Nhiều doanh nghiệp tự tin mở rộng kinh doanh trong năm 2019
Cộng đồng doanh nghiệp đang rất lạc quan vào năm 2019, khi có tới 51% doanh nghiệp trong một cuộc khảo sát bày tỏ ý định sẽ mở rộng kinh doanh trong giai đoạn tới, mặc dù bối cảnh kinh tế có những diễn biến khó lường, nhất là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Thực tế, sự chuyển dịch thương mại toàn cầu mang lại điều kiện thuận lợi cho nhiều nền kinh tế, trong đó Việt Nam được dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình này. Tuy nhiên, đó mới chỉ là cơ hội, cần thêm nhiều nỗ lực để biến cơ hội thành hiện thực, trong đó chìa khóa thành công chính là công cuộc cải cách thể chế trong nước. Hội nhập và cải cách thể chế sẽ tạo động lực chính cho sự phát triển của Việt Nam.
Hiện tại, có 2 vấn đề mà doanh nghiệp Việt cần phải đối mặt để nắm bắt các cơ hội, đó là nguồn nhân lực và đầu tư công nghệ. Theo đó, doanh nghiệp Việt đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Người lao động còn yếu trong sử dụng công nghệ tự động hóa, phân tích dữ liệu, tư duy hệ thống…
Bên cạnh đó, có tới 70% doanh nghiệp trong một cuộc khảo sát cho rằng họ gặp rào cản lớn trong quá trình tiếp cận, ứng dụng công nghệ thực tiễn tại doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ tiên tiến còn rất thấp. Thống kê cho thấy, có đến gần 40% doanh nghiệp chưa đầu tư cho bất kỳ công nghệ nào.
TIG luôn đổi mới, sáng tạo, nhanh nhạy triển khai hướng kinh doanh mới
Năm 2018 ghi nhận những bước tiến mới về cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Thế nhưng, vẫn còn đó những vướng mắc cần tháo gỡ.
Ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HÐQT, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Ðầu tư Thăng Long (TIG).
Thứ nhất, chi phí kinh doanh tại Việt Nam vẫn đắt đỏ, mà điển hình là mặt bằng lãi suất của chúng ta cao hơn nhiều so với mức các doanh nghiệp trong khu vực đang phải chi trả, ảnh hưởng không tích cực đến việc nâng cao hiệu quả kinh doanh, cũng như gia tăng tiềm lực cho doanh nghiệp. Đây là vấn đề lớn cần khắc phục trong năm 2019, để giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đón bắt được vận hội mới, đặc biệt là trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực.
Đương nhiên, để đón bắt được vận hội mới, sự vào cuộc của nhà nước thôi là chưa đủ, mà còn cần sự sáng tạo, tích cực nhập cuộc của cộng đồng doanh nghiệp.
Về phần mình, để thích ứng với bối cảnh kinh doanh nhiều biến động, TIG luôn đổi mới, sáng tạo, nhanh nhạy trong tìm kiếm và triển khai hướng kinh doanh mới để vừa phát huy được thế mạnh của Công ty, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó tiếp tục tích lũy và củng cố nguồn lực cho chiến lược phát triển bền vững của TIG, đồng thời gia tăng lợi ích cho cổ đông. Điều này đã mang lại kết quả tích cực, khi các mảng kinh doanh của Công ty trong năm 2018 tăng trưởng mạnh so với năm 2017.
Khác biệt để tạo nên giá trị
Trong năm vừa qua, HVC đã đưa vào hoạt động nhà máy tại tỉnh Hưng Yên, đóng góp lớn cho doanh thu toàn công ty, việc mở rộng hoạt động sang lĩnh vực tổng thầu cơ điện MEP cũng đón nhận những tín hiệu tốt, ví như khách hàng lâu năm của công ty là Vingroup đang chuẩn bị chào thầu 2 đại dự án Vincity, mang lại tín hiệu sáng của lĩnh vực cơ điện. Đặc biệt, trong năm 2018, HVC cũng đã kịp thời đưa cổ phiếu HVH lên niêm yết trên sàn chứng khoán.
Ông Trần Hữu Đông, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Ðầu tư và công nghệ HVC.
Ước tính năm 2018, doanh thu HVC sẽ đạt từ 470 - 480 tỷ đồng, vượt 50% kế hoạch năm đề ra. Trong đó doanh thu từ nhà máy ở Hưng Yên và hạng mục tổng thầu cơ điện MEP với giá trị hợp đồng và khối lượng công việc nhiều hơn là hai yếu tố đóng góp lớn cho sự tăng trưởng mạnh mẽ này.
HVC đặt mục tiêu tăng trưởng mỗi năm tối thiểu 50%, năm 2019 sẽ đặt kế hoạch doanh thu khoảng 700 tỷ đồng. Nhìn có vẻ nhanh nhưng mục tiêu đó nằm trong kế hoạch ngắn hạn của Công ty.
Hiện nay, với ngành nghề độc đáo và mang vị trí “người dẫn đầu”, HVC còn có lợi thế về nguồn tài chính sạch không có nợ vay và tính chất quản trị tối ưu về chi phí, nhân sự, mang tính bền vững.
Ban lãnh đạo chúng tôi đặt mục tiêu tới năm 2022, HVC sẽ lọt vào top 500 VNR (500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam) và để đạt được điều này thì có hàng nghìn việc phải làm. Cơ hội luôn đi kèm rủi ro nhưng người HVC luôn tâm niệm “Khác biệt để tạo ra giá trị”, công việc mang tính khác biệt theo hướng tích cực sẽ tạo ra giá trị. Từ lãnh đạo đến nhân viên HVC luôn cố gắng khác biệt trong từng suy nghĩ, hành động, tạo ra động lực hướng đến mục tiêu lớn năm 2022.
Năm 2019, Công ty sẽ mở rộng Nhà máy, tăng công suất
Ngành dệt may Việt Nam nói chung và ngành sợi nói riêng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2019. Một phần nhờ các đơn hàng đang đổ về Việt nam nhằm tận dụng lợi thế ưu đãi thuế quan mà các hiệp định tư do thương mại mang lại (đặc biệt là CPTPP). Một động lực nữa là các nhà nhập khẩu Mỹ lo ngại rủi ro của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ngoài ra, xu hướng đầu tư vào dệt nhuộm và công nghiệp phụ trợ những năm gần đây ở Việt Nam đã góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng dệt may và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nói chung.
Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Sợi Thế Kỷ (STK).
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, ngành dệt may trong thời gian tới sẽ có thách thức về thiếu nguồn cung nguyên vật liệu trong nước hoặc các nước châu Á (ngoài Trung Quốc). Bên cạnh đó, sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, cạnh tranh lành mạnh luôn là động lực để các doanh nghiệp cải tiến, hoàn thiện mình. Theo đó, ngành sợi cần mở rộng thêm quy mô và đa dạng hóa sản phẩm để đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn mạnh của ngành dệt may, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả để phục vụ thị trường.
Đối với riêng Sợi Thế Kỷ, năm 2019, Công ty sẽ đưa giai đoạn mở rộng của Nhà máy Trảng Bàng 5 đi vào hoạt động, nâng công suất lên hơn 5%. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Puma, Uniqlo, STK sẽ tăng tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng (như sợi sử dụng nguyên liệu tái chế và các loại sợi có tính năng đặc biệt).
Theo thông tin thu thập về nhu cầu khách hàng trong năm 2019, hầu hết các khách hàng đều có nhu cầu tăng thêm trong năm tới. Hiện nay, một số khách hàng đã đặt hàng đến tháng 4/2019.
Hướng đến đạt các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HÐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC)
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa làm việc với một công ty tư vấn quốc tế về chiến lược và quản trị để chuẩn bị cho những kế hoạch tiếp theo trong hành trình phát triển của mình. Trong đó, vấn đề mà Tập đoàn đặc biệt lưu tâm là nâng cao trình độ, hướng tới mọi tiêu chí phải đạt đẳng cấp quốc tế.
Theo đó, tất cả các công tác về an toàn lao động, mô hình kinh doanh, quản trị, vấn đề kỹ thuật, công tác hành chính nhân sự, đào tạo, tuyển dụng… đều theo tiêu chuẩn nói trên. Trong đó, lấy con người là trọng tâm, xây dựng những hệ thống chính sách giải quyết hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích công ty, khách hàng đối tác.
Hiện nay, về an toàn lao động, HBC tự tin đã đạt tiêu chuẩn quốc tế về đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng. Trên thế giới, doanh nghiệp có 1 triệu giờ lao động an toàn đã ăn mừng, Hòa Bình có 60 triệu giờ an toàn.
Duy trì chất lượng sản phẩm và tiến độ giao hàng
Với kết quả tích cực năm 2018, năm 2019, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề ra mục tiêu phát triển ngành với kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, tăng trưởng 10,8%; thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Chủ tịch HÐQT CTCP Ðầu tư và Phát triển TDT (TDT).
