Năm “quá giang” của kinh tế Nhật

Năm “quá giang” của kinh tế Nhật

(ĐTCK) Nhiều năm qua, câu chuyện kinh tế thực sự đáng quan tâm nhất ở châu Á là Trung Quốc.  Động lực tăng trưởng của khu vực trong hơn một thập kỷ qua này là nhân tố quan trọng nhất trong việc xác định nhiệt độ của nền kinh tế châu Á, thậm chí toàn cầu. Nhưng năm nay, Trung Quốc sẽ có đối thủ cạnh tranh, đó là Nhật Bản.

Nhật đang “cưỡi trên lưng hổ” với những thay đổi về căn bản trong chính sách tiền tệ, khi “liều mạng” triển khai cái gọi là… chính sách nới lỏng định lượng và định tính, hay còn gọi là QQE. Và năm nay là năm để xem chính sách mới này hoạt động thế nào? Có 3 khả năng.

Thứ nhất là gói QQE, với mục tiêu nâng lượng tiền cơ sở lên gấp đôi trong vòng 2 năm, có thể thất bại. Lạm phát sau đó vẫn sẽ lùi về con số không.

Khả năng thứ hai, nguy hiểm hơn, là “học thuyết kinh tế Abe” sẽ biến thành “học thuyết thất bại Abe”.Lạm phát sẽ vuột khỏi tầm kiểm soát, lãi suất tăng cao và nhà đầu tư bỏ chạy.

Khả năng thứ ba, được chờ đợi, là gói QQE mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Nếu tình huống tích cực này xảy ra, Nhật sẽ hướng đến mức lạm phát ổn định là 2% và tăng trưởng có thể đạt 1,5%.

Trong một cảnh báo gần đây, Frederic Neumann, kinh tế trưởng của HSBC nói rằng, cả hai động lực tăng trưởng gần đây của châu Á - gồm tiền rẻ từ Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ và tăng trưởng nhanh của Trung Quốc - đều đang “hết hơi”. “Nhưng có một động cơ thứ ba, sẽ nổi lên thúc đẩy tăng trưởng toàn khu vực trong năm 2014, đó là Nhật Bản”.

Nhật Bản là một nhà đầu tư lớn ở châu Á. Đây là một thị trường rất lớn với nền kinh tế gấp hơn hai lần kinh tế Anh. Đó cũng là một nguồn cung cấp thanh khoản khổng lồ.

Với chính sách cung tiền lớn chưa từng có, thanh khoản chảy ra từ Nhật Bản có thể giúp lấp đầy các khoảng trống bị bỏ lại khi Mỹ rút khỏi chương trình nới lỏng định lượng. Neumann ước tính, các ngân hàng Nhật, vốn đã là những nhà cho vay lớn nhất khu vực, vẫn có thể bơm thêm từ 60 đến 140 tỷ USD vào mỗi nền kinh tế Đông Nam Á.

Quan trọng hơn, các công ty Nhật đang tìm lại “thói ham ăn” của mình. Đơn cử, Suntory Beverage và Food đã không tiếc tiền, mà theo một số ý kiến là hơi quá, để thâu tóm nhà sản xuất rượu whiskey Beam Inc bằng một hợp đồng trị giá tới 16 tỷ Mỹ kim.

Ở Nhật, giá tiêu dùng là then chốt. Ông Abe đã đặt cược danh tiếng của mình vào mục tiêu lạm phát 2% trong vòng 2 năm. Cho đến nay, tình hình vẫn đang tiến triển tốt. Và năm 2014 này sẽ cho thấy liệu những gì đạt được có giữ được hay không.

Tính đến tháng 11/2013 thì lạm phát lõi là 1,2%. Vấn đề là sự tăng giá gần đây chỉ thuần túy phản ánh chi phí năng lượng nhập khẩu cao hơn do đồng yên yếu đi. Nếu loại bỏ yếu tố này thì lạm phát cũng chỉ… tàng tàng. Tuy nhiên, diễn biến giá đang mang lại hy vọng. Nếu trừ giá năng lượng, lạm phát đạt mức 0,6%, cao nhất trong vòng 15 năm qua.

Tuy nhiên, nếu tiền công không tăng thì thành quả nói trên gần như biến mất. Ông Abe đang phải dựa vào các công ty lớn để thúc đẩy lạm phát thông qua tăng lương. Nhưng ngay cả khi họ đồng ý giúp đỡ thì hiệu quả với lạm phát cũng chẳng đáng kể gì, bởi tổng số các doanh nghiệp nhỏ hơn mới có lượng nhân công nhiều nhất, mà họ lại không sẵn sàng tăng tiền công.

Ở mặt trái của vấn đề, người tiêu dùng Nhật là những người sắp bị đánh thuế nhiều hơn, với mức thuế tiêu dùng tăng thêm 3 điểm phần trăm lên 8%. Ngay cả ông Etsuro Honda, cố vấn thân cận của ông Abe, cũng nghĩ đó là một sự điên rồ. Đợt tăng thuế mà theo lịch sẽ được áp dụng từ tháng 4 đó sẽ đánh mạnh vào nhu cầu tiêu dùng.

Trong trung hạn, quan trọng là tăng trưởng tiếp tục nằm trên xu hướng bù lấp lỗ hổng sản lượng. Ông Haruhiko Kuroda, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản, đã trả lời tờ Financial Times trong tháng trước rằng, ông nghĩ lỗ hổng sản lượng là âm từ 1 đến 1,5% và nó đã co lại đáng kể. Ở tỷ lệ đó, theo ông Kuroda, sản lượng có thể tăng trưởng dương trong vòng từ 1 đến 2 năm tới.

Nhưng thậm chí lạm phát ở mức 2% cũng không phải là thuốc chữa bách bệnh. Như Martin Wolf, một nhà phân tích của Financial Times nói, Nhật sẽ không thể giải quyết được vấn đề nhân khẩu học của mình, vì bạn “không thể in ra được những đứa trẻ”. Tuy nhiên, nếu Nhật có thể kích được lạm phát lên 2% và tăng trưởng đạt 1,5% thì nền kinh tế nước này sẽ nhìn thấy một tương lai sáng sủa hơn.

Liệu Nhật có “qua sông” thành công? Tùy bạn quyết định.

Tin bài liên quan