Hoạt động niêm yết mới sôi động hơn sẽ gia tăng sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán

Hoạt động niêm yết mới sôi động hơn sẽ gia tăng sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán

Năm mới, mong hàng mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Ngày 17/1/2025, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đưa hơn 3,1 tỷ cổ phiếu BSR chào sàn HOSE. Thị trường kỳ vọng, thương vụ “bom tấn” này “mở hàng” cho một năm sôi động hơn của hoạt động niêm yết mới.

Tín hiệu mới sau một năm trầm lắng

Sau khi được HOSE chấp thuận cho đăng ký niêm yết đối với cổ phiếu BSR vào ngày 12/12/2024, lãnh đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn đã rốt ráo triển khai kế hoạch chuyển sàn như đã hứa tại đại hội cổ đông thường niên 2024.

Theo ông Bùi Ngọc Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị BSR, việc chuyển sàn không chỉ nâng cao tính minh bạch của BSR, mà còn giúp Công ty gia tăng cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chuyển sang HOSE, các nhà đầu tư quốc tế sẽ có nhiều cơ hội để tham gia vào cổ phiếu BSR, góp phần gia tăng tính thanh khoản và sự hấp dẫn của cổ phiếu trên thị trường. Động lực từ chuyển sàn HOSE lớn đến mức dù thị trường dầu thô biến động, biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu bị thu hẹp nhưng cổ phiếu vẫn tăng tích cực, thanh khoản từ khi có thông tin được chấp thuận chuyển sàn luôn ở tốp đầu thị trường.

Nhìn rộng hơn, việc niêm yết thành công của BSR trên sàn HOSE không chỉ có ý nghĩa đặc biệt với BSR, mà còn có những tác động tích cực không nhỏ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi BSR chính thức gia nhập HOSE, sẽ cung cấp cho nhà đầu tư một lựa chọn hấp dẫn trong ngành công nghiệp năng lượng, đồng thời có thể là ứng cử viên sáng giá cho rổ VN30. Với vốn điều lệ 31.000 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại doanh nghiệp là 92,13%, BSR hiện làm chủ công nghệ, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất an toàn, ổn định và hiệu quả. Công ty hiện đáp ứng khoảng 30 - 35% nhu cầu xăng dầu nội địa.

Thương vụ niêm yết của BSR là tín hiệu vui sau một thời gian dài hoạt động niêm yết mới đi vào trầm lắng. Năm qua, sàn HOSE chỉ đón nhận thêm vài doanh nghiệp mới như Tổng công ty Bưu chính Viettel (mã VTP), Ngân hàng TMCP Nam Á (mã NAB), Công ty cổ phần Thuỷ điện Hủa Na (mã HNA), Công ty cổ phần Mộc Châu Milk (mã MCM), Công ty cổ phần Chứng khoán Thành Công (mã TCI), Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE (mã DSE)… và gần đây nhất là Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia (mã RYG).

Năm qua, sàn HNX và UPCoM cũng đón thêm một vài tân binh, nhưng quy mô khá khiêm tốn, chưa đủ bù đắp số lượng doanh nghiệp rời sàn. Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến cuối tháng 10/2024, số lượng doanh nghiệp niêm yết tại HNX chỉ còn 312 doanh nghiệp, giảm từ mức 355 doanh nghiệp vào năm 2020.

Cũng theo HNX, trung bình mỗi năm, sàn này chỉ đón 3 - 4 doanh nghiệp niêm yết mới, trong khi số lượng doanh nghiệp hủy niêm yết tăng do việc giám sát và áp dụng các chế tài xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm. Trong 10 tháng đầu năm 2024, có khoảng 15 doanh nghiệp hủy niêm yết và 22 doanh nghiệp hủy đăng ký giao dịch.

