Nắm bắt các nguyên tắc ESG trong chiến lược quản trị doanh nghiệp

Nắm bắt các nguyên tắc ESG trong chiến lược quản trị doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước kỳ vọng toàn cầu đối với doanh nghiệp áp dụng các phương thức sản xuất, kinh doanh bền vững, nhiều công ty đang nỗ lực tìm hiểu ý nghĩa của phát triển bền vững đối với hoạt động doanh nghiêp, tìm kiếm hướng thay đổi và vì sao cần thay đổi.

Khái niệm môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang đặt ra thách thức lớn với các doanh nghiệp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt đối với những doanh nghiệp giao thương nhiều với thị trường châu Âu và châu Mỹ, nơi có yêu cầu ngày càng cao với các tiêu chuẩn về biến đổi khí hậu và tác động xã hội, đặc biệt là nhân quyền.

Tuy nhiên, cần nhận thấy rằng các quốc gia trong khu vực đang tích cực chuẩn bị cho việc áp dụng ESG. Việt Nam là một ví dụ điển hình, tuy khởi đầu muộn, nhưng đã nhanh chóng và chủ động thích nghi với xu hướng ESG.

Do tăng trưởng kinh tế của đất nước phần lớn phụ thuộc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu, sự dịch chuyển mạnh mẽ sang đầu tư ESG, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút FDI tốt hơn nếu nhanh chóng đưa ra các chính sách đầu tư theo tiêu chí ESG. Điều này cũng thể hiện qua các hoạt động khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững.

Ông Nick Wood, Cố vấn cấp cao, Công ty Tư vấn FTI

Ông Nick Wood, Cố vấn cấp cao, Công ty Tư vấn FTI

Chẳng hạn, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thành lập hàng năm công nhận các công ty trong số 1.500 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau dựa trên Chỉ số Doanh nghiệp Bền vững (CSI).

Ngoài ra, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) từ năm 2017 cũng đã đưa ra Chỉ số Bền vững Việt Nam (VNSI) để chấm điểm và đánh giá điểm ESG hàng năm dựa trên thông tin cổ phiếu cấu thành VN100 Index.

Tuy nhiên, một số tổ chức quản lý quỹ cấp cao và công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam còn chưa áp dụng ESG và có kiến thức, sự hiểu biết rất khác nhau về ảnh hưởng ngày càng tăng của các vấn đề môi trường và xã hội đối với hoạt động lâu dài của các doanh nghiệp.

Phong vũ biểu Khả năng phục hồi toàn cầu 2021 do FTI Consulting xuất bản phản ánh quan điểm của hơn 2.800 lãnh đạo công ty lớn các nước G20 trên thế giới cho thấy, khoảng 1/3 dự án sẽ bị các cơ quan quản lý hoặc chính phủ điều tra về ESG trong 12 tháng tới đối với 3 ngành hàng đầu dễ bị tổn thương nhất là công nghiệp tái tạo, khai khoáng và lĩnh vực tài chính.

7 sai lầm trong quản lý ESG

Một kế hoạch chiến lược ESG vững chắc cần được phát triển một cách cẩn trọng có hệ thống để hỗ trợ tăng trưởng dài hạn. Dưới đây là 7 sai lầm các công ty thường mắc phải.

Tập trung vào việc xếp hạng

Xếp hạng tích cực giúp một công ty được công nhận, nhưng độ tin cậy sẽ bị đặt câu hỏi nếu thiếu nền tảng kiến trúc bền vững. Việc nhấn mạnh quá nhiều vào “các tiêu chí” lấy đi những nguồn lực giá trị tập trung cho nhiệm vụ trọng tâm là thiết kế riêng cho công ty chiến lược phát triển và kế hoạch ESG. Trên thị trường hiện có quá nhiều phương pháp đánh giá nên việc thoải mãn tất cả các tiêu chí là điều không khả thi.

Ông Arthur Do, Giám đốc điều hành Tiếp thị & Truyền thông Tiên Phong

Ông Arthur Do, Giám đốc điều hành Tiếp thị & Truyền thông Tiên Phong

Công bố thành tích

Các công ty đang tìm kiếm thành tích chớp nhoáng thường đưa ra những kết quả tích cực về các hoạt động bền vững của mình gắn với các chính sách đã được công bố. Điều này chỉ có hiệu quả nếu những thành tích trên đạt được trên cơ sở chiến lược và kế hoạch thực hiện ESG nhất quán. Nếu những thành tích này không đáp ứng được các tiêu chí và chính sách công bố, công ty sẽ phải đối mặt với phản ứng tiêu cực từ phía khách hàng, đối tác, các tổ chức và cơ quan quản lý. Vết nhơ đó rất khó tẩy.

Quan trọng hóa chính sách

Vấn đề chính yếu không nằm ở việc doanh nghiệp có chính sách định hướng hay không mà ở cách thức doanh nghiệp thực thi và ứng dụng các chính sách đó vào hoạt động tạo niềm tin như thế nào. Hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ chịu tác động trực tiếp từ chính sách và việc thực hiện sai định hướng sẽ mang lại nhiều hệ lụy với doanh nghiệp.

