm 2025 quan tâm, vừa qua, đã có xử lý ngân hàng 0 đồng, ngân hàng (Ngân hàng SCB - NV) của Vạn Thịnh Phát, chúng ta cũng cho hướng xử lý, minh bạch, công bằng, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp”, ông Mẫn nói.
Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2025 sẽ được báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, khai mạc vào ngày 21/10 tới.