Ông Vũ Công Trụ, chuyên gia bất động sản khu công nghiệp
Năm 2023, vốn FDI vào Việt Nam khá tốt. Nhìn sang năm 2024, ông có dự báo gì?
Với “nền” sẵn có của năm 2023, tôi cho rằng, trong năm 2024, dòng vốn mới sẽ khá mạnh mẽ, thậm chí điều này sẽ kéo dài sang cả năm 2025, sau đó có thể sẽ chậm dần lại.
Tại sao lại là sau năm 2025?
Sau dịch, dòng vốn FDI đã chậm lại đáng kể nếu so với lực chảy mạnh trước đó. Dòng vốn chủ yếu chảy vào giai đoạn từ trước năm 2025 và dòng vốn đầu tư sẽ mang tính chu kỳ. Nói cách khác, đó là việc hiện thực hóa cho nhu cầu của giai đoạn 2021-2025 mà vì nhiều lý do chưa thực hiện được. Cộng với các biến số vĩ mô, nhà đầu tư toàn cầu có thể sẽ cần thời gian và cân nhắc thêm.
Nhiều khu công nghiệp đang được phát triển, mở rộng để đón dòng vốn mới. Ảnh: Dũng Minh |
Trong thu hút đầu tư, dường như Việt Nam có được vị thế rất khác so với chỉ vài năm trước?
Có một số nhà đầu tư lớn đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội, thông qua các kênh như hiệp hội ngành nghề, ngoại giao, đối ngoại của Nhà nước… và mong muốn đa dạng hóa khả năng cung ứng của mình, thiết lập địa điểm sản xuất, một điểm cung ứng mang tính thu hút tại Việt Nam. Nhiều đơn vị phát triển đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu công nghiệp chuyên sâu đang đẩy mạnh mở rộng quỹ đất để đón sóng đầu tư mới.
Hiện tại, Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới, các hiệp định thương mại càng ngày càng phát huy hiệu quả. Chuyển biến rõ rệt nhất là thế giới đang coi Việt Nam là đối trọng nhỏ với Trung Quốc, là đòn bẩy khôi phục và phát triển kinh tế khu vực.
Ngay với Trung Quốc, họ cũng nhận thấy điều này. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang chuyển dịch mạnh sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cả với các doanh nghiệp Trung Quốc, điều này cũng không ngoại lệ.
Nhật Bản vẫn là một “khách quen”, dòng vốn từ “xứ mặt trời mọc” sang năm 2024 liệu có đột phá?
Vài năm nay, dòng vốn từ Nhật Bản đã không còn giữ vị thế quan trọng như trước. Nhìn sang năm 2024, tôi chưa cảm nhận được sâu về dòng vốn này, có thể họ cần thêm thời gian xem xét. Trong khi đó, dòng vốn từ châu Âu và Bắc Mỹ khả năng sẽ chảy mạnh.
Chúng ta đã nói khá nhiều về cơ hội, nhưng quan trọng hơn đó là việc tận dụng, biến cơ hội thành “deal” cụ thể?
Đúng vậy. Điều quan trọng với Việt Nam lúc này là khả năng đón nhận và biến khách hàng tiềm năng thành nhà đầu tư thực sự hay không. Để làm được điều đó, tôi cho rằng, các nhà phát triển dự án trong nước cần tính toán làm sao để sản phẩm, dịch vụ của mình gắn với điều kiện thị trường hiện tại có đón nhận được họ không, còn nguồn khách hàng thì có thể tự tin là luôn hiện hữu.
Có điểm nào đáng chú ý trong việc thu hút các nhà đầu tư lớn, theo ông?
Theo quan sát của tôi, hiện nay, những nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam đều ít nhiều gắn với yếu tố Hàn Quốc. Ví dụ, họ có người quản lý, lãnh đạo vùng, khu vực là người Hàn Quốc. Đây là điểm thuận lợi vì Hàn Quốc khá gần gũi với Việt Nam sau một thời gian dài là nhà đầu tư lớn. Do đó, các quyết định đầu tư có thể sẽ diễn ra nhanh hơn.
Trong khi đó, không ít tập đoàn đa quốc gia khác chưa hiểu sâu về Việt Nam nên họ sẽ cần thêm thời gian. Ngoài ra, nhà đầu tư nhóm này cũng bị phân tán nhất định khi còn quan sát thêm các thị trường khác như Indonesia, Thái Lan… Đây là những quốc gia đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong thu hút FDI.
Trong bối cảnh mới, yêu cầu mới từ nhà đầu tư, theo ông, các nhà phát triển khu công nghiệp trong nước cần phải chuẩn bị gì để “bắt khách” tốt hơn?
Các doanh nghiệp, nhà phát triển dự án trong nước sẽ cần đưa ra quy hoạch sản phẩm, concept sản phẩm - dịch vụ phù hợp với các phân khúc thị trường mà khách thuê muốn dịch chuyển sang, phải đảm bảo các dịch vụ có chất lượng: Từ tư vấn đầu tư, hỗ trợ khách thuê về thủ tục đến cung ứng các dịch vụ liên quan.
