Xem toàn bộ Chuyên đề của Báo Đầu tư Chứng khoán xuất bản ngày 16/12/2013 tại:
Phá rào
Cuối năm 2012, đầu năm 2013, trên các website bán hàng theo nhóm (mua chung, nhóm mua, hotdeal…) và trên mạng xã hội facebook, không thiếu những quảng cáo hấp dẫn về bảo hiểm xe máy như “mua 1 tặng 1”, “bảo hiếm 2 năm giá 65.000 đồng”…
Hỏi ra mới biết, những người rao bán bảo hiểm đa phần là các đại lý, cộng tác viên của công ty bảo hiểm thuộc hàng “ông lớn” trên thị trường.
Thậm chí, các đại lý, cộng tác viên này còn tranh thủ các giờ giải lao trên giảng đường đại học, giờ nghỉ của các cơ quan, công sở… để tiếp thị bảo hiểm xe máy giá rẻ. Sản phẩm rao bán thực tế là bảo hiểm trách nhiệm dân sự, mà theo quy định của Bộ Tài chỉnh chỉ được bán 1 năm với mức giá theo quy định là 66.000 đồng.
Tiếp theo làn sóng bán hàng trên các website là tại vỉa hè, ngã rẽ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Phú Yên, Đăklăk, Vinh…, mọc lên như nấm các điểm bán bảo hiểm giá rẻ với các banner có nội dung hấp dẫn như: “Bảo hiểm xe máy giảm giá 50%”, “Bảo hiểm 2 năm giá rẻ”,…
Không cần bàn ghế, tận dụng vỉa hè, lòng đường, những điểm dừng xe thuận tiện làm điểm giao dịch, với thủ tục mua bán nhanh gọn, các đại lý bán bảo hiểm xe máy này đã thu hút được nhiều khách đi đường.
Tuy nhiên, đa phần khách mua bảo hiểm xe máy ngoài vỉa hè đều thừa nhận, họ mua là để đối phó, chứ không chắc khi xảy ra tai nạn có được công ty bảo hiểm bồi thường hay không.
Nhiều người đặt nghi vấn, các giấy chứng nhận bảo hiểm bán ở vỉa hè không loại trừ khả năng bị làm giả nên mới được bán đại trà như vậy.
Không cần bàn ghế, các đại lý bảo hiểm xe máy tận dụng vỉa hè, lòng đường làm điểm giao dịch
Liên hệ với đại diện các công ty bảo hiểm có đại lý bán ở vỉa hè thì đều được khẳng định, công ty không có chủ trương bán hàng như vậy và khuyến nghị khách hàng nên cẩn trọng khi mua bảo hiểm tại vỉa hè, vì không ngoại trừ trường hợp giấy chứng nhận bảo hiểm được làm giả.
Mặc dù Bộ Tài chính đã có văn bản nhắc nhở trực tiếp các đơn vị có đại lý bảo hiểm giá rẻ trái quy định, nhưng thực tế hiện nay, các điểm bán bảo hiểm này vẫn nhan nhản trên các tuyến đường ở Hà Nội và TP. HCM, nhưng ít lộ liễu hơn, không để logo công ty bảo hiểm như trước mà chỉ ghi một cách bóng gió “Bảo hiểm xe máy giảm giá 20.000 đồng”.
Hỏi người bán thìđược biết, thực tế, họ vẫn bán bảo hiểm 2 năm giá 65.000 đồng hoặc 1 năm giá 35.000 đồng, còn với sản phẩm bảo hiểm được quảng cáo là giảm giá 20.000 đồng thực chất là bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe, với các hạn mức trách nhiệm là 10 triệu đồng/người và 20 triệu đồng/người, phí bảo hiểm tương ứng 10.000 đồng và 20.000 đồng.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cho biết chưa thể xử lý được hiện tượng này vì nội dung trên ấn chỉ vẫn đúng quy định, phải phát hiện tận nơi mới có thể xử phạt.
Cứu cánh của DN bảo hiểm?
Mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe và bảo hiểm tự nguyện mô tô xe máy được gần nửa năm thì chẳng may bị tai nạn khá nặng, nhưng anh Trần Q.T (TP. HCM) cũng không nghĩ đến chuyện yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường vì ngại thủ tục.