Quản lý ESG như một yếu tố rủi ro

Tính an toàn và bền vững là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp định hướng tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Chúng phải được quản lý theo cách khác vì có những rủi ro khác. Hội đồng quản trị và đội ngũ lãnh đạo cấp cao có trách nhiệm giám sát, chịu trách nhiệm về ESG và tích hợp nó vào chiến lược kinh doanh. Thách thức chính đối với các công ty là làm thế nào học hỏi kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ do kỹ năng còn quá mới mẻ và kinh nghiệm hạn chế..

Quá chú trọng việc tuân thủ

Một số công ty đưa ra các chương trình ESG nhấn mạnh việc tuân thủ các quy tắc và quy định liên quan tới vấn đề môi trường, lao động, sức khỏe, an toàn và những vấn đề khác. Cách tiếp cận này có thể trái ngược với kỳ vọng của các bên liên quan được đánh giá bằng sự rủi ro và tác động hơn là những quy tắc. Ví dụ, các công ty hoạt động ở các quốc gia có rủi ro cao về lao động cưỡng bức có thể là mục tiêu nếu chương trình đào tạo nhân quyền cho nhân viên giống như ở các nước có độ rủi ro thấp.

Phân quyền quyết định

Xác định rủi ro và thách thức của doanh nghiệp dựa nhiều vào việc hoàn thiện kế hoạch triển khai ESG được phối hợp đồng bộ trong toàn doanh nghiệp. Nếu hổng bất cứ một khâu nào đều có thể dẫn đến thiếu nhất quán và tiêu chuẩn kép. Các công ty cần phải tiếp cận các lợi ích một cách hài hòa để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

Chú trọng năng lực giám sát

Việc thiếu giám sát hiệu quả hoạt động ESG cản trở doanh nghiệp phát triển và khó nhận được sự tín nhiệm cho những sáng kiến đang triển khai của mình. Việc tạo lập quy trình và phương pháp thu thập thông tin phù hợp cho việc giám sát hoạt động cần phải thực hiện một cách có hệ thống và xuyên suốt bởi đây chính là công cụ để thúc đẩy cải tiến doanh nghiệp nhằm đạt tới thành công như mong đợi.

Bảy sai lầm trên có thể không gây hậu quả quá nghiêm trọng, nhưng có thể nguy hiểm nếu ảnh hưởng tới khả năng quản lý tài chính và vận hành doanh nghiệp.

Xác định cách tiếp cận

Thuật ngữ ESG đã được cộng đồng nhà đầu tư đúc kết để bao quát hàng loạt vấn đề sâu rộng vượt trên tầm hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường và lường trước những rủi ro tài chính mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt. Doanh nghiệp cần chú trọng đến việc xây dựng các chính sách, hệ thống quản lý và quy trình quản lý rủi ro ESG.

Cũng như bất kỳ rủi ro nào, trách nhiệm đối với rủi ro ESG thuộc về hội đồng quản trị, mặc dù đội ngũ điều hành có bổn phận thực hiện chiến lược ESG. Vấn đề xã hội, môi trường có thể tùy theo ngành nghề và thậm chí từng doanh nghiệp, tùy thuộc vào những rủi ro cụ thể, khi việc quản trị doanh nghiệp có xu hướng tương tự giữa các lĩnh vực.

Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp phải thường xuyên thực hiện đánh giá hoạt động thực thi các tiêu chuẩn ESG nhằm thu hút các bên liên quan để có cái nhìn “khách quan”. Dựa vào các đánh giá khách quan, doanh nghiệp có thể tính được mức độ ảnh hưởng và các tiêu chí ESG ưu tiên trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình. Khi xác định được các vấn đề trọng yếu, doanh nghiệp có thể xây dựng được tầm nhìn và chiến lược kinh doanh dài hạn cũng như xác định được xu hướng của ngành và dự tính các tác động tài chính trực tiếp và gián tiếp từ những cơ hội và rủi ro về mặt môi trường hoặc xã hội.

Một khi đã hiểu được các vấn đề quan trọng của mình, doanh nghiệp có thể đưa ra những chính sách, mục tiêu, chiến lược để đạt được thành tích và kết quả kinh doanh cao nhất. Các quy trình quản lý rủi ro và cơ hội ESG phải thường xuyên cập nhật và điều chỉnh theo thực tế thay đổi và xu hướng phát triển chung nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Hơn nữa, việc thực hiện hiệu quả chương trình ESG đòi hỏi việc theo dõi và đánh giá thường xuyên bằng cách ứng dụng các chỉ số hoạt động để xác định vị trí của doanh nghiệp trên biểu đồ ESG. Đây là một quá trình đầu tư lâu dài và từng bước thay đổi dần từ nhận thức đến hành động.

Phương pháp tiếp cận ESG có hệ thống này ngược hẳn với các phương pháp truyền thống, theo đó những nỗ lực của doanh nghiệp nhằm cải thiện hình ảnh của mình thông qua hoạt động xã hội, từ thiện và quảng bá không liên quan trực tiếp tới hoạt động kinh doanh.

Mặc dù các hoạt động xã hội, quan hệ cộng đồng, chương trình sáng kiến xanh, và truyền thông doanh nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng cũng chỉ là phần nhỏ trong chương trình phát triển bền vững hay chương trình ESG của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan