Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Chan-o-cha (Ảnh: Reuters)
Mở ra cơ hội mới
Trong những ngày đầu tiên của năm mới 2020, Nguyễn Thị Lê Na, người sáng lập của Công ty Cổ phần Trang trại Phú Quý, đơn vị sở hữu thương hiệu cam sinh thái Vinh Kỳ Yến (Nghệ An) đã xắn tay vào công tác chuẩn bị cho dự án trồng xoài tại Campuchia.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, chị Na cho biết: “Tôi thấy rất vui và may mắn. Đối tác tại Campuchia đã mời tôi sang khảo sát và cho tôi sử dụng 30ha đất miễn phí để triển khai mô hình trang trại xoài sinh thái”.
Chị Na hy vọng với dự án này, trong tương lai có thể cung cấp xoài chất lượng cao cho thị trường Việt Nam và Campuchia.
Trong những năm qua, Campuchia đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện Việt Nam là nước đầu tư lớn thứ năm vào Campuchia với rất nhiều tên tuổi lớn hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau từ nông nghiệp đến cơ sở hạ tầng như Tập đoàn Cao su Việt Nam hay Công ty Ô tô Trường Hải.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư, đến cuối năm 2019, hơn 200 công ty Việt Nam đã đầu tư vào 178 dự án tại Campuchia với số vốn hơn 3 tỷ đô la.
Kỳ vọng tăng trưởng thương mại
Không chỉ có Campuchia, các nước khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Myanmar, Lào, Singapore cũng đang là điểm đến của các nhà đầu tư Việt Nam. Ngược lại Việt nam cũng đang trở thành điểm thu hút đầu tư hấp dẫn đối với các nước ASEAN.
Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, Singapore, Malaysia và Thái Lan lần lượt là nước đầu tư lớn thứ 3, thứ 8 và thứ 9 với tổng vốn đăng ký là 49,8 tỷ, 12,6 tỷ và 10,9 tỷ đô la.
Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề cấp cao về thương mại và đầu tư nội khối ASEAN “Tăng cường thương mại và đầu tư nội khối ASEAN vì một ASEAN gắn kết và thích ứng” mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, cộng đồng kinh tế ASEAN là một trong những tổ chức thành công nhất trên thế giới, là một ví dụ điển hình về lợi ích khu vực do sức mạnh tập thể mang lại.
“Tổng giá trị thương mại của khu vực đã tăng từ khoảng 89 tỷ đô la năm 1996 lên 520 tỷ đô la vào năm 2019. Riêng đối với Việt Nam, thương mại của chúng ta với ASEAN đã tăng từ khoảng 4 tỷ đô la năm 1996 lên 58 tỷ đô la vào năm 2019”, thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.
Theo ông Khánh, đây là một sự tăng trưởng ngoạn mục của thương mại nội khối. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực.
“Nhờ vào Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN, 98% thuế nhập khẩu đã giảm về 0 – 5%, nhưng mức tăng trưởng thương mại mới chỉ đạt 5,8% trong năm 2019, thấp hơn kỳ vọng. Mục tiêu của khu vực là sẽ tăng gấp đôi mức tăng trưởng vào năm 2025.Với dân số 650 triệu người, ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu, thu hút 7% dòng vốn FDI toàn cầu. Bên cạnh đó, việc loại bỏ hàng rào thuế quan sẽ mang lại cơ hội thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN", Thứ trưởng Khánh chia sẻ.
Trong khi đó, Aladdin D.Rillo, Phó tổng thư ký phụ trách Cộng đồng kinh tế ASEAN, Ban thư ký ASEAN trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư rằng, trong những năm qua, khối ASEAN đã thực hiện nhiều sáng kiến quan trọng để thúc đẩy thương mại và đầu tư.
“Một ví dụ điển hình là cơ chế một cửa ASEAN, giúp xác định xem tài liệu nào cần thiết và phù hợp với cơ chế”, ông Rillo cho biết“.
Tất cả các nước ASEAN hiện đã tham gia trực tiếp vào cửa sổ ASEAN. Đó là một thành tựu lớn của năm 2019, bởi vì lúc đầu năm, chỉ có sáu quốc gia có, nhưng đến cuối năm, tất cả các quốc gia đã tham gia.