Trên sàn HOSE, năm qua cũng chứng kiến hàng loạt cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc như HNG, HBC, DAG, TNA, APC, HU3…

Nhìn nhận “số lượng doanh nghiệp niêm yết mới đếm được trên đầu ngón tay, không giống như giai đoạn trước”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu đến từ bối cảnh thị trường chứng khoán không thật sự thuận lợi, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục khiến sức hấp dẫn của thị trường với doanh nghiệp giảm sút.

Đặc biệt, ông Huân nhấn mạnh, các tiêu chí để doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết hiện nay khắt khe hơn giai đoạn trước, vì vậy, nhiều doanh nghiệp muốn niêm yết nhưng không đủ điều kiện. Thêm vào đó, việc thực hiện các thủ tục niêm yết cổ phiếu rất phức tạp khiến không ít doanh nghiệp “ngại” lên sàn.

Các tiêu chí hiện tại đòi hỏi doanh nghiệp muốn lên sàn phải có chất lượng tốt, như phải có lãi một năm liền trước năm đăng ký niêm yết với HNX và hai năm với HOSE. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt tối thiểu 5%, không có nợ quá hạn trên 1 năm, không có lỗ lũy kế tính đến thời điểm đăng ký niêm yết và nhiều yêu cầu khác.

Kỳ vọng thị trường sôi động hơn

Thời gian qua, cơ quan quản lý nỗ lực sửa đổi các quy định theo hướng tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục lên sàn.

Năm 2024, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp cùng các sở giao dịch đưa việc đăng ký giao dịch, niêm yết theo trình tự rút ngắn thời gian để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán, từ đó có thể thu hút nguồn vốn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.

“2024 - 2025 là giai đoạn để cùng chia sẻ, rút gọn quy trình niêm yết”, bà Phạm Thị Thuỳ Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng chia sẻ tại một cuộc toạ đàm do Báo Đầu tư tổ chức.

Đến nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất rút ngắn quy trình niêm yết chứng khoán, tổ chức đăng ký niêm yết phải đưa chứng khoán vào giao dịch trong vòng 30 ngày kể từ ngày sở giao dịch chứng khoán chấp thuận đăng ký niêm yết, rút ngắn 60 ngày so với quy định cũ.

Nhận định về hoạt động niêm yết mới của doanh nghiệp trong năm 2025, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, hoạt động này có sôi động hay không phụ thuộc rất lớn vào việc nâng hạng thị trường. Nếu kế hoạch nâng hạng diễn ra theo đúng dự báo của nhiều thành viên thị trường là vào tháng 9/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đón dòng vốn lớn từ bên ngoài chảy vào, thúc đẩy hoạt động IPO cũng như niêm yết cổ phiếu sôi động hơn.

“Hiện một số doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ, chỉ cần thị trường bùng nổ sẽ là thời điểm thích hợp để niêm yết. Cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện hồ sơ, thủ tục”, ông Huân kiến nghị.

Đáng chú ý, mới đây, Bộ Tài chính đã xây dựng và triển khai lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2017/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên quy định về điều kiện doanh nghiệp cổ phần hóa phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại Điều 4, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm a, khoản 2, Điều 1, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP), nhưng bổ sung một số trường hợp loại trừ. Quy định mới này được cho là sẽ tháo gỡ một trong những điểm nghẽn lớn nhất cho công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước liên quan đến quy hoạch cơ sở nhà đất do doanh nghiệp nhà nước đang sở hữu, nắm quyền quản lý, khai thác. Thị trường đang chờ đợi thông tin về kế hoạch cổ phần hóa của doanh nghiệp lớn.

Theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025, có 19 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa, bao gồm một số doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Tổng công ty Khánh Việt, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai...

Bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đưa cổ phiếu lên niêm yết, Nhà nước cần nghiên cứu, khuyến khích các doanh nghiệp FDI niêm yết, niêm yết chéo hoặc niêm yết một phần. Với sự tham gia của các doanh nghiệp FDI, hàng hoá trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được cải thiện cả về chất và lượng, tăng tính hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Tin bài liên quan