Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh
Thiếu nước cho phát điện
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã REE), diễn ra vào ngày 29/3 vừa qua, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chia sẻ: “Có ba vấn đề đối với mảng thuỷ điện trong năm nay. Đầu tiên, năm nay là cao điểm El Nino, nên các nhà máy thuỷ điện tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên chỉ đạt sản lượng thấp. Thứ hai, dòng tiền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn không tốt. Thứ ba, trước đây, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia giao sản lượng hàng năm cho các nhà máy, còn giờ thì là giao theo tháng, sản lượng giao cho các nhà máy lại không phù hợp với tình hình thực tế về lượng nước.
Ngoài ra, dù giao sản lượng cao, họ vẫn không huy động, vì có giai đoạn ưu tiên cho các nhà máy “trượt COD” vì giá sẽ rẻ hơn (nhiều nhà máy điện năng lượng mặt trời không kịp vận hành thương mại trước thời hạn áp dụng chính sách giá FIT đạt được thỏa thuận bán điện cho EVN chỉ bằng 50% giá FIT - PV). Giai đoạn khác, họ ưu tiên huy động điện mặt trời, để giữ nước cho các quý mùa khô…”.
Hiện tượng thời tiết El Nino (với đặc trưng nhiệt độ cao hơn và lượng mưa ít hơn) quay trở lại từ năm ngoái đã ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh mảng điện - mảng kinh doanh chính của REE. Năm qua, mảng này ghi nhận 4.801 tỷ đồng doanh thu, 1.315 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 10,5% và 21,1% so với năm 2022. Riêng các nhà máy thủy điện giảm 12,84% sản lượng điện thương phẩm, với 6.173 triệu kWh.
Trên cơ sở dự báo hiện tượng EI Nino có thể duy trì đến tháng 6/2024, REE lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế của mảng năng lượng (bao gồm thuỷ điện, điện mặt trời và điện gió) năm nay giảm 7,1% so với năm 2023, về 1.220 tỷ đồng.
Trong báo cáo phân tích gần đây, Công ty Chứng khoán BSC nhận định, xác suất xảy ra hiện tượng EI Nino vẫn duy trì ở mức cao trong giai đoạn 5 tháng đầu năm. Các dự báo đang cho thấy cái nhìn thận trọng đối với doanh nghiệp thuỷ điện trong năm 2024 khi mà hiện tượng EI Nino đã và đang ảnh hưởng trên quy mô rộng.
Chậm thu hồi nợ, dòng tiền bị ảnh hưởng
Tại VSH, công nợ phải thu với EVN lên tới 1.171 tỷ đồng vào cuối năm 2023.
Bên cạnh vấn đề thiếu nước để phát điện, một vấn đề lớn mà các doanh nghiệp thuỷ điện đang gặp phải là bị chậm thanh toán công nợ.
Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã VSH), tính đến cuối năm 2023, công nợ phải thu với Công ty Mua bán điện (EVN) lên tới 1.171 tỷ đồng, gồm 221,16 tỷ đồng tiền bán điện năm 2022 và 949,86 tỷ đồng tiền bán điện năm 2023.
“Tình hình tài chính của EVN đang gặp khó khăn nên vấn đề thu nợ tiền điện đang bị chậm so với kế hoạch”, Công ty cho biết.
Bị chậm thanh toán công nợ hàng nghìn tỷ đồng, Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh phải thay đổi thời gian trả cổ tức tỷ lệ 20% bằng tiền (tổng cộng 472,48 tỷ đồng) từ ngày 22/3/2024 sang ngày 3/10/2024, tức trễ hơn 6 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Thuỷ điện Miền Trung (mã CHP), năm 2023, khoản phải thu Công ty Mua bán điện tăng 24,5% so với đầu năm, lên 419,4 tỷ đồng, chiếm 14,1% tổng tài sản. Tại Công ty cổ phần Thuỷ điện Thác Bà (mã TBC), năm 2023, phải thu khách hàng (chủ yếu là Công ty Mua bán điện) tăng 16,9% so với đầu năm, lên 159,9 tỷ đồng…
Với các nhà máy thủy điện đã vận hành nhiều năm như Thuỷ điện Thác Bà, Thuỷ điện Miền Trung…, nợ vay đã trả được phần lớn, áp lực chi phí tài chính không đáng kể thì việc chậm trả của EVN chỉ ảnh hưởng nhẹ. Song với trường hợp Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh thì lại khác.
Báo cáo tài chính của Công ty cho thấy, tại ngày 31/12/2023, tổng nợ vay lên tới 3.739,1 tỷ đồng (bằng 81,4% vốn chủ sở hữu). Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 196,5 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 3.542,6 tỷ đồng. Việc chậm được thanh toán sẽ ảnh hưởng lớn tới dòng tiền, khả năng trả nợ ngân hàng cũng như thanh toán cổ tức của doanh nghiệp.
Thực tế, để cân đối dòng tiền, cuối năm 2023, doanh nghiệp này đã thông qua việc vay ngắn hạn 350 tỷ đồng từ REE để thanh toán khoản nợ dài hạn tại HDBank - Chi nhánh Thủ Đức. Khoản vay này có lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại Vietcombank cộng biên độ 3%/năm, trả lãi theo tháng, thời điểm điều chỉnh lãi suất là 3 tháng/lần.