Với những thành quả đã đạt được trong năm 2020, đất nước có thêm niềm tin và động lực để bước vào năm 2021

Với những thành quả đã đạt được trong năm 2020, đất nước có thêm niềm tin và động lực để bước vào năm 2021

Năm này hơn hẳn mấy năm qua

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà kinh tế có thể dự báo được khủng hoảng kinh tế với một xác suất nhất định, nhưng không ai có thể dự báo được một đại dịch như Covid-19 lại bùng phát trong năm 2020.

Chỉ cách đây hơn một năm, các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và người dân ở các quốc gia trên thế giới vẫn còn kỳ vọng tích cực vào triển vọng của năm 2020. Ngay cả những người bi quan nhất cũng không thể nghĩ ra được một tình cảnh như những gì mà hầu hết các nước đã và đang vật lộn trong năm 2020. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dùng cụm từ “A year like no other” (tạm dịch là “Một năm không giống năm nào”) để đặt cho báo cáo thường niên 2020 của mình.

Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright)

Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright)

Đối với Việt Nam, với mức tăng trưởng GDP thực dương 2,91% trong năm nay, chỉ nhỉnh hơn 0,12 điểm phần trăm so với con số tăng trưởng của năm 1986, là mức tăng trưởng thấp nhất trong gần 35 năm kể từ sau đổi mới kinh tế. Tuy nhiên, nếu như năm 1986 là năm hiếm hoi tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn tăng trưởng bình quân của thế giới, thì năm 2020, khi kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu, dự báo âm 4,4% (theo IMF) - mức nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua kể từ cuộc đại suy thoái 1929 - 1933, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng dương đã là một thành công vô cùng ngoạn mục.

Thành quả phòng, chống Covid-19 của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, tại phiên họp toàn thể ngày 7/12 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết, đồng thuận sáng kiến của Việt Nam lấy ngày 27/12 hàng năm (ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur) làm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh. Điều này cho thấy uy tín và cũng là trách nhiệm quốc tế của Việt Nam ngày càng lớn.

Có thể nói, đối với nhiều người, “sống sót” là một điều may mắn. Trong khi cả thế giới đã có hơn 80 triệu người mắc Covid-19 với gần 2 triệu người chết, thì ở Việt Nam chỉ có khoảng 1.450 người nhiễm bệnh, trong đó, hầu hết đã hồi phục, số người chết chỉ là 35 người - thuộc tốp 5 nước có tỷ lệ người mắc bệnh trên 1 triệu dân và tốp 5 nước có tỷ lệ người tử vong trên 1 triệu dân thấp nhất thế giới

Đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nếu chúng ta biết rằng, đã có 101.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động, thì những doanh nghiệp “sống sót” đã là món quà ý nghĩa. Tuy nhiên, con số 134.900 doanh nghiệp thành lập mới cho thấy, cơ hội kinh doanh hay triển vọng kinh tế của Việt Nam chưa bao giờ suy giảm ngay cả trong điều kiện dịch bệnh.

Những con số thống kê đã cho thấy, sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam là khá tốt. Sức cầu của nền kinh tế vẫn tiếp tục được duy trì ở mức khá trong điều kiện dịch bệnh với các lệnh đóng cửa và giãn cách. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả năm đạt xấp xỉ 80% GDP, tăng 2,6% so với năm 2019 (nếu loại trừ yếu tố giá giảm 1,2%). Điều quan trọng là, sức mua tăng dần qua các quý, nhất là sau khi chạm đáy vào quý II/2020, cho thấy sự phục hồi của thu nhập và kỳ vọng lạc quan của người dân về triển vọng việc làm cũng như khả năng phục hồi kinh tế.

Cùng với tiêu dùng, đầu tư xã hội cũng đạt kết quả tích cực với mức tăng trưởng 5,7% so với năm trước, tương đương 34,4% GDP. Trong đó, vốn đầu tư khu vực nhà nước tăng đến 14,5%, trong khi khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 3,1% do những quan ngại về dịch bệnh. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 83% kế hoạch - cao nhất trong nhiều năm, cho thấy hiệu quả của một trong “5 mũi giáp công” do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy.

