Ẩn số chính sách của Fed
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn đối với thị trường chứng khoán Mỹ cũng như toàn cầu trong năm 2022, nhưng bởi những lý do có phần hơi khác so với năm 2021. Sau khi thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ để kích thích sự phục hồi kinh tế, Fed hiện đang dự kiến thắt chặt van bơm tiền bằng việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu và tăng lãi suất trở lại mức mà họ coi là chính sách trung lập (2,5%/năm).
Fed cần bắt đầu thực hiện các chính sách vì nhiệm vụ kép của Fed là thúc đẩy thị trường lao động và giữ lạm phát ở mức trung bình 2%. Khi năm 2022 bắt đầu, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm trở lại mức trước đại dịch, trong khi lạm phát ở mức cao hơn 2%. Do đó, không còn lý do gì để Fed giữ lãi suất ở mức 0% và mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng.
Nhưng với sự ảnh hưởng to lớn đối với thị trường chứng khoán của Fed thì việc thay đổi các chính sách dù đã được dự báo từ trước vẫn có thể gây ra những phản ứng không thể lường trước được trên thị trường. Nhìn lại năm 2015, Fed tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và ngay lập tức đã có phản ứng dữ dội từ thị trường.
Tuy vậy, ông Jurrien Timmer, Giám đốc vĩ mô của Bộ phận Phân bổ tài sản toàn cầu của Fidelity dự đoán rằng, lạm phát ở mức cao như hiện nay của Mỹ sẽ không kéo dài. Vì vậy, ông kỳ vọng thị trường cổ phiếu sẽ duy trì được đà tăng.
Một số ý kiến khác cho rằng, lạm phát hiện ở mức 6-7%, bởi nhiều công ty đã có lượng hàng tồn kho nhiều gấp đôi trong vài tháng qua, do những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu các công ty có thể xử lý hết lượng hàng tồn kho dư thừa và chuỗi cung ứng được nối lại như trước đại dịch thì lạm phát có thể chậm lại.
Nếu điều đó xảy ra, Fed có thể giữ nguyên kế hoạch ban đầu là tăng dần lãi suất trong một vài năm, thay vì bị buộc phải thắt chặt chính sách nhanh hơn mức mà thị trường có thể chịu đựng được để kìm chế lạm phát.
Tâm lý lạc quan vẫn bao trùm
Theo ông Jonathan Golub, Giám đốc chiến lược của Credit Suisse, ông đang nhận thấy sự lạc quan hơn về triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022. Công ty đã nâng mức dự đoán chỉ số S&P 500 năm 2022 lên 5.200 điểm, thay vì mức 5.000 điểm trước đó. Đây là mức tăng ước tính gần 11% so với năm nay.
Ông Golub lý giải, triển vọng tích cực này dựa trên những dự báo về sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cả trên thực tế và lý thuyết, tỷ suất lợi nhuận tăng thêm trong các nhóm chu kỳ, lượng cầu tăng bất chấp việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.
Credit Suisse cũng nâng dự báo lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của S&P 500 năm 2022 lên 235 USD, tăng từ mức 230 USD trong dự báo trước đó và trong dự báo mới nhất cũng giả định rằng việc tăng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không có hiệu lực ngay trong năm 2022.
Đáng chú ý, Credit Suisse đã hạ dự báo tăng trưởng của ngành tài chính và chăm sóc sức khỏe xuống do dự đoán rằng triển vọng tăng trưởng của hai ngành này sẽ yếu hơn vào năm 2022.
Goldman Sachs cũng lạc quan hơn khi dự báo chỉ số S&P 500 sẽ tăng lên 5.100 điểm vào cuối năm 2022, đánh dấu mức tăng gần 9% so với thời điểm hiện tại. Theo David Kostin, Trưởng chiến lược gia cổ phiếu Hoa Kỳ của Goldman Sachs, EPS của S&P 500 sẽ tăng 8% lên 226 USD vào năm 2022 và tiếp tục tăng 4% lên 236 USD vào năm 2023, đồng thời bày tỏ kỳ vọng rằng tỷ suất lợi nhuận tổng hợp của S&P 500 sẽ tăng thêm 40 điểm cơ bản để đạt 12,6% trong năm tới.
