Nắm giữ 1.671.574 tỷ đồng vốn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước lãi - lỗ thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, Chính phủ đánh giá tại báo cáo vừa được gửi tới Quốc hội.
Năm 2021 tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 826 doanh nghiệp là 1.671.574 tỷ đồng (Ảnh mnh hoạ của Duy Linh).

Năm 2021 tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 826 doanh nghiệp là 1.671.574 tỷ đồng (Ảnh mnh hoạ của Duy Linh).

Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, Chính phủ đánh giá tại báo cáo về hoạt động của DNNN năm 2021 vừa được gửi tới Quốc hội.

826 doanh nghiệp lãi 205.045 tỷ đồng

Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2021 trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 với các biến chủng mới, các DNNN vẫn đạt được những điểm sáng.

Đến ngày 31/12/2021, cả nước có 826 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước. Tổng tài sản là 3.749.867 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020.

Vốn chủ sở hữu là 1.795.451 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020. Tổng doanh thu đạt 2.128.254 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020.

Lãi phát sinh trước thuế đạt 205.045 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Trong đó, khối các tập đoàn - tổng công ty (TĐ, TCT), Công ty mẹ - con là 186.371 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2020, chiếm 91% tổng lãi phát sinh trước thuế của các DN.

Tỷ suất Lãi phát sinh trước thuế /Vốn chủ sở hữu bình quân chung của các DN năm 2021 là 11% (năm 2020 là 9%); Tỷ suất Lãi phát sinh trước thuế/Tổng tài sản bình quân chung của các DN năm 2021 là 5% (năm 2020 là 4%).

Có 90/826 DN (chiếm 11% tổng số DN) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 16.064 tỷ đồng. 184/826 DN (chiếm 22% tổng số DN) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 52.840 tỷ đồng.

Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) là 323.876 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020, chủ yếu thu từ hoạt động kinh doanh nội địa (chiếm 75% tổng số phát sinh phải nộp NSNN). Trong đó, khối các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con là 285.891 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020, chiếm 88% tổng số phát sinh phải nộp của các DN.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc (người thay mặt Chính phủ ký báo cáo) khái quát:chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ, dù chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ (0,08%) trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn, khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Quy mô tài sản bình quân của doanh nghiệp có vốn nhà nước là 4.500 tỷ đồng/DN, tài sản, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước tăng trưởng dương (lãi phát sinh trước thuế bình quân tăng 25%), tạo động lực đáng kể để phát triển kinh tế, đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhà nước (lợi nhuận sau thuế và cổ tức/lợi nhuận được chia), tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Hiệu quả chưa tương xứng với nguồn lực

Năm 2021 tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 826 DN là 1.671.574 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020 (DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1.508.768 tỷ đồng và các DN còn lại là 162.806 tỷ đồng). Tất nhiên đây chưa phải là toàn bộ nguồn lực mà các DNNN đang có.

Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, Chính phủ đánh giá.

Hiệu quả đầu tư trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng khi phê duyệt dự án, một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản; các dự án đầu tư tại các khu vực bất ổn về kinh tế, chính trị, pháp lý, xã hội, thị trường...; một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả, báo cáo nêu rõ.

Chính phủ cũng chỉ ra hạn chế là, trách nhiệm thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước chưa thật sự rõ ràng; cơ quan đại diện chủ sở hữu thiếu nguồn lực để hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả thể hiện qua việc chưa thực hiện triệt để việc tách bạch chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước.

Theo báo cáo thì các hạn chế có nguyên nhân chủ quan nhiều hơn, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ quan điểm, nhận thức: Tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của DNNN chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Một số vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau nhưng chậm được tổng kết thực tiễn, kết luận để có thể cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, ví dụ vấn đề vị trí của DNNN trong thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vấn đề trao quyền tự chủ của DNNN, vấn đề sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết kinh tế...

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, cũng nằm trong nguyên nhân chủ quan dẫn đén hạn chế của khối này.

Phấn đấu năm 2025 có ít nhất 25 doanh nghiệp tỷ đô

Tại báo cáo, Chính phủ xác định đến hết năm 2025 phấn đấu đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.

Như, 100% Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước ứng dụng quản trị trên nền tảng số, thực hiện quản trị doanh nghiệp tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của OECD;

Phấn đấu 100% Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới, trong đó có một số dự án đầu tư tiêu biểu, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của DNNN;

Có ít nhất 25 DNNN có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ USD;

100% DNNN có định hướng và thực hiện chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ xanh, sạch và giảm thải khí carbon;

Đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng khoảng 5% - 10% so với giai đoạn 2016 - 2020.

Tin bài liên quan