Cùng với đầu tư nhà nước, đầu tư ngoài nhà nước cũng đạt nhiều kết quả rất khích lệ. Mặc dù chỉ tăng 3,1% và bằng 45% so với năm 2019, nhưng gần 1 triệu tỷ đồng vốn thực hiện của khu vực này đã góp phần rất quan trọng vào việc duy trì việc làm và sức tăng trưởng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, với thành quả chống dịch và môi trường vĩ mô ổn định được duy trì trong những năm qua, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của dòng vốn quốc tế trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, trong đó gần 15 tỷ USD là vốn đăng ký mới, còn lại là các dự án điều chỉnh tăng vốn và vốn đầu tư gián tiếp thông qua góp vốn, mua cổ phần.

Từ những đợt Covid-19 bùng phát cho đến bão lũ ở miền Trung, đằng sau những chiếc máy ATM gạo, từng chiếc khẩu trang, mỗi gói mì tôm… là cả một bầu trời bao la tình cảm của nhân dân ta dành cho nhau. Đó chính là cội nguồn sức mạnh cho sự trường tồn của dân tộc ta

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của năm 2020 khi tiếp tục duy trì mức tăng khá 6,5%, đưa xuất siêu cả năm đạt hơn 19 tỷ USD.

Đặc biệt, khu vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ cho nền kinh tế với tăng trưởng đạt 2,68% - gần tương đương mức tăng trưởng bình quân chung của cả nền kinh tế. Xuất khẩu nông sản tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch ước trên 40 tỷ USD, chiếm gần 15% tổng kim ngạch xuất khẩu các ngành.

Điều quan trọng là, tỷ trọng giá trị tăng thêm trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam rất cao, nên đóng góp vào tăng trưởng còn lớn hơn tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu ở trên. Từ việc chủ yếu xuất khẩu hàng sơ chế, giờ đây, nhiều mặt hàng nông sản đã có hàm lượng chế biến sâu khá cao. Ví dụ, tỷ trọng gạo chất lượng cao đã chiếm trên 85% gạo xuất khẩu, góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân lên gần 500 USD/tấn trong năm 2020.

Công nghiệp, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tốc độ tăng 5,82%, đóng góp đến 1,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục được thúc đẩy, trong đó, tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo điện, điện tử, dược, vật tư y tế, chế biến thực phẩm, hóa chất, chế biến gỗ... tăng nhanh.

Kiên cường nhất vẫn là ngành dịch vụ, mặc dù chịu tác động nặng nề của Covid-19, nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng 2,34% so với năm 2019. Dự báo, dịch vụ sẽ là khu vực có mức tăng trưởng ngoạn mục khi Covid-19 được kiểm soát vững chắc ở cả trong nước và nước ngoài.

Cùng với chính sách kinh tế, các chính sách xã hội như giáo dục, đào tạo, chăm sóc y tế, giảm nghèo… cũng được Chính phủ quan tâm thúc đẩy. Chúng ta khó có thể đòi hỏi một chính sách đột phá hay khởi sắc như không có dịch bệnh, nhưng chúng ta cũng cần trân trọng những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương.

Đặc biệt, trong khó khăn, chúng ta lại nhìn thấy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc ta trỗi dậy. Từ những đợt Covid-19 bùng phát cho đến bão lũ ở miền Trung, đằng sau những chiếc máy ATM gạo, từng chiếc khẩu trang, mỗi gói mì tôm… là cả một bầu trời bao la tình cảm của nhân dân ta dành cho nhau. Đó chính là cội nguồn sức mạnh cho sự trường tồn của dân tộc ta.

Năm 2020 chắc chắn sẽ là năm đáng nhớ nhất với tất cả chúng ta. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Thành công không chỉ được đo bằng những gì đạt được, mà còn bởi những trở ngại đã vượt qua”. Năm 2020 chứng kiến những thành quả đạt được trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Thêm vào đó, chúng ta cũng không thể không nhắc đến những kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước thúc đẩy. Có lẽ, phần lớn chúng ta đều đồng ý rằng, năm 2020 là năm thành công nhất trong nửa thập niên qua như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nhận xét.