Theo quy định, sau khi xảy ra tai nạn, muốn được công ty bảo hiểm bồi thường thì người được thụ hưởng bảo hiểm phải có xác nhận của địa phương hay công an về vụ tai nạn đó. Tuy nhiên, tâm lý chung của khách hàng là nếu tai nạn không có tranh chấp thì bỏ qua việc yêu cầu bồi thường, vì “của một đồng - công một nén”.
Là nghiệp vụ dễ khai thác và có tỷ lệ bồi thường không đáng kể, do người mua có tâm lý ít đòi bồi thường như trên, nên cũng dễ hiểu vì sao thời gian qua các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đẩy mạnh nghiệp vụ này. Một công ty bảo hiểm cho biết, doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, trong đó, có bảo hiểm xe máy tăng trưởng đột biến trong năm 2013, đa phần nhờ các giải pháp bán bảo hiểm xe máy trên.
Công ty này thừa nhận, bảo hiểm xe máy là một nhân tố mới, gây bất ngờ cho Ban điều hành và là một động lực tăng trưởng cho cả DN trong điều kiện khai thác khó khăn. Thực tế, so với bảo hiểm con người (cần nhiều thời gian để tư vấn cũng như tỷ lệ bồi thường rất cao), thì bảo hiểm xe máy là một hướng đi an toàn và dễ khai thác hơn.
Một chuyên gia trong ngành bảo hiểm nhìn nhận, bán bảo hiểm ngày càng khó khăn, các dịch vụ lớn hầu hết đều rơi vào tay các DN bảo hiểm có “số má” trên thị trường, DN bảo hiểm nhỏ rất khó chen chân.
“Không đi bán bảo hiểm xe máy thì lấy gì để tăng doanh thu? Mà đã bán lẻ thì cũng phải có sáng tạo, chiêu nọ chiêu kia, nếu không cũng khó có khách hàng”, vị này nói và cho biết, trên phạm vi toàn thị trường, bảo hiểm xe cơ giới vẫn là nghiệp vụ giữ vị trí số 1 về doanh thu.
Và những hệ lụy
Dù được xem là “cứu cánh” cho tăng trưởng doanh thu trong bối cảnh kinh doanh đầy khó khăn và có tỷ lệ bồi thường không đáng kể, nhưng việc phát triển bảo hiểm xe máy không phải chỉ đem lại “trái ngọt” cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Thực tế, chi phí cho việc triển khai bán “bảo hiểm xe máy giá rẻ” không hề rẻ. Thông thường, hoa hồng trả cho đại lý bảo hiểm thường từ 60 - 65% trên 1 giấy chứng nhận bảo hiểm. Tiếp theo đó, công ty bảo hiểm phải chi trả thêm các chi phí khác để vận hành bộ máy như: chi phí in ấn chỉ, chi phí marketing, chi phí bồi thường, chi phí lương, chi phí hành chính….
Theo một cán bộ bảo hiểm, chi phí để bán bảo hiểm xe máy rất lớn, thậm chí có công ty bảo hiểm hòa được vốn đã là may!
Sau “làn sóng” bán bảo hiểm xe máy giá rẻ, nhiều công ty bảo hiểm đang phải dừng lại để chấn chỉnh nội bộ. Tốc độ tăng doanh thu quá nhanh và số lượng ấn chỉ cấp ra lớn, khiến các biện pháp quản lý hiện thời của các DN không đáp ứng kịp.
Không ít trường hợp cộng tác viên sau khi nhận nhiều quyển ấn chỉ rồi “lặn” mất tăm, gây thiệt hại lớn cho DN bảo hiểm. Thêm vào đó, doanh thu tăng đồng nghĩa với trách nhiệm bảo hiểm tăng lên, tỷ lệ bồi thường và số vụ bồi thường tăng nhanh, trong khi lực lượng giải quyết bồi thường và các quy trình chưa được chuẩn bị tương ứng là một khó khăn đối với nhiều DN.
Việc hàng loạt công ty bảo hiểm bung ra bán sản phẩm bảo hiểm xe máy giá rẻ càng làm cho bức tranh thị trường này vốn đã lộn xộn nay lại càng lộn xộn hơn.