Năm nhóm khuyến nghị doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ

0:00 / 0:00
0:00
Các khuyến nghị được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp từ các hiệp hội doanh nghiệp để chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2021 diễn ra sáng nay, 8/8/2021.

Cần một kênh thông tin cập nhật mọi văn bản điều hành về chống dịch

Kiến nghị này nằm trong nhóm kiến nghị về thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đề nghị thiết lập nhanh một kênh thông tin để cập nhật mọi văn bản chỉ đạo điều hành từ cấp trung ương tới địa phương về chống dịch.

Khi đó, doanh nghiệp, người dân nắm bắt thông tin kịp thời, đồng bộ, đảm bảo chủ động trong quá trình bố trí các phương án về nhân lực, kế hoạch lưu thông hàng hóa, tính toán các chi phí lưu thông hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu chấp hành hiệu quả chỉ đạo của chính quyền các cấp về phòng chống dịch vừa đảm bảo duy trì liên tục sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đề xuất này, Ban IV cũng chờ đợi các đối thoại với các nhóm doanh nghiệp, hiệp hội liên quan nhằm giải quyết thấu đáo, triệt để vấn đề cho doanh nghiệp.

Đây là một trong 5 nhóm vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp.

Trong nhóm kiến nghị này, các doanh nghiệp tiếp tục đề nghị xây dựng và triển khai thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất trên phạm vi cả nước, tránh tình trạng các tỉnh, thành phố tùy tiện áp dụng các biện pháp chống dịch, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lưu thông và tiêu thụ hàng hoá.

Đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc xin và ưu tiên cho đối tượng là người lao động tại các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp trong lĩnh vực vận tải, du lịch, hàng không cũng là mối quan tâm hàng đầu trong lúc này của doanh nghiệp.

Kéo dài thời gian các gói hỗ trợ

Trong nhóm kiến nghị về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phần lớn các doanh nghiệp đề nghị kéo dài thời gian thực hiện các gói hỗ trợ đã được ban hành cho doanh nghiệp đến hết năm 2021; sửa đổi, cải cách các điều kiện, quy trình, thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế...

Cùng với đó là các đề xuất bổ sung, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn trong năm 2021 và 2022, đặc biệt là các chính sách thuế như miễn, giảm, giãn, hoãn, khoanh thuế cho doanh nghiệp, bổ sung chính sách giảm thuế VAT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nguồn vốn hoặc doanh thu bị hạn chế; hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp vay thông qua cấp bù chênh lệch lãi suất vay ngân hàng từ nguồn ngân sách nhà nước...

Giảm chi phí kinh doanh

Nhóm kiến nghị thứ ba là về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh, tiếp cận nguồn lực. Các đề xuất của các doanh nghiệp logistics, du lịch... tập trung vào các đề xuất cắt giảm các chi phí đầu vào, giảm thiểu dòng tiền ra của doanh nghiệp.

Ví dụ, doanh nghiệp du lịch đề nghị giảm tiền ký quỹ cho doanh nghiệp du lịch, cho phép chuyển đổi tạm thời giấy phép lữ hành quốc tế sang giấy phép lữ hành nội địa...

Đặc biệt, các doanh nghiệp đề nghị tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất kinh doanh. Đề nghị bổ sung quy định điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng cho phép chia nhỏ diện tích cho thuê mặt bằng phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp...

Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ chỉ cần thuê diện tích nhỏ, khoảng 500-3000 m2, trong khi diện tích cho doanh nghiệp thuê theo quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế tối thiểu là 5.000m2...

Gỡ bỏ chồng chéo quy định và thúc đẩy chuyển đổi số

Nhóm kiến nghị thứ tư là về sửa đổi hoàn thiện các quy định pháp lý còn chồng chéo, gây khó khăn cho cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong nhóm này, các doanh nghiệp đã nhắc đến một số văn bản quy phạm pháp luật cần phải bổ sung chính sửa như quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản; Luật Đất đai; chính sách tạo mặt bằng sạch cho doanh nghiệp; chính sách về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Cuối cùng là nhóm kiến nghị về hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đề nghị đẩy nhanh thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất; từng bước chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hoá như: thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy phát triển các nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và y tế….

Đặc biệt, doanh nghiệp tiếp tục chờ đợi cơ chế thí điểm chính sách (sand-box) để tạo điều kiện thuận lợi cho các start-up công nghệ; có cơ chế minh bạch về nguồn dữ liệu mở thuộc khu vực công để các doanh nghiệp công nghệ có thể tiếp cận nguồn tài nguyên số để phát triển các sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo.

Khá nhiều trong số các kiến nghị đã được xử lý, như đề xuất giảm giá điện, gia hạn một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giảm giá nước, hỗ trợ dịch vụ viễn thông...

Hiện Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành chính sách giảm một số loại thuế cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong năm 2021, dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng. Đồng thời, xem xét thực hiện giảm tiền thuê đất với tổng mức khoảng 700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một số giải pháp dù có, nhưng doanh nghiệp chưa tiếp cận được, ví dụ lùi thời điểm đóng phí công đồng đến 31/12/2021. Một số hiệp hội cho biết, doanh nghiệp được lùi thời điểm phí công đoàn đến ngày 31/12 khi có số lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trở lên…

Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam: Phương tiện đi ra từ vùng dịch thì kiểm tra tại gốc

Trong văn bản gửi tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2021, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam đề nghị, khi một tỉnh, thành phố công bố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng hoặc các biện pháp phòng chống dịch cao hơn, cần phải đảm bảo lưu thông cho phương tiện vận tải trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh đó.

Các biện pháp được đề xuát là phân luồng từ xa hoặc cho xe đi theo đường vành đai để lưu thông không bị ách tắc.

Việc kiểm soát phương tiện trên đường cần phải có những nguyên tắc và phối hợp thống nhất giữa các địa phương, cần áp dụng công nghệ để giảm thiểu tới mức thấp nhất số lượng phương tiện phải dừng, thời gian một lần dừng: Phương tiện đi ra từ vùng dịch thì kiểm tra tại gốc, khi kiểm tra xong nhập dữ liệu vào hệ thống để các trạm khác không kiểm tra nữa.

"Cần phải đồng bộ trong việc thực hiện những quy định của các bộ, ngành. Tránh tình trạng như vừa qua là Bộ Y tế đã có quy định đối với lái xe thì giấy chứng nhận xét nghiệm theo phương pháp Test nhanh hay PCR đều được chấp nhận, nhưng một số địa phương vẫn chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm PCR", Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam đề nghị.

Đặc biệt, trong khi lực lượng lái xe, phụ xe chưa được tiêm vắc-xin, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng y tế ngành tổ chức các điểm xét nghiệm cho lái xe tại các trạm dừng nghỉ trên một số tuyến quốc lộ có lưu lượng phương tiện lớn để thuận tiện cho lái xe thực hiện xét nghiệm.

Tin bài liên quan