NLG cho biết, số vốn 459 tỷ đồng huy động từ những NĐT nêu trên sẽ được đầu tư cho các dự án Ehome trong thời gian tới. Tuy nhiên, ý nghĩa lớn nhất từ đợt phát hành này, theo ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT NLG là: “Trong lúc thị trường khó khăn, việc tìm được những người bạn thấu hiểu và muốn đồng hành lâu dài cùng mình mới là điều đáng quý!”.
Đến nay, IFC đã đầu tư 7,5 triệu USD vào NLG và có thể sẽ cung cấp thêm khoản vay để hỗ trợ NLG xây dựng các căn hộ Ehome trong kế hoạch phát triển dòng sản phẩm nhà vừa túi tiền, với quy mô 8.000 căn hộ cho người có thu nhập trung bình ở TP. HCM đến năm 2017.
“Quá trình đô thị hóa khiến giá đất tăng mạnh, dẫn đến vấn đề nghiêm trọng là thiếu hụt nhà ở với chi phí phù hợp cho người dân. Như ở TP. HCM, đến cuối năm 2012, những căn hộ nhắm đến đối tượng người mua lần đầu và vợ chồng trẻ chiếm chưa đến 2% nguồn cung. Vì vậy, chúng tôi đầu tư vào Nam Long khi nhìn thấy lợi ích từ việc đầu tư 8.000 căn hộ giá hợp lý, có tiến độ triển khai và chất lượng tốt, cơ sở hạ tầng được nâng cao, giúp người có thu nhập trung bình đạt được ước mơ sở hữu một ngôi nhà”, ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực IFC nói.
Không chỉ hỗ trợ về tài chính, IFC còn hỗ trợ NLG thực thi chuẩn mực quốc tế về sử dụng năng lượng hiệu quả trong phát triển bất động sản. NLG sẽ áp dụng giải pháp kỹ thuật, thiết kế, sử dụng vật liệu xanh khi xây dựng nhà ở để sử dụng năng lượng hiệu quả, giúp người sử dụng sản phẩm của NLG cắt giảm được chi phí sử dụng năng lượng, nhất là chi phí sử dụng điện.
Các cổ đông mới của NLG chia sẻ, họ nhìn thấy tiềm năng lớn của NLG. Trao đổi với ĐTCK, ông Tony Ngo, Giám đốc Bridger Capital Việt Nam nói: “Khi nhìn vào công ty bất động sản, chúng tôi không nhìn vào lợi nhuận năm nay, mà nhìn vào tổng tài sản, đánh giá từng dự án có tốt hay không và ước tính dòng tiền để tính giá trị tài sản ròng (NAV) trong tương lai. Nếu nhìn vào NAV thì mức giá hôm nay của NLG là rất hấp dẫn”. Có mặt tại Việt Nam từ năm 2006, Bridger hiện chỉ đầu tư vào VNM, NLG và một công ty trong lĩnh vực cảng biển.
Tổng giám đốc HSC, ông Johan Nyvene cho hay, ông đang sống trong một dự án của Nam Long, nên ông tin tưởng chất lượng sản phẩm mà Nam Long tạo ra.
“Là nhà tư vấn tài chính, vừa là nhà đầu tư, chúng tôi tin tưởng rằng, một khi doanh thu và lợi nhuận của Nam Long được phản ánh đầy đủ thì dư địa để cổ phiếu NLG tăng giá còn nhiều. HSC sẽ tư vấn để NLG thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng, giúp NĐT đại chúng có cơ hội đầu tư cổ phiếu NLG”, ông Johan nói.
Theo báo cáo tài chính của Nam Long, trong con số hàng tồn kho và nợ phải trả, chiếm phần lớn là nhà đang xây dựng chuẩn bị bàn giao cho khách hàng, quỹ đất để phát triển dự án trong tương lai và tiền mua nhà khách hàng đóng theo tiến độ xây dựng. Tại thời điểm bàn giao nhà, các khoản nợ phải trả này sẽ được hạch toán thành doanh thu và lợi nhuận tương ứng.
Một điểm đáng lưu ý cho các NĐT đại chúng quan tâm đến cổ phiếu NLG đó là "room" cho NĐT nước ngoài được khóa lại trước khi thực hiện đợt phát hành riêng lẻ nêu trên sẽ được mở lại. Tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài ở NLG hiện là 43,6% vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng giám đốc NLG cho hay, nhờ quy trình xây dựng niềm tin của khách hàng, đối tác, NĐT được NLG chú trọng và xây dựng từ nhiều năm qua, đến thời điểm này, NLG đã vượt qua được tiêu chuẩn đầu tư khắt khe của IFC, khẳng định vị thế mới của mình trên thị trường tài chính, cũng như tăng thêm niềm tin của khách hàng.
Năm 2014, NLG dự kiến đưa ra thị trường 2.000 căn hộ, gấp đôi con số thực hiện năm 2013. Để thực hiện kế hoạch này, NLG sẽ chú trọng hơn đến các giải pháp tài chính cho khách hàng, tích cực đàm phán với các ngân hàng để đưa ra những gói vay tốt nhất. Chiến lược từ nay đến năm 2016 của NLG là tiếp tục đẩy mạnh và giữ vị trí dẫn đầu thị trường trong phân khúc nhà vừa túi tiền thông qua ít nhất 5 dự án Ehome khác đang được chuẩn bị triển khai. Mục tiêu đến năm 2020 của NLG là đạt doanh số 1 tỷ USD, tương ứng tăng trưởng 30 - 40% mỗi năm.