Tuy ngành dệt may luôn có sự tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua, nhưng vẫn còn nhiều thách thức như chi phí nhân công tăng nhanh, chi phí lương tối thiểu vùng, bảo hiểm, phúc lợi xã hội, cạnh tranh lao động với các ngành nghề khác… Chưa kể, sự phát triển của công nghệ 4.0 đòi hỏi phải đầu tư nhiều về công nghệ để bắt kịp xu thế của thế giới và câu chuyện cạnh tranh vẫn luôn diễn ra.
Đối với riêng TDT, năm 2019, Công ty đặt kế hoạch doanh thu gần 360 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế gần 28 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018. Kế hoạch này đang dựa trên năng lực hiện có của TDT và chưa bao gồm khả năng gia tăng doanh thu khi nhà máy mới đi vào hoạt động.
Trong năm 2018, TDT đã phát triển thêm một số khách hàng mới, đều là những khách hàng rất lớn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, nhờ đó đã có đủ đơn hàng để sản xuất cho đến hết quý III/2019. TDT không lo lắng về đơn hàng vì khách hàng luôn mong muốn tăng trưởng đặt hàng, nhờ Công ty luôn giữ được uy tín trong việc duy trì được chất lượng sản phẩm và tiến độ giao hàng.
Các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2019 dự báo tăng ít nhất 15%
2018 là năm đầu tiên Tập đoàn DIC chuyển đổi mô hình trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân, cũng là bước chuyển mình mạnh mẽ khi ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng. So với cùng kỳ năm ngoái, tất cả các chỉ số kinh doanh đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt, với doanh thu đạt 2.065 tỷ đồng, lợi nhuận 436 tỷ đồng, tăng trưởng 2,72 lần so với năm 2017.
Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng CTCP Ðầu tư Phát triển Xây dựng (DIG)
Năm 2019, DIC tập trung triển khai một số dự án bất động sản quy mô lớn trên khắp cả nước. Quý I/2019, Tập đoàn sẽ chính thức ra mắt khách sạn 5 sao DIC Star Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc) và khởi công dự án khu dân cư thương mại Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) quy mô hơn 70 ha. Các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2019 dự báo tăng ít nhất 15% so với thực hiện 2018 và duy trì mức chia cổ tức khoảng 15%.
Song song quá trình tái cấu trúc hệ thống công ty thành viên, DIC sẽ tiến hành việc tái định vị thương hiệu trong năm 2019. Theo đó, Tập đoàn sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực chính là đầu tư phát triển bất động sản (bao gồm bất động sản nghỉ dưỡng) và đầu tư tài chính.
Hiện DIG đang làm chủ đầu tư gần 20 dự án với quy mô đất sạch lớn tại Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bà rịa - Vũng tàu. Đây đều là những khu vực Chính phủ có chủ trương tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và là điểm đến chiến lược của nhiều nhà đầu tư bất động sản trong nước và quốc tế.
Chuẩn bị kỹ lưỡng để tiếp đà tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản
Ông Chu Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hà Ðô (HDG)
Với mức lợi nhuận năm 2018 ước đạt 720 tỷ đồng - 730 tỷ đồng, Công ty đã hoàn thành mục tiêu kinh doanh và ghi nhận tốc độ tăng trưởng hơn 200% so với năm 2017.
Bước sang năm 2019, thị trường bất động sản đang được dự báo có phần khó khăn hơn, sau giai đoạn phát triển bùng nổ trong năm 2017, 2018. Trong năm tới, chúng tôi cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng cho những bước đi tiếp theo để tiếp nối đà tăng trưởng của mình trong lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh việc tập trung vào các dự án đang đầu tư, triển khai thi công, HDG có chiến lược riêng để mở rộng quỹ đất, tận dụng từng cơ hội tích lũy quỹ đất màu mỡ vốn đã khan hiếm trên thị trường, để chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực gối đầu cho các năm tiếp theo.
Mục tiêu của HDG là duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 10% trong năm 2019 để phấn đấu kết quả kinh doanh trong 3 năm tới đều đạt trên 1.000 tỷ đồng lợi nhuận nhờ bất động sản, thủy điện, xây lắp và khách sạn, mức cổ tức dự kiến sẽ từ 35%-50% mỗi năm.
Mục tiêu xa hơn, HDG phấn đấu con số tăng trưởng quy mô tài sản 500% trong 5 năm tới và có thể đạt được với những dự án trọng điểm về bất động sản và năng lượng tái tạo đang triển khai và nguồn lực dự án mới.