Những rào cản cần tháo gỡ
Bên cạnh những ưu điểm của ASEAN, Rillo cũng chỉ ra một rào cản đối với thương mại và đầu tư nội khối hiện nay là sự tương đồng về điều kiện tự nhiên và chính trị tạo tiển đề cho ASEAN sản xuất ra những sản phẩm tương tự nhau, do đó “cần xác định sản phẩm mới để thúc đẩy hoạt động thương mại liên vùng”.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh những khó khăn do tình hình thế giới gây ra, bao gồm căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng làm tăng xu hướng bảo hộ thương mại.
Trong khi đó, ông Fukunari Kimura, Kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho biết, trong kỷ nguyên mới của kỹ thuật số hóa, thương mại và đầu tư phải đối mặt với một số thách thức do các loại chính sách khác nhau mang lại.
“Giờ chúng ta có kết nối kỹ thuật số, vì vậy nhiều doanh nghiệp nhỏ và cả người tiêu dùng nhỏ lẻ có thể tham gia trực tiếp vào thị trường. Vì vậy, doanh nghiệp phải hành động thiên về định hướng người tiêu dùng nhiều hơn. Giao dịch và dịch vụ khách hàng của ọ cũng vô cùng quan trong theo nghĩa đó”, ông Fukunari Kimura phân tích.
Theo ông Fukunari, ASEAN cũng nên nghĩ đến các loại hình thương mại mới với sự hỗ trợ của công nghệ.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh bổ sung hai rào cản lớn khác đối với thương mại và đầu tư ASEAN là hàng rào phi thuế quan, và tầm của doanh nghiệp ASEAN.
Theo ông, thuế quan từng được coi là rào cản lớn nhất đối với thương mại trong ASEAN, nhưng giờ là lúc ASEAN cần đưa ra các văn bản giúp doanh nghiệp hoạt động suôn sẻ. Ông cũng cho rằng rằng hầu hết các công ty ASEAN không đủ lớn để vươn tầm ra khu vực. “Đây cũng là một yếu tố làm cho giá trị thương mại và đầu tư nội khối ASEAN còn khiêm tốn”.
Những nỗ lực của Việt Nam vì một ASEAN tốt hơn
Phát biểu tại hội nghị chuyên đề, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đang nỗ lực để đảm bảo tất cả các cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN được thực hiện.
“Chủ đề ASEAN 2020 là gắn kết và thích ứng. Chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra chất keo kết nối các quốc gia thành viên ASEAN để hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra chuỗi giá trị từ các sản phẩm tương tự của khu vực”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết.
Theo Thứ trưởng Dũng, trong một năm, Việt Nam không thể tạo ra hoặc đưa ra các giải pháp và chương trình hành động hoàn hảo để đạt được mục tiêu của khu vực vào năm 2025, nhưng “ít nhất thì trong vai trò chủ tịch ASEAN, chúng ta cũng khởi động được tiến trình tìm cách tháo gỡ các rào cản” và tập trung vào việc mở rộng mối quan hệ với cộng đồng quốc tế, từ đó thúc đẩy, thu hút đầu tư của họ vào khu vực để tạo ra các loại sản phẩm mới, thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối.
Đây cũng là lý do khiến Thứ trưởng Dũng tin rằng, vị trí kép của Việt Nam vào năm 2020 khi vừa là chủ tịch ASEAN vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ giúp Việt Nam làm tốt hơn vai trò của mình đối với ASEAN, hiện thực hóa mục tiêu của khu vực.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định, đối với Việt Nam và ASEAN, việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là rất quan trọng.
“Với 16 quốc gia, RCEP sẽ tạo ra một thị trường rộng lớn với một nửa dân số thế giới. Với thuế suất 0%, thương mại nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác sẽ được thúc đẩy”.
Ông Khánh cũng khẳng định, trong thời gian tới Bộ Khoa học Công nghệ sẽ làm việc với các bộ và cơ quan liên quan từ các quốc gia thành viên để tạo ra hệ thống các chỉ tiêu chung rõ ràng, minh bạch cho tất cả các nước trong khối.
Phát biểu tại Lễ Khởi động Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ phát huy những thành quả, tiếp nối nỗ lực của các kỳ Chủ tịch tiền nhiệm, để cùng các thành viên định hướng phát triển Cộng đồng ASEAN đến 2025 và xa hơn.
“Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình hợp tác cùng các nước thành viên, thực hiện thành công các trọng tâm ưu tiên của năm ASEAN 2020 và đó cũng là đóng góp thiết thực của Việt Nam cho một tương lai tươi đẹp hơn của ASEAN”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cam kết.