Cổ phiếu ngân hàng thu hút nhà đầu tư
Thị trường chứng khoán năm 2020 không tránh khỏi khó khăn vì đại dịch Covid-19, song nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tạo được “sóng”.
Giá các cổ phiếu “vua” tăng từ 20 - 60% trong 3 quý đầu năm. Chính điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng lên sàn trong quý cuối năm, tuân thủ quy định tại Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” là đến hết năm 2020, tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần đều đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung.
Từ đầu năm 2020 đến nay có 3 ngân hàng được chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM, đầu tiên là Ngân hàng TMCP Bản Việt đăng ký 317,1 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán BVB đã chào sàn ngày 9/7.
Sau đó là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận giao dịch trên UPCoM ngày 27/7, sẽ chào sàn vào ngày 15/10 tới. Gần đây nhất, ngày 9/10, hơn 389 triệu cổ phiếu của Nam A Bank chào sàn UPCoM với mã chứng khoán NAB.
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, việc đăng ký giao dịch trên UPCoM của Nam A Bank nhằm tăng tính minh bạch và tuân thủ quy định tại Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” do Thủ tướng phê duyệt ngày 28/2/2019, đồng thời giúp cổ phiếu tăng tính thanh khoản, nâng cao vị thế Ngân hàng trên thị trường.
Nam A Bank chọn sàn UPCoM thay vì HOSE nhằm giúp Ngân hàng có thời gian để cọ xát với thị trường chứng khoán trước khi niêm yết.
Trước đó, ngày 1/9/2020, Nam A Bank tăng vốn điều lệ từ 3.890 tỷ đồng lên hơn 4.564 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và chào bán riêng lẻ, tổng cộng phát hành thêm hơn 67,4 triệu cổ phiếu.
Hiện Nam A Bank đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó có phương án phát hành 57 triệu cổ phiếu (tương đương 570 tỷ đồng) để chi trả cổ tức với tỷ lệ 12,4878% và chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 1.430 tỷ đồng).
Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam có 10 ngân hàng niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) gồm BID, CTG, EIB, HDB, MBB, STB, TCB, TPB, VCB, VPB; 3 ngân hàng niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) gồm ACB, SHB, NVB; 8 ngân hàng giao dịch trên UPCoM gồm BAB, KLB, LPB, VIB, VBB, BVB, SGB, NAB.
Nam A Bank đang chuyển mình mạnh mẽ
Cổ phiếu NAB của Nam A Bank được nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi Ngân hàng có bước chuyển mình mạnh mẽ trong những năm gần đây khi tự tái cấu trúc bằng nội lực, không có bóng dáng của hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A).
Tiềm năng tăng trưởng của Nam A Bank còn ở phía trước khi Ngân hàng đang từng bước đẩy mạnh phát triển quy mô, nâng cao tiềm lực tài chính, nhất là khi dư địa sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài còn 30%.
Từ những ngày đầu hoạt động năm 1992, Nam A Bank chỉ có 3 chi nhánh với vốn điều lệ 5 tỷ đồng và gần 50 cán bộ, nhân viên.
Đến nay, qua những chặng đường phấn đấu gặp nhiều khó khăn và thách thức, Nam A Bank không ngừng lớn mạnh, vốn điều lệ tăng hơn 600 lần, có chất lượng tài sản tốt với mạng lưới gần 110 điểm giao dịch trên cả nước, số lượng cán bộ, nhân viên tăng hơn 30 lần.
Đặc biệt, trụ sở chính của Ngân hàng được đầu tư khang trang, ở vị trí đắc địa, nằm ngay trục đường chính Cách Mạng Tháng Tám, trung tâm Quận 3, TP.HCM. Đây là tài sản lớn được Nam A Bank đầu tư, hình thành qua 28 năm phát triển đã hết khấu hao hết.
Nam A Bank xác định tầm nhìn trở thành ngân hàng thương mại cổ phần bán lẻ hàng đầu Việt Nam, với mục tiêu mang đến những giải pháp tài chính tốt nhất cho khách hàng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, một trong những hoạt động trọng tâm của Ngân hàng là mở rộng mạng lưới, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính tối ưu và tăng cường khả năng nhận diện thương hiệu đến từng khách hàng địa phương.
Thực hiện phương châm “ngân hàng đẹp - dịch vụ tốt”, hệ thống mạng lưới Nam A Bank từ Hội sở đến các đơn vị kinh doanh được thiết kế với kiến trúc đẹp, cơ sở vật chất sang trọng, đẳng cấp, cùng trang thiết bị hiện đại theo chuẩn nhận diện nhất quán.
Đáng chú ý, Nam A Bank có những bước tiến lớn trong cuộc đua chuyển đổi số. Nam A Bank là ngân hàng Việt Nam đầu tiên đưa robot - Robot OPBA - vào phục vụ giao dịch trên toàn hệ thống.
Hiện Ngân hàng đang triển khai Onebank - hệ thống máy giao dịch tự động trên toàn hệ thống.
Theo đó, Onebank sẽ đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch ngân hàng như khách hàng có thể mở tài khoản, chuyển tiền, nộp tiền, in/xem sổ phụ tài khoản… và có nhân viên hỗ trợ 24/7 thông qua hệ thống tương tác video.
Ngoài ra, không gian giao dịch số ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Nam A Bank có nhiều trang thiết bị hiện đại khác như tablet, LCD touch screen… Mới đây nhất, Nam A Bank triển khai eKYC - định danh khách hàng trực tuyến.
Theo Tổng giám đốc Nam A Bank, trong những năm tới, số hóa vẫn là chiến lược mũi nhọn của Nam A Bank, với mục tiêu quản trị điều hành trên nền tảng số, tạo ta các sản phẩm, dịch vụ khác biệt, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Nhiều nhà đầu tư chia sẻ, có nhiều yếu tố giúp giá cổ phiếu ngân hàng tăng, trong đó kỳ vọng tăng trưởng dựa vào tiềm lực của ngân hàng yếu tố chính.
Những ngân hàng kinh doanh hiệu quả, “sức khỏe” tốt, lợi nhuận tăng trưởng, nợ xấu được kiểm soát luôn thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Với Nam A Bank, Ngân hàng liên tục có những bước tiến trong quá trình tăng vốn điều lệ, gia tăng chất lượng tài sản, phủ sóng mạng lưới, đẩy mạnh số hóa…
Kết quả kinh doanh những năm gần đây cho thấy sự bứt phá về lợi nhuận của Nam A Bank, nhất là giai đoạn 2017 - 2019.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2017 gấp 6,7 lần năm 2016, tăng vọt từ 45 tỷ đồng lên 301 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế năm 2018 gấp 2,5 lần năm 2017, đạt 743 tỷ đồng và đến năm 2019 ghi nhận 925 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong vòng 4 năm, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng tăng 20,5 lần. Việc Nam A Bank đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán sẽ giúp Ngân hàng tăng tính minh bạch, hiệu quả hoạt động cũng như nâng cao uy tín thương hiệu trên thị trường tài chính - ngân hàng.
Trên chặng đường 28 phát triển, giá trị tài sản Nam A Bank liên tục gia tăng, chất lượng tài sản tốt. Trong công bố mới nhất, Moody's duy trì mức tín nhiệm B2 cho Nam A Bank đối với hạng mục tiền gửi dài hạn, đồng thời đánh giá triển vọng ổn định lâu dài trong hoạt động. Theo phân tích của Moody’s, Nam A Bank phát triển ổn định, chất lượng tài sản cải thiện đáng kể qua từng năm hoạt động.