Để mở rộng tệp khách hàng, một gợi ý là cần “năng” tìm hiểu và triển khai các hoạt động hỗ trợ xúc tiến mạnh mẽ tới các hiệp hội ngành nghề tại các kênh mà nhà đầu tư lớn thường tham gia. Song, theo tôi, điều quan trọng hơn là các nhà phát triển dự án trong nước phải cam kết và thực hiện tốt, thậm chí tốt hơn cam kết thì cơ hội kinh doanh, “bắt khách” và lấp đầy dự án sẽ tốt.
Dường như trong giai đoạn tới sẽ là cơ hội cho các thị trường mới nổi, thay vì các thị trường truyền thống vốn đã chật chội, đông đúc?
Đúng vậy, cơ hội không chỉ đến với các khu, cụm công nghiệp ở các vị trí trọng điểm, chiến lược như Đồng bằng sông Hồng, khu kinh tế ven biển…, mà cả các khu sâu trong nội địa, các thị trường cấp 2 (Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định…), cấp 3 (Phú Thọ, Yên Bái...), thậm chí là những địa phương lâu nay vốn thường mang lại cảm giác ít quan tâm phát triển công nghiệp như Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk… Chúng ta có tiềm năng phát triển công nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông nghiệp và sinh thái.
Ông có đề cập đến Indonesia, Thái Lan… là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong thu hút FDI, vậy chúng ta “biết” gì về họ để đảm bảo “trăm trận không bại”?
Với Indonesia, đây là thị trường có sức mua lớn, nền công nghiệp hỗ trợ của họ cũng khá tốt, nhưng vị trí địa lý lại không thuận lợi như Việt Nam.
Với Thái Lan, quốc gia này có dịch vụ hỗ trợ tốt. Thái Lan phát triển ngành công nghiệp ô tô và chuỗi cung ứng ngành cơ khí phát triển. Do đó, theo tôi, để cạnh tranh, Việt Nam phải có chiến lược để đưa được một số nhà sản xuất quốc tế đang ở Thái Lan (thậm chí cả doanh nghiệp Thái Lan) sang Việt Nam phát triển chuỗi cung ứng, từ đó tạo nên cái nhìn khác từ thế thời, khi bản thân doanh nghiệp từ Thái Lan cũng muốn dịch chuyển để hưởng các lợi thế mà Việt Nam có được.
Trong làn sóng dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ từ bên ngoài vào Việt Nam, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến Trung Quốc và nhóm nhà đầu tư từ quốc gia này?
Không khó để thấy xu hướng ngày càng nhiều doanh nghiệp đa quốc gia hay các doanh nghiệp từ Trung Quốc Đại lục, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư vào Việt Nam với quy mô ngày càng lớn. Theo quan sát của tôi, nếu như trước đây các nhà đầu tư này thường thuê trung bình vài nghìn mét vuông/dự án thì hiện tại, khi chiến dịch dịch chuyển rõ ràng hơn, quy mô đã phình to ra nhiều, không ít dự án có quy mô vài chục héc-ta.
Trong làn sóng “xuôi Nam” của các nhà đầu tư này, phía Bắc đang là khu vực được hưởng lợi?
Đúng vậy, đa phần các dự án từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông khi dịch chuyển sang Việt Nam chọn đặt chân ở các tỉnh miền Bắc và xu hướng này sẽ còn kéo dài do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Nói chung, xu hướng địa kinh tế - chính trị thế giới đang tạo thuận lợi cho Việt Nam trong thu hút đầu tư. Nhiều nhà đầu tư quốc tế muốn hưởng lợi từ việc đưa hàng hóa vào các thị trường quan trọng, cho nên chiến lược là sang Việt Nam càng nhanh càng tốt.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn vấn đề này?
Trước đây, nhiều khu công nghiệp khó thu hút khách thuê, nhưng giờ thuận lợi hơn nhờ làn sóng đầu tư mới mạnh mẽ. Giai đoạn trước, các nhà đầu tư thường mất vài năm để thăm dò, nhưng nay chỉ cần 3-6 tháng là đã có thể ra quyết định. Nói cách khác, mọi thứ giờ đều ngắn lại và nhanh hơn, cho thấy quyết tâm của các nhà đầu tư cũng mạnh mẽ hơn trước.
Một điểm nữa, trước kia chủ yếu là các dự án thâm dụng lao động, nhưng gần đây, các dự án công nghệ cao đã xuất hiện nhiều hơn, nhà đầu tư muốn tận dụng cơ hội và độ mở của kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong mắt nhiều nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam là điểm đến an toàn cho hoạt động sản xuất của họ.
Ông Vũ Công Trụ là chuyên gia trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm và từng giữ vị trí quan trọng tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp.