FE Credit dự tính IPO trong năm 2021. Ảnh: Dũng Minh

FE Credit dự tính IPO trong năm 2021. Ảnh: Dũng Minh

Năm khó của ngành tài chính tiêu dùng đã qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành tài chính tiêu dùng đột ngột "thắng gấp" năm 2020 vì Covid và yêu cầu cải tổ.

Thắt chặt hầu bao

Chị Nguyễn Thu Thủy (Hà Nội) là chủ một shop bán hàng tạp hóa online tại nhà. Chị cho biết, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra đơn hàng khá đều đặn, khoảng 2-3 triệu đồng/ngày, nhưng nay không còn thuận lợi như trước. Thời điểm dịch bệnh xã hội phải giãn cách, có những ngày thậm chí không có đơn hàng nên chị phải bán thêm cả hàng ăn uống, nhưng tình hình cũng không tốt hơn.

“Hết thời gian giãn cách xã hội, tôi đã phải thuê một cửa hàng nhỏ trên phố Nguyễn Phúc Lai để vừa bán hàng online, vừa bán hàng trực tiếp. Việc kinh doanh có tiến triển, nhưng vẫn chưa thể so với trước đây. Kinh tế khó khăn nên mọi người hạn chế chi tiêu cũng là điều dễ hiểu. Thôi, đành cố gắng cầm cự qua giai đoạn dịch bệnh”, chị Thủy nói.

Kinh doanh ế ấm cũng là thực trạng trên thị trường điện máy. Cả một năm vắng khách khiến những tháng cuối năm các siêu thị đồng loạt “phá giá” với mức giảm tới 50% các mặt hàng nhằm cứu doanh số. “Một năm u ám với ước tính tăng trưởng âm từ 20-25%”, lãnh đạo các doanh nghiệp điện máy chung nhận định về thị trường điện máy năm 2020.

Thực tế, Covid-19 khiến cho thu nhập của toàn bộ nền kinh tế giảm thấp, thu nhập khả dụng của mỗi cá nhân đều bị giảm thiểu, nên nhu cầu tiêu dùng cũng bị tiết giảm. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí phá sản.

Giai đoạn hậu dịch sẽ mở ra nhiều định hướng mới trong việc phát triển kinh doanh, là dịp để các công ty mới cấu trúc lại mô hình hoạt động phù hợp, đáp ứng xu hướng cho vay tiêu dùng mới

Một nghiên cứu của FiinGroup nhận định, sau giai đoạn tăng “nóng” 2014-2015 với tỷ lệ tăng trưởng hơn 168%/năm và đạt quy mô 577.407 tỷ đồng, thị trường tài chính tiêu dùng đã ổn định hơn với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 30,4%/năm từ năm 2015 đến năm 2019.

Tuy nhiên, thị trường hiện đối diện với thách thức kép: Một là, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới nền kinh tế, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, khiến nhiều người không có khả năng thanh toán các khoản vay tài chính tiêu dùng; hai là, Thông tư 18/2019/TT-NHNN ban hành đã làm hạn chế việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng bằng tiền mặt - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của nhiều công ty tài chính cũng như là sản phẩm chủ lực của các công ty mới gia nhập thị trường.

“Danh mục cho vay của các công ty tài chính về bản chất là tập trung vào những khoản vay cá nhân không có tài sản bảo đảm, khách hàng có thu nhập thấp; những người kém khả năng chống chịu về mặt tài chính trước các yếu tố kinh tế vĩ mô tiêu cực. Trong khi đó, diễn biến phức tạp của Covid-19 khiến nhiều khách hàng bị mất việc làm, giảm thu nhập, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ. Do đó, ban lãnh đạo công ty đã chủ động trích lập dự phòng nhiều hơn không chỉ cho năm nay, mà còn cả các năm tới”, tổng giám đốc một công ty tài chính cho biết.

Theo đó, giám đốc nguồn vốn một công ty tài chính tiêu dùng nhận định: “Lợi nhuận của các công ty tài chính trong năm 2020 có thể bị ảnh hưởng do tăng trưởng cho vay chậm hơn và trích lập dự phòng cao hơn cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn do Covid-19 gây ra”.

Bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó tổng giám đốc SHB Finance cho rằng, các công ty tài chính mới gia nhập thị trường trong 3 năm qua sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với những tên tuổi cũ do bộ máy vận hành chưa ổn định.

Đặc biệt, cuộc cạnh tranh càng trở nên khốc liệt hơn trong bối cảnh “hồi sinh” mạnh mẽ của các công ty tài chính trước đây hoạt động chưa hiệu quả như Mcredit, Easy Credit, Lotte Finance, Viet Credit…, khiến thị phần của 3 công ty dẫn đầu thị trường bị xói mòn đáng kể.

