Tuy nhiên, nếu lợi nhuận sau thuế đạt cao hơn kế hoạch 25% thì đại hội ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định điều chỉnh tăng cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng không vượt quá tỷ lệ 15%.
Việc trình kế hoạch tăng tỷ lệ cổ tức chi trả bằng cổ phiếu ngay tại đại hội cho thấy, Ban lãnh đạo NLG tự tin vào khả năng thực hiện vượt kế hoạch và có thể vượt tỷ lệ 25%.
Đây là tín hiệu mà các nhà đầu tư vào cổ phiếu NLG cần đặc biệt lưu ý, nhất là sau khi giá cổ phiếu NLG đã giảm mạnh chỉ còn hơn 33.000 đồng/cổ phiếu dưới áp lực của kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu và xu thế điều chỉnh của thị trường chứng khoán trong tháng 4 và tháng 5.
Năm 2018, NLG đặt kế hoạch doanh thu đạt 3.855 tỷ đồng, tăng 22% và lợi nhuận đạt 614 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm trước. Trước đó, năm 2017, NLG tăng trưởng 38% về doanh số, tăng 51% về doanh thu và tăng 59% về lợi nhuận sau thuế.
Nếu NLG có thể hoàn thành vượt 25% kế hoạch lợi nhuận năm nay thì con số lợi nhuận tuyệt đối đạt được là 767,5 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) là 4.060 đồng, tính trên vốn điều lệ hiện tại là 1.886 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng trưởng trong giai đoạn 2018 - 2020 của NLG là doanh số tăng lên 32.000 tỷ đồng, doanh thu đạt 12.384 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.526 tỷ đồng, tăng lần lượt 78%, 314%, 133% so với giai đoạn 2015 - 2017.
Tính bình quân thì trong giai đoạn 2018 - 2020, NLG dự kiến mức tăng trưởng doanh số bán sản phẩm là 38%/năm, doanh thu toàn tập đoàn tăng 81%/năm và lợi nhuận công ty mẹ tăng 34%/năm.
“Với kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao trong 3 năm tới, chúng tôi khá tự tin khi thực hiện phát hành cổ phiếu thông qua đấu giá. Nguồn vốn huy động từ đợt đấu giá này sẽ được sử dụng đầu tư vào dự án 355 ha đất tại Long An, quỹ đất tiềm năng quan trọng của Nam Long để tạo ra các bước phát triển vượt bậc tiếp theo cho Tập đoàn”, bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Đầu tư, NLG chia sẻ.
Theo kế hoạch, Nam Long sẽ phát hành tối đa 40 triệu cổ phần ra công chúng dưới hình thức đấu giá. Giá khởi điểm được xác định bằng chiết khấu 30% bình quân giá thị trường của cổ phiếu NLG trong 60 phiên giao dịch gần nhất tính đến thời điểm Hội đồng quản trị quyết định giá khởi điểm và không thấp hơn 120% giá trị sổ sách cuối năm 2017.
Việc lựa chọn hình thức đấu giá công khai trước tiên nhằm phản ánh khách quan giá thị trường của cổ phiếu NLG, đem lại lợi ích tối đa cho doanh nghiệp, thay vì phát hành riêng lẻ mà thông thường bên phát hành phải chiết khấu một tỷ lệ nhất định cho bên mua theo hình thức thỏa thuận. Mặt khác, việc đấu giá công khai cổ phiếu ra đại chúng sẽ giúp cải thiện số lượng cổ phiếu NLG giao dịch tự do trên thị trường, từ đó giúp tăng thanh khoản, thu hút dòng vốn của nhà đầu tư lớn.
Số vốn huy động dự kiến từ 890 - 1.100 tỷ đồng sẽ được NLG sử dụng để đầu tư dự án hiện hữu, đặc biệt là Dự án Warter Point Long An quy mô 365 ha và mở rộng quỹ đất tại TP.HCM, Hà Nội, các khu vực lân cận, cũng như phát triển bất động sản thương mại.