Năm 2021, tình hình Covid-19 ở các nước vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là sự xuất hiện biến thể virus mới. Tuy nhiên, những tiến triển rất tích cực của vắc-xin giúp chúng ta lạc quan hơn về triển vọng kiểm soát được đại dịch trên phạm vi toàn cầu. Qua đó, kỳ vọng sức cầu tiêu dùng ở các nước sẽ sớm phục hồi, đồng thời, các chuỗi cung ứng cũng sẽ được nối lại, sự dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế cũng sẽ được thúc đẩy.

Theo dự báo của IMF, năm 2021, kinh tế thế giới không chỉ phục hồi, mà còn đạt mức tăng trưởng cao lên đến 5,1% - mức cao hơn rất nhiều so với những năm trước khủng hoảng. Riêng các nước ASEAN-5 được dự báo tăng trưởng 6,2%.

Ở trong nước, sau thời gian đầu có phần khó khăn, người dân và doanh nghiệp cũng đã bắt đầu thích nghi hơn với trạng thái “bình thường mới”. Trên cơ sở cân nhắc các khả năng, Quốc hội đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm nay. Tuy nhiên, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng đề xuất nâng chỉ tiêu tăng trưởng thêm 0,5 điểm phần trăm để tạo nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 không phải là bất khả thi, nhất là trên nền tảng tăng trưởng thấp của năm nay, chưa kể, nhiều động năng tăng trưởng đã bị nén lại trong năm 2020 có thể sẽ bung ra trong năm 2021 nếu điều kiện khả quan.

Phát huy những thành quả đã được đạt, đất nước sẽ có thêm niềm tin và động lực để có thể làm tốt hơn trong năm 2021 cũng như những năm tiếp theo.

Để đạt được mục tiêu đó, trước tiên và cũng là điều kiện tiên quyết là phải tiếp tục giữ vững thành quả kiểm soát Covid-19, không ai được phép lơ là, chủ quan, cả chính quyền và người dân.

Thứ hai, phải tiếp tục duy trì sự ổn định xã hội, ổn định vĩ mô, khơi dậy các giá trị truyền thống, phát huy tinh thần dân tộc, nguồn lực của nhân dân, đón lấy thời cơ để thúc đẩy tái khởi nghiệp, tăng tốc kinh tế.

Thứ ba, cần phải đẩy mạnh tháo gỡ các nút thắt về thể chế kinh tế đang còn dang dở, nhất là việc bảo vệ quyền tài sản, thực thi hợp đồng, cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đón đầu dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế có chất lượng, năng cao năng lực nội sinh của kinh tế trong nước.

Thứ tư, phục hồi và củng cố các nền tảng tài khóa và tiền tệ để tái lập dư địa cho các chính sách nhằm ứng phó với các thách thức vĩ mô có thể nảy sinh khi kinh tế thế giới bắt đầu đảo chiều tăng tốc sau dịch.

Thứ năm, cần đẩy nhanh tốc lực để triển khai các dự án hạ tầng, đặc biệt, sớm khởi công các dự án trọng điểm quốc gia để tạo cú hích lớn cho nền kinh tế, đồng thời cũng phải thúc đẩy các dự án quy mô nhỏ ở các địa phương để giải quyết bài toán an sinh xã hội. Bên cạnh hạ tầng cứng, hạ tầng thông minh cũng cần được thúc đẩy, thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Thứ sáu, đầu tư mạnh để nâng cao chất lượng vốn con người, cùng với đổi mới và sáng tạo, đầu tư mạnh mẽ cho khoa học - công nghệ, nhất là nghiên cứu và phát triển (R&D)…

Khép lại năm 2020, chúng ta chào đón năm 2021 với một khí thế và niềm tin mới. Hãy cùng đoàn kết, hun đúc khát vọng, niềm tin và giữ vững tinh thần lạc quan, đừng thổi tắt ngọn lửa nhiệt huyết đang cháy, để cuối một năm hay một nhiệm kỳ, khi nhìn lại, ta đều tự hào mà nói rằng: “Năm này hơn hẳn mấy năm qua”.

Tin bài liên quan