2021: Lấy lại động lực tăng trưởng

Thực tế, cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 một mặt mang đến thách thức cho thị trường tài chính tiêu dùng, nhưng mặt khác cũng tạo cơ hội thay đổi “cuộc chơi” khi xu hướng của khách hàng thay đổi, chẳng hạn thúc đẩy sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt với thẻ tín dụng và tích hợp công ty tài chính tiêu dùng với các nền tảng trực tuyến…

Hiện tại, trong số 16 công ty tài chính được cấp phép, chỉ có 5 công ty cung cấp sản phẩm thẻ tín dụng là FE Credit, Home Credit, Lotte Finance, Viet Credit và JACCS. Cho vay thẻ tín dụng chỉ mới mở rộng hoạt động từ năm 2017, nhưng đã tăng nhanh so với năm 2019 với mức tăng trưởng lên tới 124,6%. Sự cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng cho thanh toán không dùng tiền mặt được nhận định sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của thẻ tín dụng.

Hay như câu chuyện thanh toán khoản vay qua MoMo thông qua việc tích hợp vào ứng dụng di động của không chỉ các ngân hàng, mà còn của các tổ chức tín dụng khác. Theo đó, khách hàng của 9/14 công ty tài chính đang hoạt động hiện có thể sử dụng ví điện tử MoMo tích hợp làm phương thức thanh toán.

Một điểm đáng chú ý khác là sự sôi nổi của hoạt động sáp nhập, hợp nhất trên thị trường tài chính tiêu dùng thời gian qua với một trong những thương vụ tiêu biểu là Hyundai Card (Hàn Quốc) mua 50% cổ phần (giá trị khoảng 42 triệu USD) của Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM). Một công ty khác là Công ty Tài chính cổ phần Handico (Haific) cũng nhận được sự quan tâm của cả ngân hàng trong nước như TPBank và các tập đoàn tài chính nước ngoài như AFS, KB Kookmin Card hay JB Financial Holdings, cho dù đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt của Chính phủ.

Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho FE Credit chuyển đổi tư cách pháp nhân từ trách nhiệm hữu hạn sang cổ phần. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đã chấp thuận cho FE Credit tăng vốn điều lệ thêm 5 tỷ đồng (hơn 215.000 USD), đạt xấp xỉ 7.300 tỷ đồng, báo hiệu sự chuẩn bị cho đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm nay.

Một nghiên cứu gần đây của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, VPBank có nhiều lựa chọn để tăng vốn và một trong số đó là thu nhập từ việc IPO FE Credit dự kiến thực hiện trong năm 2021.

Liên quan tới vấn đề này, chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp của FE Credit thông tin, thương vụ đang trong quá trình đàm phán với hy vọng có thể hoàn hoàn thành trong quý III/2021 và Ban lãnh đạo Công ty kỳ vọng định giá FE Credit ở mức trên 3 lần giá trị sổ sách.

Về tỷ lệ bán, vì FE Credit là công ty tài chính nên VPBank có thể bán tối đa 49% vốn. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank cho biết, nếu bán ở mức tối đa cho phép thì quyền lợi của VPBank sẽ giảm đi, nhưng bù lại, khi có đối tác nắm giữ đến 49% vốn thì FE Credit có khả năng đón nhận nhiều công nghệ mới cùng nguồn vốn hùng hậu từ đối tác này. Phần vốn bán được sẽ có nhiều phương án sử dụng, chẳng hạn giúp Ngân hàng mẹ tăng vốn, tăng quy mô, từ đó đẩy mạnh cho vay…

Còn với SHB Finance, được biết Hội đồng thành viên Công ty đã ban hành nghị quyết thông qua việc bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài nhằm giúp SHB Finance tận dụng được kinh nghiệm vận hành, năng lực quản trị, kênh phân phối hiện đại và chuyên nghiệp của đối tác ngoại để đưa Công ty vào nhóm dẫn đầu thị trường.

“Giai đoạn hậu dịch sẽ mở ra nhiều định hướng mới trong việc phát triển kinh doanh, là dịp để các công ty mới cấu trúc lại mô hình hoạt động phù hợp và nhanh chóng ứng dụng công nghệ số để tiết giảm chi phí, đáp ứng xu hướng cho vay tiêu dùng mới”, bà Trần Thanh Nữ Tường Vy nói.

Nghiên cứu của FiinGroup nhận định, năm 2019 tín dụng tiêu dùng đóng góp 20,5% vào dư nợ tín dụng quốc gia - một con số khá khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực, trong khi chưa thể cải thiện nhiều trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên được cho là sẽ lấy lại được động lực tăng trưởng trong năm 2021 cùng với đà hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế.

Tin bài liên quan