Theo thông tin của Báo Đầu tư Chứng khoán thì kế hoạch kinh doanh của NLG tại thời điểm này vẫn chưa tính hết tiềm năng của Dự án WaterPoint Long An khi dự án này được “mở khóa”. Giá trị sổ sách của NLG tại thời điểm cuối năm 2017 ghi nhận giá trị của WaterPoint Long An ở mức giá vốn, mức giá này thấp hơn nhiều giá thị trường hiện nay.
Nam Long đặt mục tiêu cùng các đối tác Nhật Bản “mở khóa” quỹ đất trên trong năm nay. Theo tinh thần mà các đối Nhật Bản phát biểu tại buổi lễ công bố hợp tác Khu đô thị Akari City toạ lạc tại quận Bình Tân, TP.HCM thì Nam Long và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ công bố dự án hợp tác thứ 5 và các dự án tiếp theo.
Warter Point Long An là dự án không nằm ngoài mục tiêu hợp tác vì đây là dự án hấp dẫn ở thời điểm hiện nay. NLG đã hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án hơn 95% và chuẩn bị đầu tư làng nhà mẫu theo mô hình quốc tế để chuẩn bị đưa dự án vào khai thác. Như vậy, NLG đã có những bước đi cụ thể để khai thác, phát triển dự án này.
Nếu NLG đạt được thỏa thuận hợp tác với các đối tác Nhật Bản thì Dự án WaterPoint Long An sẽ được ghi nhận theo định giá thị trường, đem lại cho Công ty khoản lợi nhuận lớn, khi góp vốn liên doanh bằng giá trị đất.
Các dòng sản phẩm vừa túi tiền của NLG là căn hộ biệt lập Flora và nhà liền thổ Valora đang được thị trường đón nhận với các kỷ lục bán hàng liên tục được thiết lập. Theo ông Steven Chu, Tổng giám đốc NLG, nhu cầu nhà ở vừa túi tiền vẫn rất lớn.
“Nếu chúng ta quan sát số liệu thống kê thì tổng nguồn cung 28.400 căn trong quý I/2018, trong đó 69% là phân khúc hạng C. Các công ty bất động sản mở bán sản phẩm vừa túi tiền đều có kết quả tốt vì thị trường rộng lớn và tăng trưởng. Nguồn cung khoảng 20.000 căn hộ vừa túi tiền trong một năm với các thành phố như TP.HCM là không đủ”, ông Steven Chu nói và cho biết, NLG đặt kế hoạch giai đoạn 2018 - 2020 đưa ra thị trường 15.800 sản phẩm, trong đó Valora là 2.400 sản phẩm, Flora là 11.000 sản phẩm và Ehome là 2.400 sản phẩm.
NLG tự tin với kế hoạch phát triển dự án và chào bán sản phẩm ra thị trường trong thời gian tới. Điểm khác biệt tạo nên giá trị cạnh tranh của NLG so với các dự án khác là Công ty phát triển dự án quy mô lớn, đồng bộ, mang dáng dấp của một khu đô thị. NLG không chỉ xây một tòa nhà, mà tập trung đầu tư nhiều vào thiết kế quy hoạch kiến trúc nhằm tạo dựng môi trường sống hoàn thiện.
Thông qua hợp tác với đối tác Nhật Bản, nhiều tiêu chuẩn mới đã được NLG đưa vào áp dụng. Chẳng hạn, ở Mizuki Park, dự án vừa lập kỷ lục mở bán thành công 500 căn hộ chỉ trong một ngày, môi trường cảnh quan được tập trung đầu tư, toàn bộ dự án được thiết kế đảm bảo trong vòng 50 năm không ngập, đường thiết kế không lún…
NLG tự tin vào kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm tới, dựa vào tiềm năng của thị trường và năng lực cạnh tranh vượt trội của các dòng sản phẩm mà Công ty phát triển.