Tuy nhiên, tổ chức đầu tư này cảnh báo nên tránh đầu tư vào các công ty có chi phí nhân công cao và ưu tiên đầu tư vào các công ty có tỷ suất lợi nhuận cao, thay vì đầu tư vào các cổ phiếu tăng trưởng có tỷ suất lợi nhuận thấp hoặc không có lãi.
Morgan Stanley là trường hợp hiếm hoi đưa ra dự đoán rằng giá cổ phiếu sẽ đi xuống trong năm tới. Mike Wilson, Giám đốc chiến lược của Morgan Stanley nhận định, chỉ số S&P 500 sẽ giảm xuống còn 4.400 điểm vào năm 2022, giảm khoảng 6,3% so với thời điểm kết thúc năm 2021. Sự sụt giảm này sẽ bị gây ra bởi nhiều yếu tố như giá cổ phiếu đang ở mức cao và tăng trưởng thu nhập bị giảm tốc.
Châu Á-Thái Bình Dương sẽ là tâm điểm
Việc các chính phủ sẽ thúc đẩy chương trình kinh tế số cũng như thương mại điện tử của họ đến đâu là nhân tố quan trọng để dự đoán các kịch bản sau Covid-19. Sự hợp tác dựa trên nền tảng kinh tế số được coi là một trong những vấn đề chính của thúc đẩy thương mại trong năm 2022.
Tiếp theo đó, sự hợp tác kinh tế của 15 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2022.
RCEP hiện là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới bao gồm 30% dân số thế giới, với khối lượng kinh tế và thương mại cũng chiếm 30% toàn cầu. Đây cũng là thông tin được giới chuyên gia đánh giá là tích cực đối với kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc và Đài Loan cùng nộp đơn xin gia nhập Hiệp định thương mại tự do toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và việc thúc đẩy các hợp tác đa phương như thể chế hóa Đối thoại an ninh bốn bên (Quad), sự xuất hiện bất ngờ của Thỏa thuận an ninh ba bên Úc - Anh - Mỹ (AUKUS) trong năm nay cho thấy "tâm điểm" của thế giới trong năm tới vẫn sẽ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chứ không phải các khu vực khác.
Về phía Mỹ, khu vực kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng sẽ được Mỹ hoạch định nhằm thay thế cho Hiệp định CPTPP mà Mỹ đã thông báo rút lui trước đó để tạo sự đối trọng với Hiệp định RCEP do Trung Quốc dẫn dắt.
Có thể thấy Mỹ và các nước đồng minh thân thiết như Nhật và Úc đang nỗ lực phối hợp chặt chẽ nhằm ngăn chặn và làm giảm sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Không chỉ với Anh, Mỹ đã bắt đầu tìm thấy nhiều điểm chung hơn với Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề Trung Quốc.
Đối với bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Anh (CEBR) nhận định, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ được nâng lên nhờ sự phục hồi từ đại dịch, mặc dù nếu lạm phát vẫn tiếp diễn sẽ có nguy cơ đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Vấn đề quan trọng hiện nay là cách các nền kinh tế thế giới đối phó với lạm phát. Nếu không, thế giới sẽ phải gồng mình chống chọi với suy thoái vào năm 2023 hoặc năm 2024.
Cùng mối lo chung về vấn đề lạm phát tác động đến bức tranh kinh tế toàn cầu, Tổng giám đốc Tổ chức và Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann cho rằng, lạm phát tăng đột biến là rủi ro chính đối với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu năm 2022.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, OECD cho rằng, tăng trưởng toàn cầu dự kiến đạt 5,6% trong năm 2021 trước khi giảm xuống 4,5% vào năm 2022 và 3,2% vào năm 2023. Một rủi ro khác đó là tác động của đại dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể Omicron sẽ làm các nước lại phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, từ đó đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.